TS Nguyễn Anh Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam: “Ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng mục tiêu phát triền bền vững”

CSVNO – Với nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành cao su thiên nhiên Việt Nam trong môi trường toàn cầu và phát triển kinh tế xã hội bền vững thông qua các chương trình R-D (nghiên cứu và phát triển), chuyển giao kỹ thuật, Viện Nghiên cứu CSVN đã hỗ trợ hiệu quả các công ty cao su ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp vào sản xuất. TS Nguyễn Anh Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu CSVN đã trao đổi với Cao su Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

TS Nguyễn Anh Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu CSVN báo cáo tại Hội nghị Cao su Quốc tế IRRDB IRC 2023 Kuala Lumpur Malaysia, vào ngày 21/2

Với nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tính bền vững của ngành cao su thiên nhiên Việt Nam, những năm qua, Viện Nghiên cứu CSVN (Viện) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Anh Nghĩa: Trong công tác nghiên cứu của Viện, nhiều đề tài và dự án khoa học công nghệ các cấp đã và đang được thực hiện về bảo tồn nguồn gen cây cao su, tạo tuyển giống cao su; nghiên cứu cải tiến các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp đồng bộ (điều tra khảo sát phân hạng đất trồng cao su, chẩn đoán dinh dưỡng, thiết kế canh tác, trồng và thâm canh, chế độ thu hoạch mủ cao su, bảo vệ thực vật); công nghệ sau thu hoạch mủ; kiểm nghiệm cao su và xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng cao su thiên nhiên; nghiên cứu về môi trường, xử lý nước thải. Các kết quả nghiên cứu đã đưa vào sản xuất nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được các cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Viện đã lai tạo và tuyển chọn ra nhiều giống cao su tiến bộ cho năng suất mủ-gỗ hoặc gỗ-mủ cao thích hợp cho các vùng sinh thái như RRIV 1, RRIV 5, RRIV 103, RRIV 106, RRIV 107, RRIV 114, RRIV 124, RRIV 206, RRIV 209, RRIV 230, RRIV 231… Các giống

này đã được Bộ NN&PTNT công nhận. Cơ cấu bộ giống được Tập đoàn khuyến cáo qua các giai đoạn đã được bổ sung các giống mới nên ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Các giống này đã phát huy vai trò và đóng góp kịp thời trong việc nâng cao năng suất vườn cây và mở rộng diện tích ra những vùng bất thuận. Năng suất bình quân đã tăng từ 1,256 tấn/ ha/năm (2000) lên 1,691 tấn/ha/năm (2021).

Các biện pháp kỹ thuật canh tác cũng được cải tiến như bón phân theo chẩn đoán dinh dưỡng đã góp phần nâng cao hiệu quả phân bón. Kỹ thuật canh tác trên vùng đất dốc đã được nghiên cứu và khuyến cáo. Tiến bộ trong sản xuất cây con cũng đã góp phần làm thay đổi kỹ thuật trồng mới – tái canh, từ trồng bằng hạt ghép tại lô chuyển sang trồng tum, tum bầu, bầu có tầng lá nên chất lượng vườn cây và số cây hữu hiệu khi đưa vào thu hoạch được nâng cao.

Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, Viện đã nghiên cứu và đề xuất các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây cao su một cách hiệu quả, đặc biệt là những bệnh phổ biến như bệnh Corynespora, Botryodiplodia, phấn trắng, nấm hồng… và gần đây là bệnh rụng lá đốm tròn do 2 loại nấm Colletotrichum và Pestalotiopsis gây ra; các loại côn trùng gây hại như nhện, rệp vảy, mối và một số bệnh hại khác. Kỹ thuật phun thuốc phòng trị bệnh cũng đã được cải tiến, nổi bật là việc nghiên cứu sáng chế chất bám dính đã làm gia tăng đáng kể hiệu quả phun thuốc phòng trị bệnh trên cây cao su. Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng trong việc cập nhật, phổ biến thông tin, hướng dẫn chẩn đoán và kỹ thuật phòng trị dịch hại cây cao su thông qua trang web “Chẩn đoán dịch hại trên cây cao su” (https://chandoanbenhonline.rubbergroup. vn). Gần đây, Viện cũng đã nghiên cứu khuyến cáo một số thuốc bảo vệ thực vật mới thay thế các thuốc đã bị cấm sử dụng do ảnh hưởng xấu đến con người, môi trường.

Trong lĩnh vực thu hoạch mủ, đã có nhiều nghiên cứu đưa ra những tiến bộ kỹ thuật được đề xuất ứng dụng như chế độ cạo nhịp độ thấp D4, D5, D6 thay thế nhịp độ cạo D3, khắc phục tình trạng thiếu lao động cạo mủ; chế độ cạo phối hợp kích thích mủ; cạo úp có kiểm soát; sử dụng mái che mưa, máng chắn nước mưa; kích thích mủ bằng khí ethylen; quy hoạch mặt cạo; chẩn đoán sinh lý mủ. Các biệp pháp kỹ thuật này đã góp phần nâng cao năng suất, giảm công lao động cạo mủ, giảm thất thoát mủ do mưa, tình trạng sức khỏe vườn cây luôn được kiểm soát.

Trong lĩnh vực công nghệ, Viện đã phối hợp cùng Tập đoàn xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở cho quy trình chế biến cao su các loại, quản lý chất lượng sản phẩm cao su, cải tiến sản phẩm công nghiệp cao su, cải tiến và xây dựng công nghệ mới và áp dụng công nghệ cao trong xử lý nước thải ngành chế biến cao su; xây dựng các mô hình nghiên cứu sơ chế cao su tờ cùng với hệ thống xử lý nước thải quy mô nhỏ nhằm phục vụ cao su tiểu điền, nghiên cứu đề xuất các kỹ thuật xử lý khử khuẩn trong sản xuất các sản phẩm cao su. Ngoài ra còn có các công trình nghiên cứu về quản lý chất lượng cao su thiên nhiên do vậy công tác này đã được cải tiến nâng cao trong thời gian qua.

Những tiến bộ kỹ thuật này đã được đưa vào các quy trình kỹ thuật trong từng giai đoạn và gần đây nhất là quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020, giúp làm tăng năng suất cao su, giảm giá thành sản xuất, tăng mức độ đa dạng hóa sản phẩm cao su, bảo đảm chất lượng sản phẩm cao su và bảo vệ môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

TS Nguyễn Anh Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu CSVN tư vấn công tác bảo vệ thực vật cho các công ty cao su khu vực Campuchia

– Xin ông chia sẻ hiệu quả phối hợp giữa Viện với các công ty cao su trực thuộc VRG trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ ở lĩnh vực nông nghiệp vào thực tế sản xuất trong thời gian qua?

TS Nguyễn Anh Nghĩa: Bên cạnh công tác nghiên cứu, trong thời gian vừa qua, Viện cũng đã đẩy mạnh hoạt động chuyển giao kỹ thuật nhằm đưa nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ từ nghiên cứu vào phục vụ sản xuất. Các hoạt động chuyển giao bao gồm dịch vụ hợp tác tư vấn kỹ thuật thu hoạch mủ, bảo vệ thực vật, khuyến cáo giống; đào tạo công nhân cạo, cán bộ kỹ thuật; khảo sát đất, chẩn đoán dinh dưỡng, khuyến cáo bón phân hợp lý cho vườn cây; kiểm định giống; cung cấp giống, cây giống, vật tư, chất kích thích (Stimulatex, Nutrilatex, KT Latex, GCC), thuốc bảo vệ thực vật (chất bám dính BDNH 2000, dung môi phòng trị loét sọc mặt cạo LSMC 99, Hexin, Vivadamy, Vitebu)…

Các hoạt động này đã được thực hiện ở hầu hết các công ty trong ngành như: Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Đồng Phú, Dầu Tiếng, Tây Ninh, Tân Biên,  Bình  Long,  Lộc  Ninh,  Phước  Hòa,  Bà  Rịa, Bình Thuận, Chư Prông, Chư Păh, Kon Tum, Mang Yang, Chư Sê, Chư Sê Kampong Thom, Dầu Tiếng Việt Lào, Quasa Geruco… Tại các công ty có hợp tác với Viện tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chất lượng vườn cây ngày càng được cải thiện, năng suất vườn cây ngày càng được nâng cao nhờ vào các biện pháp canh tác hiệu quả, phòng trị dịch hại đúng kỹ thuật, chế độ thu hoạch mủ phù hợp. Nhiều công ty là thành viên của Câu lạc bộ 2 tấn trong nhiều năm liền.

Từ khi cây cao su di nhập vào Việt Nam năm 1897, đến năm 1975 nước ta chỉ có khoảng 75.200 ha cao su. Năm 2000, diện tích cao su tại Việt Nam là 412.000 ha, tổng sản lượng 290.800 tấn, năng suất bình quân 1,256 tấn/ha/năm. Đến cuối năm 2021, diện tich cao su đã tăng lên đến 930.500 ha, tổng sản lượng 1.28 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới, năng suất bình quân 1,691 tấn/ha/năm, cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy, ngành cao su Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng. Thành tựu này là kết quả nỗ lực lớn của toàn ngành cao su trong đó có phần đóng góp không nhỏ của khoa học công nghệ, cụ thể là việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật từ những kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam.

Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các công ty cao su trực thuộc VRG trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, cụ thể như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Anh Nghĩa: Trong thời gian tới, Viện cũng sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật đưa nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất tại các công ty. Từng bước chuyển đổi từ chuyển giao các giải pháp đơn lẻ trong từng lĩnh vực sang chuyển giao các giải pháp tổng thể liên hoàn, bao gồm tất cả các công đoạn trong canh tác cao su. Từ khảo sát đất, khuyến cáo và cung cấp cây giống trồng phù hợp cho từng vùng, đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trị dịch hại, kỹ thuật thu hoạch mủ phù hợp với điều kiện lao động tại địa phương.

Tất cả các kỹ thuật trên phải bảo đảm tính bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, từng bước chuyển đổi số trong công tác nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chung. Bên cạnh đó, công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật cho các công ty cũng cần phải được đẩy mạnh, góp phần tạo nên nguồn nhân lực tinh thông công việc, nâng cao hiệu quả công tác từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của cơ sở. Ngoài ra, Viện cũng sẽ tiếp tục sản xuất và cung cấp cho các công ty các sản phẩm phục vụ sản xuất cao su như dụng cụ, các loại nông dược có chất lượng bảo đảm hiệu quả kỹ thuật và kinh tế. Để thực hiện các định hướng nêu trên, Viện rất cần sự hợp tác, phối hợp của các công ty, đồng thời việc hỗ trợ, ủng hộ của Tập đoàn cũng là yếu tố rất quan trọng góp phần vào sự thành công của công tác chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

TRẦN HUỲNH (thực hiện)