CSVN – Trong quá trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng luôn xác định giữ gìn những giá trị lịch sử để giáo dục thế hệ sau là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nhà Truyền thống công ty được thành lập năm 1987, hàng năm đã đón nhiều đoàn khách quốc tế và hàng trăm đoàn khách trong nước đến tham quan học tập.
Nơi tái hiện và lưu giữ lịch sử
Nhà Truyền thống công ty được thành lập năm 1987, trước đây nằm ở khu nhà do Pháp xây dựng tại trung tâm làm việc của công ty bây giờ. Do vị trí nằm trong khu làm việc, hạn chế lượng khách đến tham quan, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập công ty, lãnh đạo đã có chủ trương xây dựng Nhà Truyền thống mới tại trung tâm văn hóa thể thao công ty và được khánh thành ngày 21/5/2001 (trước đây ngày thành lập công ty là 21/5/1981 và nay là ngày 20/6/1975) để cho nhân dân được đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử của công ty.
Nơi đây trưng bày 377 hình ảnh và 121 hiện vật, được chia làm bốn khu vực trưng bày. Khi bước vào Nhà Truyền thống sẽ thấy sự trang nghiêm với bàn thờ Bác Hồ, hai tấm liễng nằm hai bên khắc ghi tên các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bên cạnh là 2 huy hiệu cao quý được Đảng và Nhà nước phong tặng “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” và “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới. Chính giữa khu trưng bày là sa bàn tổng thể của công ty thể hiện diện tích vườn cây kinh doanh, vườn cây kiến thiết cơ bản, diện tích vườn cây của từng nông trường cao su cũng như nhà máy chế biến của công ty.
Bốn khu trưng bày sinh động
Khu trưng bày giai đoạn 1917 – 1954: Hình ảnh trưng bày thời kỳ khai hoang của đồn điền Michelin, những lớp công nhân đầu tiên của đồn điền. Hiện vật trưng bày là Thẻ công tra, vỏ ruột xe hơi do công ty Michelin sản xuất trong những năm 1950, chuông điện, phấn đánh số cây, vật dụng máy bay của chủ đồn điền, như: máy bay riêng, thùng trút mủ, khuôn rập mở miệng cạo… Những mô hình được tái hiện lại thật sinh động cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền với chủ đồn điền đòi tăng lương và giảm giờ làm. Khu trưng bày giai đoạn 1954 – 1975: Hình ảnh trưng bày về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khu trưng bày này còn có ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng được công ty phụng dưỡng suốt đời, dưới ảnh các mẹ là ảnh Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hiện vật trưng bày là súng cối, mìn chống tăng, mìn 3 râu, la bàn, M79 Mỹ đã gieo rắc trên mảnh đất Dầu Tiếng. Áo bộ đội, nhật ký công tác (tìm thấy tại Lô 72) của một đồng chí cách mạng hoạt động 1965 – 1968, đồ dùng cá nhân của đồng chí Hồng Lan, hũ gạo nuôi quân, bình trà được làm bằng trái sáng. Nơi đây trưng bày Huân chương dũng sĩ diệt cơ giới của các đồng chí cách mạng.
Khu trưng bày thời kỳ xây dựng công ty: Khi bước vào khu trưng bày này sẽ thấy hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo công ty qua các thời kỳ. Những hình ảnh trưng bày gồm Nhà máy chế biến mủ của Pháp, thời kỳ khai hoang hợp tác Việt – Xô, nhà máy chế biến mủ của công ty, vườn cây kinh doanh, vườn cây kiến thiết cơ bản, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm và làm việc với lãnh đạo công ty. Hiện vật trưng bày gồm: mủ sản phẩm, kiềng, máng, chén, thùng trút mủ… Sơ đồ tiêu thụ sản phẩm của công ty trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Khu trưng bày văn hóa xã hội: Ảnh hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; Nhà ở của công nhân trong những năm 1981 là những ngôi nhà tranh tre; Cuộc sống ngày càng phát triển… Bên cạnh đó là đời sống tinh thần của công nhân cao su qua các hoạt động vui chơi giải trí của con em công nhân và nhân dân địa phương tại trung tâm văn hóa công ty. Ảnh tri ân các gia đình chính sách như Nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà Mái ấm Công đoàn… Tại 4 cột xoay gồm 32 tấm ảnh mỗi cột (128 ảnh) là ảnh các kỳ đại hội của công ty và ảnh hoạt động văn hóa xã hội.
Công trình văn hóa có ý nghĩa lớn
Khi đến đến tham quan Nhà Truyền thống công ty ngày 15/10/2013, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương đã ghi cảm tưởng vào Sổ truyền thống: “Dầu Tiếng là công ty cao su lâu đời có truyền thống trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành công nghiệp cao su Việt Nam. Công ty xứng đáng là đơn vị được 2 lần tuyên dương, là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tôi rất vui mừng có dịp về thăm công ty, đánh giá cao thành tích của công ty trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong suốt thời kỳ đổi mới. Chúc tập thể lãnh đạo và người lao động công ty giữ vững truyền thống đoàn kết, nhất trí thực hiện thành công chiến lược phát triển trong thời gian tới”.
Nhà Truyền thống công ty hàng năm còn đón nhiều đoàn khách quốc tế và hàng trăm đoàn khách trong nước đến tham quan học tập. Đoàn Ban Tổ chức Trung ương do đ/c Nguyễn Văn Quynh – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn đến tham quan Nhà Truyền thống công nhân công ty ngày 26/10/2011 có ghi cảm tưởng vào Sổ truyền thống: “Chúng tôi đến công tác tại công ty và được đến thăm nhà Bảo tàng, nơi lưu giữ những chứng tích về một thời oanh liệt, hào hùng của biết bao thế hệ người dân ở mọi miền Tổ quốc đến vùng đất này; Điều đó càng làm cho chúng tôi cảm phục sự hy sinh to lớn của những chiến sĩ cách mạng từ vùng đất cao su và ngày nay đã thành truyền thống vẻ vang của Công ty Cao su Dầu Tiếng”.
“Là một người chuyên nghiên cứu về lịch sử kinh tế thời Pháp thuộc, về chế độ đồn điền của thực dân Pháp ở Việt Nam, tôi rất biết ơn những người đã dày công sưu tầm, chỉnh lý và trưng bày những tài liệu, hiện vật liên quan đến những đồn điền xưa. Đó sẽ là những chứng cứ quan trọng làm nên công trình Lịch sử chế độ đồn điền của thực dân Pháp ở Nam kỳ mà tôi đã, đang và sẽ thực hiện”. Đó là cảm tưởng của TS Tạ Thị Thúy – Viện Sử học, Học viện Khoa học xã hội VN khi đến tham quan và ghi cảm tưởng vào Sổ truyền thống ngày 11/9/2006.
Mỗi hiện vật, mỗi tấm ảnh trưng bày tại Nhà Truyền thống là một câu chuyện kể đầy sinh động về những đóng góp lớn lao của các thế hệ cán bộ, công nhân cao su đối với lịch sử hình thành và phát triển Cao su Dầu Tiếng.
VĂN HẢI
Related posts:
- Thi tìm hiểu 40 năm giải phóng miền Nam
- “Nóng” Nghị định 100
- Bức thư gửi muộn
- Thiếu tướng Trần Tử Bình và những đóng góp to lớn trong phong trào công nhân cao su
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024
- Người Quảng Trị trên đất Xà Bang
- Tết "ấm" của công nhân cao su
- Tư liệu tham khảo sáng tác ca khúc
- Thời kỳ phát triển và các bước thăng trầm
- Người Ka Dong cúng lúa mới: Cảm tạ thần linh, mong điều tốt lành