CSVN – 36 năm gắn bó, làm việc tại Cao su Chư Prông cũng là từng ấy năm anh Nguyễn Hoàng Tuấn – Trưởng phòng Quản lý chất lượng không ngừng tìm tòi, nghiên cứu các đề tài, sáng kiến kỹ thuật mới. Những sáng kiến của anh đều được đánh giá cao về ứng dụng thực tiễn.
Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm
Với đề tài “Hợp lý hóa thiết bị dây chuyền sản xuất mủ cao su SVR10 từ nguyên liệu phối trộn mủ chén, mủ đông, mủ dây, mủ Skim” của anh Nguyễn Hoàng Tuấn cùng nhóm tác giả của công ty đã xuất sắc đạt giải Ba toàn quốc Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 16 (2020 – 2021). Giải thưởng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. Trao đổi với chúng tôi, anh Tuấn chia sẻ: “Vinh dự và tự hào lắm anh ạ vì đây là hội thi qui mô lớn và có uy tín”.
Với cương vị là trưởng phòng được Tổng giám đốc giao phụ trách công tác quản lý về chất lượng và công tác môi trường, xây dựng và duy trì hệ thống quản lý rừng bền vững VFCS-FM và Chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC… Chính vì vậy mà bản thân anh luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong 2 năm qua, sản phẩm của công ty đạt chất lượng, đặc biệt mủ SVR3L, SVR10 theo TCCS 112:2017 đạt 83,53% là sản phẩm thương hiệu VRG, mủ latex đáp ứng được TCVN 6314:2013 đã xuất khẩu cho các công ty tại Mỹ và Châu Âu có phần đóng góp không nhỏ của anh.
Anh cho biết: “Tôi rất đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Mong muốn của tôi là đươc góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, thân thiện, hướng tới môi trường xanh. Đó là động lực thôi thúc tôi không ngừng suy nghĩ, tìm tòi để đổi mới, sáng tạo để xây dựng các giải pháp kỹ thuật sáng tạo áp dụng trong sản xuất, nhằm cải tiến chất lượng, giảm chi phí đem lại lợi nhuận cho công ty”.
Tác giả của nhiều sáng kiến hữu ích
Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của anh đã được áp dụng tại công ty và đã làm lợi cho công ty mỗi năm hàng tỷ đồng như: Sáng kiến “Hợp lý hóa thiết bị dây chuyền sản xuất mủ SVR10” sắp xếp hợp lý thiết bị khi thực hiện sản xuất, thay đổi phương pháp gia công cán ủ và gia công sản xuất thành phẩm, làm tăng công suất của lò sấy, giảm chi phí tăng lợi nhuận cho công ty. Sáng kiến này đã làm lợi cho công ty mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.
Hay như sáng kiến “Xác định nhanh độ nhớt Mooney của cao su SVRCV bằng phương pháp đo độ nhớt Brook field của latex”.Sáng kiến này đã tiết kiệm được chi phí vật tư, rút ngắn được thời gian xử lý kiểm tra nguyên liệu đầu vào. Dự báo độ nhớt Mooney của mủ nguyên liệu đầu vào và của lô hàng sản phẩm. Làm tăng cơ hội bán hàng, tăng lợi nhuận cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Trần Văn Tiến – Chủ tịch CĐ công ty cho biết: “Trong công ty, khoảng 10 năm qua có lẽ anh Nguyễn Hoàng Tuấn là người có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhất. Các sáng kiến của anh ngoài giúp cho công ty làm lợi mỗi năm hàng tỷ đồng, còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo anh toàn cho NLĐ. Lãnh đạo công ty đánh giá rất cao về những nỗ lực của anh trong lao động sáng tạo”.
Với những thành tích đạt được trong quá trình công tác, anh nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, VRG và Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, song điều mà anh Tuấn hạnh phúc nhất là sự sáng tạo của mình đã giúp ích rất nhiều cho công ty và NLĐ.
HÀ ĐỨC THÀNH
Related posts:
- Cao su Krông Buk nỗ lực chuyển mình
- Đón đọc Tạp chí Cao su Việt Nam Xuân Nhâm Dần 2022
- Tạp chí Cao su Việt Nam cần chú trọng đổi mới phương thức truyền tải nội dung
- Tập trung nguồn lực để phát huy thế mạnh khu công nghiệp
- Rừng cao su: nơi sinh tồn của nhiều động thực vật
- “Ngành cao su cần chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ"
- Thị trường phân bón 2023 và những tác động nhiều chiều, gam màu nào chủ đạo?
- Campuchia xuất khẩu cao su từ tháng 1 đến tháng 5 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái
- 15 năm trên vùng đất phi truyền thống
- Nhiệt huyết của người thầy trên cao su miền núi phía Bắc