Làng công nhân cao su: Mái ấm của Người lao động xa quê

CSVN – “An cư lạc nghiệp” là mong ước lớn nhất của NLĐ xa quê đến vùng đất mới lập nghiệp. Thấu hiểu được điều đó, lãnh đạo VRG và Công đoàn CSVN đã triển khai xây dựng Làng công nhân cao su (LCNCS) đầu tiên ở huyện IaH’Drai, một huyện biên giới thuộc tỉnh Kon Tum. Hoạt động này đã giải quyết được phần nào về nhu cầu nhà ở cho NLĐ vùng sâu, vùng xa để họ yên tâm công tác.

Các mạnh thường quân ủng hộ xây dựng Làng công nhân cao su. Ảnh: Vũ Phong.
Sự quan tâm, thấu hiểu của lãnh đạo các cấp

Trong giai đoạn 2015 –  2020,  thông qua các chương trình, VRG  đã đóng góp gần 35 tỷ đồng cho quỹ vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội khác. Những hoạt động đó của Tập đoàn được Bộ LĐ&TBXH, Bộ NN&PTNT, Tạp chí Cộng sản bình chọn là một trong 10 tổ chức tiêu biểu xuất sắc được tặng bằng khen “Vì sự nghiệp xóa đói giảm nghèo”. Tại các đơn vị trực thuộc, từ năm 2010 đến nay, các đơn vị đã đóng góp hơn 300 tỷ cho các công tác từ thiện – xã hội và hoạt động cộng đồng.

Chặng đường xây dựng và phát triển của ngành cao su đã ghi nhận, dù VRG trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng lãnh đạo VRG, Công đoàn CSVN qua các thời kỳ luôn đặt việc quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho NLĐ lên hàng đầu. Hàng ngàn phần quà được trao cho các hoàn cảnh khó khăn, hàng ngàn căn nhà Mái ấm Công đoàn được trao cho các gia đình gặp khó khăn về chỗ ở. Sự quan tâm của VRG đến những vùng sâu, vùng xa luôn kịp thời và đúng lúc, chính điều đó đã trở thành nguồn động viên, tiếp thêm sự tin tưởng để NLĐ yên tâm công tác, gắn bó với ngành với nghề.

Cao su đến đâu cơ sở hạ tầng đi đến đó, góp phần ổn định nơi ăn chốn ở cho NLĐ đến lập nghiệp. Các dự án phát triển cao su của VRG đứng chân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đây là những khu vực còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở của NLĐ rất lớn. Thấu hiểu được điều đó, trong Nghị quyết Đại hội Công đoàn CSVN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã thống nhất việc xây dựng 1 – 2 LCNCS để ổn định chỗ ở cho NLĐ.

Thời gian qua, VRG và Công đoàn CSVN liên tục có nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho NLĐ. Lãnh đạo các cấp quyết tâm xây dựng Làng công nhân trong nhiệm kỳ 2018 – 2023. Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn CSVN cho biết: “Với những NLĐ đến lập nghiệp ở vùng sâu, vùng xa thì những năm đầu vẫn chưa thể có nhiều tích lũy mua đất, xây nhà. Do đó, Công đoàn CSVN mạnh dạn lập mục tiêu xây dựng 1 – 2 LCNCS nhằm đáp ứng an sinh xã hội, để các đơn vị tổ chức sản xuất và chăm  lo đời sống NLĐ tốt hơn”.

Khu vực chuẩn bị xây dựng Làng công nhân cao su tại Công ty CPCS Sa Thầy đã được đầu tư hạ tầng cơ bản. Ảnh: Ng.Cường.
Ước mong của NLĐ về một nơi ở ổn định

Có mặt tại căn nhà thuê của vợ chồng anh Cao Thanh Chung và chị Lê Thị Hằng – công nhân Nông trường Suối Cát, Cao su Sa Thầy lúc 5h chiều ngày cuối năm, chúng tôi đã hiểu thêm về ước mong đầu tiên và cũng cấp thiết nhất của đôi vợ chồng trẻ từ Bình Phước lên vùng biên lập nghiệp hơn 6 tháng qua.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn đó, vợ chồng anh chị đã hai lần chuyển nhà thuê. “Căn nhà” được anh chị thuê lại có diện tích nhỏ, chỉ có một phòng ngủ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, “phòng tắm” được quây lại bằng bạt, bếp nấu ăn bằng củi đặt ở góc cuối của nhà. Mỗi tháng vợ chồng anh chị trả 700 ngàn đồng tiền thuê. Vì điều kiện chỗ ở chưa ổn định nên anh chị gởi con cho ông bà nội ngoại để đi làm ăn xa.

Tâm sự với chúng tôi khi đang chuẩn bị cho bữa tối, chị chia sẻ: “Đi làm xa mà các con còn nhỏ nên vợ chồng chúng tôi rất nhớ con. Từ hồi lên đây, tôi về thăm con được 1 lần. Để về được nhà ở Bình Phước, tôi phải bắt 3 chặng xe. Mong muốn lớn nhất của cả hai vợ chồng là ổn định công việc, có chỗ ở thật ổn định để đón các con lên đây tiện đường chăm sóc. Tôi cũng mong rằng, LCNCS sẽ nhanh chóng hoàn thiện để NLĐ vùng xa đến yên tâm làm việc”.

Cách văn phòng 2 của Cao su Sa Thầy khoảng 1km, công ty đã phân bổ diện tích để NLĐ phương xa tới lập nghiệp có chỗ ở ổn định. Tuy nhiên, diện tích này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về nhà    ở cho số lượng lao động mỗi năm thu tuyển mỗi nhiều. Nhiều công nhân mới lên vẫn phải thuê chỗ ở tạm để đi làm.

Khởi công xây dựng Làng công nhân cao su vào năm 2019. Ảnh Văn Vĩnh

Anh Ngô Văn Linh, một công nhân ở Nông trường Suối Cát cho biết: “Nông trường tạo điều kiện hết mức để công nhân có chỗ ở, đi lại thuận tiện, đường sá đổ bê tông, khu này gần chợ và trường học của các cháu nên chúng tôi thấy rất tốt. Chúng tôi được biết, VRG và Công đoàn CSVN đang xây dựng LCNCS gần với Cao su Sa Thầy, nên tôi mong rằng dự án sẽ sớm đưa vào   sử dụng để công nhân được giao phần đất để xây dựng nhà cửa kiên cố, ổn định cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn”.

Lên vùng biên lập nghiệp được 2 năm, xác định đây là nơi sẽ gắn bó dài lâu, là quê hương thứ hai của mình, vì vậy cả vợ chồng chị Nông Thị Thơm – Nông trường Suối Cát đã đón ông bà và các con đến nơi này. Cả gia đình 6 người hiện tá túc trong căn nhà nhỏ ở khu tập trung nông trường cấp cho. Và chị chỉ có mong ước lớn nhất là làm được nhà rộng hơn để con cái ở thoải mái. Tổng vốn đầu tư LCNCS đầu tiên này được huy động nhiều nguồn, bao gồm quỹ phúc lợi khen thưởng của công ty mẹ, phần kết dư của Công đoàn CSVN, nguồn của NLĐ được bố trí vào ở trong làng, Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư và đặc biệt là huy động xã hội hóa, đóng góp của các mạnh thường quân. Trong dịp kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống ngành vừa qua, các mạnh thường quân đã ủng hộ hơn 5,6 tỷ đồng để Công đoàn CSVN nhanh chóng xây dựng LCNCS kiểu mẫu đầu tiên của VRG.

Khu nhà ở hiện tại của công nhân Công ty CPCS Sa Thầy. Ảnh: Ng. Cường.

Đồng hành cùng dự án này, ông Võ Tấn Lạc – Chủ tịch xã IaDom cho biết: “LCNCS được xây dựng trên địa bàn xã có nhiều lợi ích cho công nhân cao su nói riêng và toàn xã nói chung. Do  đó khi tỉnh Kon Tum phê duyệt bổ sung điểm dân cư, xã IaDom đã kêu gọi và đầu tư làm đường bê tông, đường nước sinh hoạt, đường điện xã kéo ngang qua địa điểm xây dựng LCNCS. Chúng tôi cũng mong muốn VRG nhanh chóng triển khai để chung tay cùng với xã ổn định chỗ ở cho NLĐ ở xa đến lập nghiệp”.

NLĐ có một chỗ ở ổn định không chỉ là mong ước của riêng ai mà là mong ước của cả lãnh đạo các đơn vị, địa phương nơi đơn vị đứng chân và mong mỏi lớn nhất của NLĐ về việc đưa LCNCS vào hoạt động. Một công việc có thu nhập tốt, một nơi ở ổn định sẽ neo giữ NLĐ ở lại, gắn bó lập nghiệp trên vùng đất mới.

Chúng tôi có một niềm tin rằng, với quyết tâm của lãnh đạo VRG và Công đoàn CSVN, chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, trong năm 2021 chúng ta sẽ được trở lại thăm NLĐ tại LCNCS. Đó là nơi NLĐ có đất làm nhà ở kiên cố, có nhà cộng đồng văn hóa, có khu vui chơi cho các con, có diện tích vừa đủ để tăng gia sản xuất trồng rau, nuôi gà, phục vụ cho bữa ăn hàng ngày trong gia đình. Và từ một LCNCS kiểu mẫu này, VRG sẽ tiếp tục triển khai xây dựng thêm nhiều LCNCS ở những vùng NLĐ còn nhiều khó khăn về nơi ở để LCNCS thực sự là mái ấm của NLĐ xa quê.

HÀ KHUÊ