Viết tiếp trang sử vẻ vang

CSVN XUÂN – Trong ngành cao su có nhiều trường hợp các bạn trẻ con em NLĐ sau khi học tập đã trở về làm việc, cống hiến trí tuệ vào sự phát triển của ngành. Chính các bạn những người viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành cao su.
Minh Ngọc (đứng) trao đổi với đồng nghiệp tại Phòng nghiên cứu sinh lý khai thác, Viện Nghiên cứu CSVN.
Chị Trần Minh Ngọc (đứng) trao đổi với đồng nghiệp tại Phòng nghiên cứu sinh lý khai thác, Viện Nghiên cứu CSVN. Ảnh: CTV
Quyết tâm kế thừa truyền thống gia đình

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế Huế, anh Nguyễn Hữu Trung (Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp cơ khí chế biến, Cao su Quảng Trị) về đầu quân cho công ty.

Anh cho biết: “Việc phát triển cao su ở nơi mà trước đây là một vùng hoang hóa, vết tích chiến tranh bom đạn còn nhiều, nhân dân 2 huyện Gio Linh, Vĩnh Linh có đời sống hết sức khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, điện đường trường trạm chưa có là một việc làm có ý nghĩa quan trọng. Những gì mà cây cao su mang lại cho địa phương và người dân nơi đây đáng được ghi nhận. Sống tại mảnh đất gió Lào cát trắng, mưa bão khắc nghiệt quanh năm, tôi thấu hiểu cuộc sống cơ cực ở các tỉnh Duyên hải miền Trung nên tôi ý thức được  việc mình phải góp phần xây dựng quê hương. Với mong muốn phát huy truyền thống của gia đình bởi bố mẹ tôi đều công tác trong ngành cao su, tôi thấy không gì có thể tốt hơn việc ghi tên mình vào thế hệ kế cận của ngành, cống hiến để ngành cao su ngày càng phát triển và nâng cao đời sống cho nhân dân quê nhà”.

Trong số những cán bộ quản lý, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của Cao su Quảng Trị, có lẽ anh là người trẻ tuổi nhất. Anh tự nhắc nhở mình phải học hỏi, nỗ lực mỗi ngày, trau dồi kiến thức để hoàn thiện mình và phục vụ tốt hơn trong vai trò vừa làm công tác quản lý, vừa là cán bộ Công đoàn.

Mong được đóng góp phần nhỏ vào ngôi nhà chung

Sinh ra  và  lớn lên ở vùng đất Lộc Ninh, Bình Phước nên chị Trần Thị Minh Ngọc – Nghiên cứu viên Phòng nghiên cứu sinh lý khai thác (Viện Nghiên cứu CSVN) tự nhận thấy mình rất may mắn khi ba mẹ đều công tác trong ngành cao su. Thuở nhỏ, chị vẫn thường theo chân ba ra vườn cao su, thấy ba luôn tỉ mẫn, chăm chút với vườn cây, cứ vậy tình yêu cây cao su cứ lớn dần và nghề nghiệp chị chọn sau này cũng được định hình từ những năm tháng đó. Với mong muốn  ban đầu chỉ là tìm hiểu, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào vườn cây giúp phần nào công việc của ba đỡ vất vả hơn. Tốt nghiệp lớp 12, chị thi vào ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc tế TP.HCM, đó cũng là bước đệm để chị chuẩn bị hành trang cho việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn tại Anh.

Những tháng ngày học tập ở xứ người không chỉ giúp chị mở mang tư duy, kiến thức, mà đó còn là cơ hội giúp chị tiếp cận với nhiều công nghệ mới tiên tiến chưa được ứng dụng tại Việt Nam. Hết chương trình học, chị quyết định ở lại thêm hai năm để nghiên cứu những đặc tính của các loại cây ở vùng nhiệt đới.

Khác hẳn với nhiều du học sinh mong muốn ở lại nước bạn, từ ngày đầu chị đã định hướng học xong sẽ quay trở về Việt Nam làm việc bởi “Quen với cách sống ở Việt Nam và được công tác trong ngành cao su để nối nghiệp ba mẹ”.

Cơ hội việc làm của một du học sinh khi về nước rất nhiều, tuy nhiên Minh Ngọc nộp hồ sơ vào Viện Nghiên cứu CSVN. Nói về quyết định của mình, chị cho biết: “Trong những giá trị truyền thống của ngành, mình thấy rằng truyền thống thế hệ trẻ tiếp nối phụng sự cho ngành như một sợi dây liên kết giữa thế hệ trước và sau, quá khứ – hiện tại – tương lai. Thế hệ cha anh đã có nhiều đóng góp, tạo ra thành quả lớn cho ngành, đó là sự khích lệ cho thế hệ tiếp theo cống hiến. Với mình, khi vào công tác tại Viện Nghiên cứu CSVN, không chỉ mình mà rất nhiều trường hợp bạn trẻ chọn tiếp nối giá trị tốt đẹp này. Tấm gương để mình noi theo chính là ba mình, cũng như nhiều cô chú đi trước đã chung tay vì sự phát triển của ngành, mình chỉ mong là được đóng góp phần nhỏ nào đó vào ngôi nhà chung này”.

Có lẽ ba mẹ nào cũng hạnh phúc khi con cái mình trưởng thành và các con cũng tự hào khi được tiếp nối những gì cả cuộc đời ba mẹ đã gắn bó và Minh Ngọc cũng vậy. Khi cuốn sách viết về chương trình cao su bền vững xuất bản, Ngọc thật sự rất vui khi tên của hai cha con đều có những bài viết trong đó. “Đó là niềm vui, hạnh phúc vì không phụ niềm tin, hi vọng của ba”, Ngọc hồ hởi.

Minh Ngọc và Hữu Trung là hai trong số nhiều bạn trẻ lựa chọn tiếp nối truyền thống của ngành, của gia đình. Chúng tôi biết được rằng khi ngành cao su đang gặp nhiều khó khăn, vẫn còn đó những tâm tư, trăn trở và nghĩ suy nhưng chính sự nhiệt huyết, quyết tâm của các bạn trẻ bám trụ lại để cùng chung tay cho đại gia đình cao su là một điều rất trân quý. Tin tưởng rằng các bạn là người tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, xứng đáng là thế hệ kế thừa viết thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp trong dòng chảy lịch sử phát triển của ngành.

HÀ KHUÊ