Thêm công cụ bảo vệ quyền lợi người lao động

 Ngày 23/6, Phó TGĐ VRG Lê Xuân Hòe đã có buổi làm việc với Đoàn khảo sát liên ngành của Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế về dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Theo Trưởng đoàn công tác Phạm Tuấn Khải – Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ, đây là đợt khảo sát lần thứ tư trước khi hoàn thiện Luật để trình Quốc hội thông qua vào năm 2015. Theo dự thảo, Luật ATVSLĐ, có 6 chương, 67 điều. Luật này quy định việc bảo đảm ATVSLĐ; bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý nhà nước, trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức liên quan đến công tác ATVSLĐ. Luật này áp dụng đối với người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác ATVSLĐ.

Dự thảo luật nêu rõ, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ người sử dụng lao động và Quỹ Bảo hiểm Xã hội: Bồi thường cho NLĐ bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động mà không do lỗi của NLĐ với mức như sau: (a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo HĐLĐ nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo HĐLĐ nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; (b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo HĐLĐ cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết do tai nạn lao động; Hàng năm, Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dành tối đa 5% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo VRG đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực liên quan đến Tập đoàn, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và NLĐ. Phó TGĐ Lê Xuân Hòe cũng kiến nghị đoàn khảo sát cần quan tâm nhiều hơn đến bệnh nghề nghiệp trong công nhân cao su. Bởi đây là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong dự thảo Luật ATVSLĐ

Bình Nguyên