(tiếp theo kỳ trước)
CSVN – Bệnh sốt rét đã có lịch sử lâu đời ở châu Á, những tài liệu ở Trung Quốc nói về “một căn bệnh đi kèm với sốt từng cơn” đã xuất hiện từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Trong thập niên 1930, các nhà nghiên cứu người Pháp và người Việt đã tìm hiểu những tính chất vật lý và hóa học của nước tạo điều kiện cho sự sinh sản của loài muỗi truyền bệnh sốt rét. Thuật ngữ bệnh sốt rét, với nghĩa đen mô tả triệu chứng sốt và lạnh của cơ thể, đã đánh dấu sự tách biệt của sốt rét khỏi quan niệm này.
Dịch bệnh càn quét
Trong những thập niên 1910 và 1920, hàng ngàn công nhân đã di cư từ Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh duyên hải như Thái Bình hoặc Quy Nhơn đến Đông Nam Kỳ để tìm việc làm trong các đồn điền cao su mới thành lập. Người di cư điển hình chủ yếu đến từ một ngôi làng có ít đất trồng lúa hoặc mới bị bão tố hay hạn hán tàn phá. Tiếp đó, cuộc hành trình đầy gian khổ tới vùng đất phương nam bắt đầu. Người được tuyển mộ được đưa tới một điểm tập kết là những trại được dựng bằng gỗ, lợp mái tôn, mùa hè thì nóng bức và khó có thể chống chọi nổi với cái lạnh của mùa đông miền Bắc. Gạo mốc và cá khô ôi thiu là nguồn lương thực duy nhất được cung cấp. Người di cư bắt đầu lo lắng về công việc sắp tới của mình.
Sau ba ngày chịu đói trên những vùng biển động, những người di cư đặt chân đến Sài Gòn và nhanh chóng bị dồn tới một nhà kho ở gần sông Sài Gòn. Tại đây, họ phải phơi mình ánh mặt trời hay chịu đựng cái nóng như nung dưới mái lợp bằng kim loại, bị những tên lính canh đá, xô đẩy trong lúc chờ xe tải chở đến đồn điền trên những con đường gồ ghề. Chuyến đi có thể kéo dài vài ngày và khiến họ lâm vào cảnh khốn khổ khi đặt chân tới đồn điền. Tại đây, họ lại phải chịu đựng cảnh đòn roi, nhà ở tồi tàn, thực phẩm nghèo nàn. Trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ốm yếu, có lẽ gây nhiều nhất là bệnh sốt rét do muỗi truyền.
Những báo cáo của chính quyền cấp tỉnh cung cấp nhận thức khái quát về tình hình; việc thành lập các ban vệ sinh và cải thiện điều kiện vệ sinh ở địa phương vào năm 1906 đã cung cấp những tin tức chi tiết hơn. Bệnh đậu mùa, bệnh tả và dịch hạch tiếp tục là những mối bận tâm hàng đầu của các nhân viên y tế và quan chức thuộc địa. Trận dịch tả ở Nam Kỳ xảy ra năm 1908 khiến 2.272 người mắc, 1.569 người trong số đó đã tử vong, và rõ ràng nó lan ra theo tuyến đường sắt đang được xây dựng.
Ở Đông Nam Kỳ, bệnh sốt rét thường xảy ra. Trong năm 1911, người đứng đầu cơ quan y tế của tỉnh Tây Ninh báo cáo đã điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này, trong đó có nhiều người đến từ làng Kedol ở kế bên Núi Bà Đen và phần lớn dân làng là người Campuchia. Trong hai ngày tới thăm bệnh tại ngôi làng này, một bác sĩ đã tiếp xúc với 114 bệnh nhân, hơn một nửa trong số họ bị sốt rét. Năm 1914, một bác sĩ khác đã viết về vùng này: “có thể nói rằng hầu như tất cả các ca bệnh (qua thăm khám hay phải nhập viện) bị mắc bệnh sốt rét: phần lớn các ngôi làng nằm ở giữa hoặc sát bên rừng, tại những nơi không thể đi qua được và những vùng đầm lầy nhiều muỗi đến mức mỗi buổi tối, người bản địa bắt buộc phải hun khói căn lều của mình để tự bảo vệ trước những con côn trùng này. Để chống lại bệnh sốt rét, chính quyền thuộc địa đã lập ra cơ quan phân phối thuốc kí ninh vào năm 1909 với mục đích cung cấp miễn phí loại thuốc này cho người dân bản địa và sau đó bán với giá thấp hơn phí tổn. Những báo cáo ban đầu của cơ quan đến nhiều hy vọng và các báo cáo cho Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ đánh giá cao tác dụng của thuốc kí ninh. Tuy nhiên, cơ quan này đã gặp phải sự chống đối lúc ban đầu. Một bác sĩ ở Tây Ninh báo cáo về tình trạng chống lại việc sử dụng thuốc kí ninh và nhận thấy rằng người dân tiếp tục tin cậy các “thầy phù thủy” trong việc điều trị bệnh sốt rét”.
Vào thời gian đó, các nhà nghiên cứu y khoa cho rằng muỗi Anophele ở Đông Dương lây truyền ký sinh trùng plasmodia là nguyên nhân gây bệnh sốt rét. Việc phá những khu rừng phía nam Đông Dương để trồng cao su đã giúp tạo ra những dòng chảy trong vắt, đầy ánh nắng – nơi sinh sôi của giống ký sinh trùng này. Khi những người di cư bị suy giảm miễn dịch đặt chân đến đây, họ bị bó buộc chặt trong các khu trại được xây dựng sơ sài, tiếp xúc với muỗi truyền bệnh và một phần mười trong số này đã chết. Sau đó, sự gia tăng về số lượng và tốc độ di cư đã giúp căn bệnh này lây lan ra bên ngoài phạm vi các đồn điền. Trong thập niên 1920, phản ứng ban đầu của những người quản lý trước sự dữ dội, hao tốn tiền của và tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gây ra thông thường chỉ đơn giản là bỏ hoang một nơi làm việc hoặc chờ vài năm cho đến khi tỷ lệ người mắc bệnh giảm xuống. Khi cần khai phá rừng thì các chủ đồn điền sẽ thuê người Thượng làm công việc nặng nhọc này vì họ tưởng rằng người Thượng ít bị mắc bệnh sốt rét.
Thuốc kí ninh được phân phối nhỏ giọt
Các chủ đồn điền phân phối thuốc kí ninh cho công nhân một cách miễn cưỡng và không thường xuyên. Vào thập niên 1930, một số đồn điền lớn hơn đã hợp tác với Viện Pasteur để bắt đầu xây dựng những cơ sở điều dưỡng, thuê nhân viên y tế và phân phối thuốc kí ninh trong khi vẫn tiếp tục xây dựng hệ thống thoát nước và tiến hành những công việc kỹ thuật khác. Lúc này, các nhà nghiên cứu y khoa mô tả bệnh sốt rét ở phía Đông Nam Kỳ là bệnh đặc hữu, hay thậm chí là căn bệnh diễn ra thường xuyên, dai dẳng và có tỷ lệ mắc cao.
Một số người cho rằng tình trạng chống lại việc sử dụng kí ninh là do vị đắng của loại thuốc này, song còn nhiều vấn đề khác nữa. Ngay cả khi người Việt Nam quan tâm đến kí ninh thì giá cả của loại thuốc này lại thường quá đắt đỏ hoặc chỉ đơn giản là không có sẵn thuốc. Các quan chức không bổ sung thuốc về các kho của tỉnh mà họ phụ trách vì không muốn phải trả phí tổn. Hơn nữa, người Việt nghi ngờ hiệu quả của thuốc kí ninh và giá thành của nó so với các loại dược phẩm khác. Mặc dù kí ninh không được đánh giá là hoàn toàn hiệu quả, song các giải pháp khác lại được cho là không khả thi.
Mức độ hạn chế của việc sản xuất thuốc kí ninh đồng nghĩa với việc sử dụng loại thuốc này không bao giờ là lựa chọn khả thi đối với các đồn điền. Năm 1921, năm phân phối kí ninh với số lượng lớn nhất, cũng chỉ đủ 10 centigram thuốc có sẵn để dùng cho mỗi người trong một năm. Với 40 centigram (lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt mùa sốt rét) mới được coi là liều hiệu quả, thì rõ ràng 10cg là không đủ, ngay cả với tiêu chuẩn của thời kỳ đó. Sau nhiều năm hoạt động với kết quả không như kỳ vọng, cơ quan phân phối thuốc kí ninh của Nhà nước được tổ chức lại vào năm 1921, nhưng việc phân phối thuốc vẫn bị giới hạn trong phạm vi của những khu vực thuộc địa biệt lập như các đồn điền. Năm 1932, một tính toán của Hội Quốc liên cho thấy nhu cầu dự kiến về thuốc kí ninh phòng bệnh ở Đông Dương còn lớn hơn cả mức sản xuất của thế giới. Những hy vọng về một giải pháp dựa vào việc sử dụng thuốc đã quay trở lại vào thập niên 1930 khi các chất tổng hợp thay thế cho kí ninh, ví dụ như quinacrine, được phát triển, song những loại thuốc này cũng chỉ được phân phối rộng rãi kể từ sau năm 1954.
Lao động di cư có tác động đáng kể đến hệ thống y tế công cộng, nhu cầu của các đồn điền về một hệ thống các trung tâm chăm sóc sức khỏe ở địa phương đã thúc đẩy chính quyền thành lập một vài cơ sở khám chữa bệnh mới. Chẳng hạn, ở Biên Hòa, các trạm y tế mới được xây dựng năm 1922 tại Gia Rây (với 1 y tá); năm 1927 tại Phú Riềng (với 1 y tá); năm 1928 tại Long Thành (với 1 bác sĩ người Đông Dương, 1 y tá, 2 nữ hộ sinh và 4 cu-li) và tại Xuân Lộc (với 1 y tá); năm 1929 tại Tân Uyên (với 1 y tá, 1 bà đỡ và 1 cu-li). Những trạm y tế này được trang bị điều kiện cơ bản và có phòng bệnh với 10 giường Thêm vào đó, còn có 1 hiệu thuốc nhỏ có thể cung cấp thuốc kí ninh. Dù đã được xây dựng thêm, nhưng vào cuối thập niên 1920, những nguồn lực về y tế của tỉnh Biên Hòa để điều trị cho dân số đang tăng nhanh vẫn rơi vào tình trạng rất căng thẳng. Nhà cầm quyền đã lập luận rằng sự gia tăng dân số do “những hoạt động đa dạng trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp” của tỉnh đã khiến cho việc xây dựng một bệnh viện lớn hơn trở nên cấp thiết”.
HÀ KHUÊ
(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)
(Xem tiếp kỳ sau)
Related posts:
- Sức lan tỏa và hiệu ứng Cuộc thi “Cao su Đất và Người”
- Ông Yersin đã trồng được 100 ha cao su tại Suối Dầu
- "Chữa bệnh" cho sách
- Đời thợ - Đời cây
- Giới trẻ quá lố trên mạng xã hội
- Khi Trung thu không còn là Tết thiếu nhi
- “Cồng chiêng cuối tuần” - nét đẹp văn hóa ở phố núi Pleiku
- Công ty mẹ Tập đoàn xuất sắc giành giải nhất "Tiếng hát CN cao su" Khu vực IV
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Gìn giữ bản sắc từ người trẻ