CSVN – Cây cao su di nhập vào Việt Nam được xác định vào năm 1897, đến nay tròn 125 năm. Cùng Cao su Việt Nam ôn lại những tư liệu lịch sử để khẳng định vai trò, vị thế của 1 loài cây có đóng góp lớn cho nền kinh tế nước nhà.
Đồn điền Phú Nhuận còn gọi là đồn điền Belland. Đây là một trong hai cơ sở trồng cao su tư nhân ra đời sớm nhất của Nam Bộ. Chủ sở là ông Belland, thanh tra cảnh sát năm 1898 đã dùng tiền riêng để mua hạt cao su từ Ceylan về trồng trong đồn điền của mình, trước tiên là để che bóng cho cây cà phê Liberia. Nhưng dần dần ông Belland đốn bỏ cà phê và đồn điền Phú Nhuận trở thành đồn điền cao su từ năm 1900 đến năm 1903.
Theo ông Paris, chủ tịch phòng Nông nghiệp Nam kỳ (1910) kể lại chúng ta có thể hình dung đồn điền Belland như sau: Đồn điền nằm cách trung tâm Sài Gòn 1 cây số, trên đường Paul Blanchy kéo dài. Đường Paul Blanchy là tên mới của đường Nationale; hiện nay là đường Hai Bà Trưng, chạy ngang chợ Tân Định cho đến Cầu Kiệu. Như vậy đồn điền Belland có thể nằm bên kia cầu Kiệu không xa. Người Pháp khi nói đến đồn điền Belland thường cho rằng nó nằm ở cửa ngõ, trên đường Sài Gòn đi Gò Vấp.
Năm 1898, ông Beiland mua của Ceylan 1.000 hạt cao su với giá 125 Francs (5 đồng Bảng Anh), ương được 33 cây. Và có thể các cây đầu tiên này cũng không tồn tại. Năm 1899 ông mua tiếp 1.000 hạt, ương được 600 cây (tỷ lệ nảy mầm 60%). Năm 1901 ông mua 15.000 hạt lần này chỉ đạt 4.500 cây, tỷ lệ nảy mầm 30%.
Năm 1902, lại mua 15.000 hạt, ương được 9.000 cây. Và cuối cùng, năm 1904, ông nhập 15.000 hạt, chia cho đồn diền Etiévant phân nửa, riêng ông Belland đạt 1.200 cây (tỷ lệ nảy mầm 16%). Các đợt mua giống sau, giá chỉ còn 75 Francs 1.000 hạt (3 đồng Bảng Anh), tuy vậy vẫn còn đắt hơn hạt của Singapore, lúc ấy giá 1.000 hạt bằng 1 đồng Bảng Anh 10 Pence tức là rẻ phân nửa. Đường vận chuyển từ Singapore về Sài Gòn rất gần, chỉ bằng 1/3 từ Colombo về Sài gòn.
Ồng Belland đã mua 40.000 hạt của Ceylan để cuối cùng đạt con số 15.300 cây cao su đứng trên diện tích 45 ha. Cây trồng theo nanh sấu; 4.500 cây theo khoảng cách 6×6 và 10.500 cây theo 5×5. Đất đồn điền nhiều cát, nghèo; cao su trồng trong một vườn cà phê cũ không được đánh gốc, đặc biệt là không có phân bón.
Năm 1908 bắt đầu cạo mủ với 5.000 cây, bình quân 8 tuổi đạt 1.500 kg; năm 1909 cạo 9.500 cây từ 7 – 9 tuổi, đạt 3.000 kg. Năm 1910 ước tính đạt 6.000 kg với số cây cạo 10.500 cây. Năm 1911 có thế thu 10.000kg.
Đồn điền có 23 còng nhân, người địa phương; họ đi cạo từ 5 giờ 30 – 6 giờ đến 9 giờ sáng, mỗi người cạo 150 cây theo chế độ một ngày cạo hai ngày nghỉ cạo theo hình “xương cá”, cách mặt đất 2m và cạo nửa vòng. Mỗi người phụ trách 3 phần cây.
Đồn điền có một xưởng chế biến nhỏ. Tầng trệt nhận mủ, đánh đông, cán mủ. Tầng trên là nơi hong mủ. Mủ nước được lọc và đánh đông trong những cái khay gỗ, bằng acid acétic, có thêm ít giọt formol để sát trùng. Hôm sau, miếng mủ đông được rửa sạch và cán bằng tay thành tờ mủ dày 5-6 m/m, dài 30 cm và ngang 20 cm. Mủ được hong gió trên tầng trên; tờ mủ được đặt trên một tấm lưới sắt nghiêng khoảng 45 độ. Mủ khô sau 15 ngày hong gió; nếu gặp mưa thì lâu hơn, có khi đến cả tháng.
Xưởng chế biến có nước tự chảy nhờ có một đài nước bằng bêtông cốt sắt và một cái bơm chạy bằng dầu hỏa. Năm 1910 ông Belland bắt đầu cải tiến việc xông mủ bằng cách dùng một lò xông hơi nóng. Cao su khô được ép và cho vào thùng 100 kg và gởi bán tại thị trường Paris, dưới ký hiệu chất lượng là Paraíin vơ) giá khá cao, từ 13 – 22,75 Francs 1kg. Giá thành sản xuất khoảng 3 Francs và tiền chuyên chở khoảng 1 Franc/1 kg.
Về chất lượng cao su đồn điền Belland, trong một bức thư gởi cho Hiệp hội các nhà trồng cao su Đông dương, nhà buôn Saint Germain và Công ty (15 đường Babette, Paris), cho biết: “Cao su của đồn điền Belland, năm 1910, có khả năng cạnh tranh với các loại cao su tốt của Ceylan và Malaysia. Nó hội tụ đủ các điều kiện để bán được giá cao: đàn hồi tốt, tờ mủ mỏng, trong, không chất bẩn và màu thường sáng”.
Đến năm 1905, đồn điền đã bắt đầu thu hạt cao su và bán giống. Theo ông Paris thì năm 1910, đồn điền có khả năng thu được 2 triệu hạt cao su; người mua đã trả giá 6 đồng Đông dương 1 ngàn hạt (khoảng 60 Francs), tức là chỉ riêng về hạt ông Belland cũng thu về được 120.000 Francs, bằng giá của 10.000 kg cao su (xấp xỉ giá trị của cao su khô bán sang Pháp).
Nhưng đây không phải là thời kỳ vàng son lâu bền vì các đồn điền có khả năng tự túc được giống sau khi mở rộng diện tích 4-5 năm. Cũng như đồn điền Suối Dầu của Viện Pasteur Nha Trang, đồn diền Belland ở Nam Kỳ đã góp phần đáng kể trong việc làm cho người ta hiểu về cây cao su ở Việt Nam, giải đáp các thắc mắc cho những người mong muốn trồng cao su, nhất là trồng cao su sẽ lỗ hay lãi.
Tấm gương kinh doanh của ông Belland đã được ông A.Crémazy, nguyên chủ tịch phòng Nông nghiệp Nam Kỳ, báo cáo trong hội nghị quốc tế về cao su ở Luân Đôn năm 1911 nhằm thu hút sự chú ý của các nước đối với cao su Nam Kỳ. Trong nước, chủ yếu đối với giới trung lưu người Pháp (và một số ít người Việt có vốn) đang sống trong thành phố, công việc kinh doanh của đồn điền Phú Nhuận đã mở ra một chân trời mới : làm cao su như Belland là làm giàu và lại được sống một cuộc đời thôn dã. Thế là nhiều người mong muốn theo gương Belland, và các đồn điền nhỏ như Etievant, Guêry… mọc lên tập trung trong tỉnh Gia Định xung quanh Sài Gòn. Trong số các chủ đồn điền này phải kể nhóm của trang trại Suzannah, tiền thân của Công ty nông nghiệp Suzannah.
Ông Belland được người ta trọng vọng. Năm 1910 khi thành lập Hiệp hội những người trồng cao su ở Nam kỳ, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội. Đồn điền Phú Nhuận của ông Belland là một mô hình tiểu điền thành công. Và khi nói đến cao su Nam Bộ, nên nhớ đến cơ sở cao su này, bên kia Cầu Kiệu, đã đi đầu trong thời kỳ mò mẫm di thực cây cao su vào Nam Bộ.
Để ghi công đồn điền cao su Phú Nhuận và ông Belland, xin chép lại sau đây một đoạn trong báo cáo của Thống đốc Nam Kỳ gởi cho Toàn quyền ở Hà Nội, đề ngày 24/4/1917:
“Năm 1900, ông Belland, một thanh tra cảnh sát Trung ương ở Sài Gòn là người đầu tiên và duy nhất có cái nhìn xa về giá trị của cây cao su đối với thuộc địa. Ông tự mình đi vào sản xuất cao su, mặc dù không được ai quan tâm, cũng không được ai ủng hộ, với một đồn điền 30 ha, gần Sài Gòn. Ông đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm được trong nhiều năm và tất cả thời giờ rảnh rỗi vào việc xây dựng đồn điền. Chỉ có tính kiên trì và một quyết tâm lớn đã giúp ông vượt khó khăn, gạt qua một bên những nỗi bi quan và những lời chế giễu để thành công”. (Hồ sơ số 20.792 của Goucoch gửi Gougal).
Vào giữa thập kỷ đầu của thế kỷ XX, công tác thực nghiệm di nhập cây cao su vào Việt Nam đã cung cấp cho những người quan tâm những hiểu biết tích cực về cây công nghiệp có giá trị này: một số đặc tính sinh lý sinh thái, loại đất và khí hậu thích hợp, cách chăm sóc, cách lấy mủ, cách sơ chế; tổ chức lao động, sản xuất và nhất là kinh doanh cây cao su có lãi và lãi lớn.
Người ta chỉ mong chờ những thông tin tối thiểu nhưng cần thiết này để phát triển một ngành mới: ngành công nghiệp cao su.
CSVN (trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)
Related posts:
- VRG ban hành quy chế mới về câu lạc bộ 2 tấn/ha
- Xuất khẩu xanh: 'Luật chơi' mới doanh nghiệp Việt cần nắm rõ
- Ánh sáng từ Phú Riềng Đỏ
- Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó TGĐ Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam: "Sự hỗ trợ của các đối tác trong ngà...
- Cao su tự nhiên và cao su tổng hợp
- Người lao động Cao su Quảng Ngãi vượt khó bằng kinh tế phụ
- Khoảnh khắc Hội thi Tiếng hát công nhân cao su 2015
- Cách chống dịch Covid - 19 độc đáo của người Giẻ Triêng
- "Đội ngũ thợ giỏi là hạt nhân trong các phong trào lao động sản xuất"
- Cao su Chư Sê tổ chức thi “Hội khỏe măng non”