Công nhân cao su phải thấm nhuần truyền thống cách mạng

Đó là lời nhắn nhủ của ông Đặng Thành Công – Nguyên Chủ tịch CĐ CSVN. Ở tuổi 74, dù sức khỏe không được tốt, nhưng giọng ông vẫn sang sảng khi nói về giai cấp công nhân (CN) cao su. Cả cuộc đời cống hiến cho ngành, trong đó 18 năm gắn bó với tổ chức Công đoàn (CĐ) và phong trào CNVC-LĐ, ông hiểu rất rõ sự phát triển lớn mạnh của giai cấp CN cao su.
Nhiều lãnh đạo xuất thân từ phu cao su

Một ngày đầu tháng 6, đến thăm ông tại nhà riêng, mở đầu câu chuyện, ông ngâm nga mấy câu thơ của Tố Hữu: “Ôi nhớ những năm nào thuở trước. Xóm làng ta xơ xác héo hon. Nửa đêm thuế thúc trống dồn. Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy. Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ. Anh chạy vào Đất Đỏ làm phu. Bán thân đổi lấy đồng xu. Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng! Con đói lả ôm lưng mẹ khóc. Mẹ đợ con đấu thóc cầm hơi. Kiếp người cơm vãi cơm rơi. Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi!…”.

Ông Đặng Thành Công trò chuyện với PV. Ảnh: Từ Huy
Ông Đặng Thành Công trò chuyện với PV. Ảnh: Từ Huy

Đọc xong, ông nói, nhà thơ Tố Hữu đã từng cay đắng mô tả cuộc sống lầm than của người phu cao su thời Pháp thuộc. Giai đoạn những năm 1945 – 1954, đời sống phu cao su vô cùng cơ cực. Thực dân Pháp cấu kết giới tư bản Pháp ra tay bóc lột tàn nhẫn đến tận cùng xương tủy người công nhân. Nhưng đây cũng là giai đoạn đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc của CN cao su diễn ra ngày một quyết liệt và mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Đồng thời, thời kỳ này hệ thống tổ chức CĐ trong đồn điền cao su được tập trung chấn chỉnh, phong trào đấu tranh của CN được duy trì trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự. Thời kỳ chống Mỹ, rất nhiều CN cao su đã hy sinh xương máu, tính mạng để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau giải phóng, chính CN cao su là những người đầu tiên bắt tay vào khôi phục vườn cây, nhà máy, khôi phục sản xuất.

Giai đoạn những năm 1978 – 1979, đời sống CN cao su dù nhiều gian khổ những họ vẫn bám trụ với nghề, bởi đã trải qua quá nhiều thử thách. So với nhiều người, lúc này CN cao su còn khá hơn khi có cái để ăn, có nhà tranh vách đất để ở. Đến năm 1981 – 1982, mặc dù vẫn còn khó khăn nhưng CN được xây dựng tổ ấm là những căn nhà cấp 4 lắp ghép.

“Truyền thống CN cao su gian khổ như vậy, chịu cực chịu khó để xây dựng ngành cao su ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại, từ trong đấu tranh gian khổ, nhiều phu cao su trưởng thành và sau này trở thành các lãnh đạo cấp cao, như ông Lê Đức Anh – Chủ tịch nước; ông Phạm Văn Hy – Ủy viên TW Đảng; ông Năm Chữ – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai…”, ông Công nhắc nhở.

“Truyền thống CN CS là truyền thống cách mạng”

Đến ngày nay, đời sống CN đã thay đổi rất nhiều, đời sống no ấm, khổ ải qua đi. Nhiều CN cao su không chỉ ăn no, mặc ấm mà còn ăn ngon, mặc đẹp. Nhiều hộ gia đình CN vươn lên làm giàu, trong nhà trang bị đầy đủ tiện nghi không thua gì so dân thành thị. “Nhưng điều quan trọng nhất, theo tôi nhận thức của CN cao su đã có sự thay đổi rất lớn và tích cực. Thời xưa, phu cao su chỉ biết làm công ăn lương và chịu nhiều áp bức. Theo thời gian, nhận thức thay đổi, ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. CN cao su cùng nhân dân cả nước đã vùng dậy đấu tranh và thực hiện nhiều cuộc cách mạng thần kỳ.

“Có thể khẳng định, truyền thống CN cao su là truyền thống cách mạng. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác và sẽ mãi như vậy”, ông Công bày tỏ. Xây dựng giai cấp CN cao su phải xây dựng từ cái gốc, từ truyền thống của ngành. Trong giai đoạn hiện nay, các cấp lãnh đạo cần phải tăng cường tuyên truyền giáo dục, để CN thấy rằng, mình làm cho chính bản thân chứ không phải đi làm thuê. Giúp CN thấy và hiểu, trong thời kỳ khó khăn thì phải cùng nhau chia sẻ, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Để làm được việc này, người CN phải được giáo dục và thấm nhuần về truyền thống cách mạng, truyền thống CN cao su anh dũng, hào hùng.

Phan Thắng