(tiếp theo kỳ trước)
Các đồn điền đồng loạt ra đời
Đồn điền lớn thứ 2, tiếp sau Suzannah là Xã Trạch, của ông Haffner, trước là Giám đốc Thảo cầm Viên Sài Gòn, sau phụ trách Nông nghiệp Nam Kỳ. Với đồn điền Xã Trạch, người ta bắt đầu tấn công vào vùng đất đỏ của dải Nam Sông Bé và vào vùng Biển Tre của tỉnh Bình Long cũ.
Năm 1908, ở tỉnh Tây Ninh, 2 anh em ông Deleurance và Jousset de Bellesme trồng 27 ha cao su ở Vên Vên (Công ty Cao su Tây Ninh bây giờ); năm 1909 trồng tiếp 50 ha và năm 1910 trồng 233 ha, là những diện tích cao su đầu tiên của Công ty Cao su Tây Ninh chính thức ra đời, năm 1913 với số vốn là 3.800.000 Francs, chủ yếu là của gia đình de Bellesme.
Ngày 8 tháng 7 năm 1909, nhóm tài chính Sté financière des caoutchoucs được thành lập với vốn từ 3 triệu tăng ngay trong năm lên 10 triệu Francs, của nhóm Rivaud – Hallet, báo hiệu rằng bọn tư bản Pháp – Bỉ bắt đầu đánh hơi lợi nhuận của đồn điền cao su. Cũng trong năm 1909, công ty các đồn điền Baria được thành lập với vốn của những người Pháp làm ăn ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Năm 1910 chứng kiến sự ra đời của Sté des caoutchoucs de l’Indochine, với vốn của tư bản chính quốc (Pháp). Đặc biệt trong Hội đồng Quản trị của Công ty này có Nhà băng Đông Dương và ông R. Bergougnan là một nhà công nghiệp cao su Pháp, đứng hàng thứ 2, sau Công ty Michelin lúc bấy giờ. Ông R. Bergougnan đề xuất ý kiến nước Pháp phải khai thác và sử dụng toàn bộ cao su thuộc địa. Ông R. Bergougnan chủ trương sẽ tiêu thụ cao su Việt Nam theo giá thị trường và sẵn sàng mang các phòng thí nghiệm của mình ở Clermont Ferrand phục vụ yêu cầu của các công ty cao su. Có lẽ ông R. Bergougnan theo cách làm giữa Michelin và Suối Dầu của Dr. A. Yersin từ năm 1905.
Trong năm 1910, Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Nông nghiệp Thành Tuy Hạ được thành lập. Công ty sau được xây dựng với vốn của các nhà thầu ở Cảng Marseille.
Năm 1911, có các công ty sau đây ra đời: Công ty đồn điền An Lộc được Emile Girard, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Suzannah, xây dựng từ năm 1909; Công ty Cao su Xuân Lộc và Công ty Cao su Padang (Công ty Cao su Padang có vốn ban đầu đến 6.500.000 Francs, đã trở thành một trong số ít công ty có vốn lớn lúc bấy giờ). Trong công ty Padang có sự tham gia tích cực của Ernest Outrey, một nghị sĩ trong Quốc hội Pháp rất tích cực bênh vực cao su Việt Nam trong đó có cao su của ông ta.
Không có nhiều nguồn vốn để người Pháp phát triển cao su ở Việt Nam
Đến ngày 1/1/1911 theo thống kê của Hiệp hội các nhà trồng cao su đăng trong tập san của Hội tháng 5 năm ấy thì diện tích trồng cao su của 50 đồn điền đăng ký là 4.857 ha.
Chúng ta thử nhìn qua các nước Đông Nam Á khác. Cuối năm 1910, theo tài liệu do ông Octave Dupuy cung cấp, chúng ta có những con số sau đây Malaysia: 145.141ha, Ceylan: 096.000ha, Indonesia 075.200ha, cộng: 316.341ha
Việt Nam trồng cao su chậm hơn các nước trên 21 năm và về diện tích càng bị bỏ xa, thật xa!
Vì sao nước Pháp đã để quá nhiều năm trôi qua mà không quan tâm đến cây cao su trong khi việc đưa cây cao su ra khỏi vùng Amazonie, việc di nhập và phát triển cao su “vườn” từ Ceylan, Ấn Độ đến Malaysia, Indonesia, Singapore dã được Anh, Hà Lan và các thuộc địa triển khai khá rầm rộ, công khai, trong khi nền công nghiệp cao su của Pháp trong thế kỷ thứ XIX đã chiếm một vị trí quan trọng ở châu Âu? Rất ít tài liệu có thể giúp tìm hiểu vấn đề này. Có người cho rằng nước Pháp lúc ấy đang đeo đuổi cây Ficus Elastica và chăm chú tìm các loại “dây cao su” trong rừng nhiệt đới.
Có người cho rằng người Pháp đã không quan tâm đến những gì đang xảy ra ở các nước láng giềng và họ cũng rất thiếu thông tin.
Nhưng sau năm 1906 – 1907 (lấy năm thành lập Công ty Nông nghiệp Suzannah làm mốc) thì tốc độ phát triển của cao su Việt Nam chậm. Nhiều người cho là do thiếu vốn, đứng đầu là ông Octave Dupuy, tác giả của quyển “Nghiên cứu so sánh việc trồng cây cao su ở Nam Kỳ và trong một số nước ở Trung Đông (Etude comparative sur la culture de r Hevea Brasiliensis en Cochinch. et dans les divers pays du moyen Orient).
Tháng giêng năm 1911, trong bảng thống kê của Hiệp hội các nhà trồng cao su Đông Dương, người ta thấy số cơ sở đăng ký gồm có:
28 đồn điền lớn (từ 500 ha trở lên). Lúc ấy Công ty cao su Đông Dương (Thủ Dầu Một là cơ sở lớn nhất có 40.300 ha đất).
10 đồn điền loại vừa (từ trên 100 ha đến 500 ha) 13 cơ sở nhỏ từ 100 ha trở xuống. Trừ đồn điền của ông Lê Phát Tân là người Việt Nam, ở Baria, rộng 450 ha, còn tất cả đều là của người Pháp.
Trong số sở hữu chủ có 17 công ty.
Ngay trong thời kỳ đầu, người ta thấy xuất hiện những người Pháp làm cao su tiểu điền, trong số này có ông Belland (chủ đồn điền Phú Nhuận) Canavaggio, Etievant… là những nhà trồng tỉa (colon) đã tham gia thời kỳ thực nghiệm cao su ở Nam Kỳ. Và dần dần với kinh nghiệm của ông Belland một số nhà trồng cao su “ngày chúa nhật” xuất hiện.
Họ là những người Pháp làm nghề tự do, có một ít vốn; thường thường không muốn hùn hạp với ai, có chăng cùng là với vài người bạn thân trong việc tạo dựng một sở cao su loại vừa vừa, nhất là loại nhỏ vì với một sở tương đối lớn thì họ phải tìm một người Âu để quản lý; loại nhỏ thì thuê một người quản lý Việt Nam. Ông chủ (hay bà chủ) chỉ xuất hiện vào chiều thứ 7 cho đến hết ngày chúa nhật, vừa kiểm tra công việc, vừa nghỉ ngơi, vừa xa lánh cái ồn ào, bụi bặm của thành phố Sài Gòn.
Đến năm 1918, các sở cao su nhỏ (smallholding) dưới 100 ha đã đến 72 đơn vị (năm 1911 chỉ có 13), đồn điền cao su loại vừa tăng từ 10 (năm 1911) lên 42 sở. Cả 2 loại vừa và nhỏ năm 1918 đã tăng gấp 5 lần so với năm 1911. Hai ông A Cremazy và w. Bazế, đồng tác giả của quyển “L’ Heveaculture en Indochine” đã viết: “Như vậy đó, Nam Kỳ là xứ của người sản xuất nhỏ rất đông đảo, ở vùng phụ cận Sài Gòn và vốn đầu tư là từ các nguồn tại chỗ”. Và 2 ông cũng phê phán chính quyền thuộc địa “đã không làm cho những nhà trồng tỉa (colon) chú ý đến cây cao su, trong khi các thuộc địa bên cạnh Việt Nam đã khai thác cao su một cách có hiệu quả từ lâu”.
Nhưng phải công nhận rằng vốn đầu tư vào cao su ở Việt Nam từ túi tiền của người Pháp lúc ấy không nhiều. Có một lý do khách quan là những người Pháp sang Việt Nam chưa kịp làm giàu. Một phần khá lớn người Pháp theo chân bọn Hải quân và đổ bộ lên đất Nam Kỳ thường là bọn thương buôn mà ý đồ vĩ đại đầu tiên là thu gom với một tốc độ càng nhanh càng tốt các sản phẩm là của nổi của thuộc địa mới này. Đây cũng là chính sách thuộc địa của Pháp trong buổi ban đầu. Chưa đến lúc ngồi bàn coi trồng cây gì, khai thác cái gì… mà chủ yếu là biết Việt Nam có cái gì và tổ chức thu gom. Công cuộc buôn bán thời gian đầu làm theo lối “chụp giựt” cũng có mang về một số lợi nhuận; nhưng cũng không được nhiều vì người dân thuộc địa “khôn” dần lên. Bên cạnh đó, bọn “tư bản nhỏ” đặt chân lên Việt Nam, có đầu óc kinh doanh rất độc đáo, rất thức thời. Xâm chiếm thuộc địa, chưa phải là để áp dụng ngay chế độ kinh doanh tư bản chủ nghĩa đối với dân thuộc địa. Trái lại, một số nhà tư bản Pháp bắt chước nguyên xi lối bóc lột cổ truyền của bọn phong kiến địa phương: phát canh thu tô và cho vay nặng lãi.
(còn tiếp)
CSVN
(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)
125 năm cây cao su ở Việt Nam: Thời kỳ phát triển và các bước thăng trầm
Cây cao su ở Phú Nhuận – Sài Gòn
Related posts:
- Hiệu quả từ phong trào “Giúp nhau trở thành thợ giỏi”
- Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia
- Phát huy sức mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong tình hình mới
- Tặng quà Tết cho 300 công nhân khó khăn ở Cao su Hà Tĩnh, Hương Khê - Hà Tĩnh
- Đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ cho các đơn vị thành viên
- Cao su xanh: Biện pháp xanh cải thiện tác động của lốp xe đến môi trường
- Vững tin!
- Nhà truyền thống cao su Dầu Tiếng: khắc họa truyền thống hào hùng
- Xúc cảm trước tượng đài Phú Riềng Đỏ
- Làng công nhân cao su: Mái ấm của Người lao động xa quê