CSVN – Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động của nông trường Đăk Tờ Re (cao su Kon Tum), các già làng, chính quyền địa phương, nhiều hộ đồng bào dân tộc tại xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vào làm công nhân cao su, góp phần cho địa phương giảm nghèo bền vững.
Công tác dân vận, tuyên truyền vận động của nông trường kết hợp với các già làng thời gian qua cũng gặt hái nhiều kết quả. Anh Phan Văn Lâm – Giám đốc Nông trường đưa chúng tôi đi gặp 2 công nhân vừa nhận vào làm được hai tuần sau nhiều tháng vận động là chị Y Wih ở tổ 2. Y Wih năm nay mới 32 tuổi, mất chồng đã 5 năm, vẫn ở vậy nuôi 3 con trẻ.
Wih giải thích lý do đến giờ mới vào làm công nhân: “Nhà mình có được 7 sào lúa nước của bố mẹ cho, lâu giờ vẫn canh tác trên diện tích này nhưng mỗi năm chỉ thu được một mùa vẫn không thể đủ ăn cho cả năm, công việc còn lại là đi làm thuê cho người khác. Nhiều lần lãnh đạo nông trường với già làng vào nhà nói mình đi làm, nhưng mình chưa muốn vì đi làm cao su phải đi sớm, không ai coi con nhỏ”.
Còn chị Y Duyên, công nhân mới nhận được hơn tháng của tổ 4, cho hay: “Năm trước, lãnh đạo nông trường vào nhà nói mình đi làm cao su, nhưng lần đầu mình chưa hiểu, chưa sâu sát nên chưa đi làm. Sau vài lần vận động thì mình mới hiểu và đồng ý đi làm. Công việc tuy vất vả, nhưng mình nghĩ người khác làm được thì mình cũng làm được và nếu làm siêng thì chắc có tiền.
Nghe lãnh đạo nói ngày mai là mình được lấy tiền lương tháng đầu tiên, được hơn 5 triệu, từ sáng đến giờ mình hồi hộp quá. Không biết nói sao, từ nhỏ tới giờ chưa có khi nào mình cầm một lần 5 triệu”. Đây là 2 trường hợp thuộc đối tượng hộ nghèo, đồng ý vào làm công nhân với hợp đồng ngắn hạn.
Xã Đăk Tờ Re có 1.301 hộ, chủ yếu là người Bana trong đó có khoảng 360 hộ nghèo chiếm 26,67% và mục tiêu của chính quyền là đến năm 2022 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Trần Quốc Bảo – Bí thư xã cho chúng tôi biết: “Mặc dù chúng tôi còn thiếu 2 tiêu chí để đạt chuẩn, nhưng phấn đấu đến năm 2022 sẽ đạt. Trong đó, qua rà soát toàn xã có 124 hộ có khả năng thoát nghèo. Như vậy, đến năm 2022 toàn xã sẽ còn khoảng dưới 90 hộ nghèo chiếm dưới 7%. Đồng thời, hiện thu nhập bình quân của người dân đạt 30 triệu đồng/người/năm, chúng tôi sẽ phấn đấu đến năm 2022 sẽ đạt được 41 triệu đồng/người/năm và hoàn thành mục tiêu Quốc gia về đạt chuẩn nông thôn mới”.
Theo ông Bảo, thời gian qua và sắp tới, chính quyền sẽ tiếp tục phối hợp với Nông trường Đăk Tờ Re, Công ty Duy Tân, Nhà máy tinh bột sắn tập trung tuyên truyền cho bà con thay đổi nếp nghĩ để vào làm công nhân. Đồng thời, qua công tác dân vận sẽ làm cho bà con thay đổi cách làm để nâng cao năng suất lao động đối với diện tích cao su tiểu điền.
“Hiện toàn xã đang có 700 ha cao su tiểu điền khai thác, năm 2021 sẽ mở mới 500 ha, nâng tổng số cao su khai thác trên địa bàn lên 1.200 ha. Chúng tôi sẽ nhờ các đơn vị hỗ trợ đào tạo tay nghề cho bà con, hướng nghiệp và tuyển dụng để thanh niên chịu vào các nông trường, nhà máy làm việc.
Ngoài ra, sẽ lồng ghép các nguồn vốn sản xuất, chương trình nông thôn mới, vốn giảm nghèo, vốn vay từ ngân hàng chính sách để hỗ trợ bà con có công ăn việc làm. Vận động thanh niên mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế nhằm từng bước cải thiện cuộc sống và sớm thoát nghèo một cách bền vững”, ông Bảo cho biết.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Khu vực Tây Nguyên: 7 đơn vị có tiến độ sản lượng cao
- Nhà truyền thống công nhân Cao su Dầu Tiếng: gìn giữ những hiện vật quý trong quá trình xây dựng và ...
- Đinh Thị Nga - Người đội trưởng tận tâm với nghề
- Lao động trước mùa cạo mới: Không còn là vấn đề nan giải
- Bốn mươi mùa rẫy ngày càng thêm vui!
- "Hội thi Bàn tay vàng là nét đẹp văn hóa truyền thống và mang tính biểu tượng của ngành cao su"
- Kinh tế gia đình giúp công nhân ổn định cuộc sống
- Hạnh phúc lớn nhất là được lao động, sáng tạo và cống hiến
- Cao su Phú Riềng phát huy tốt công tác phối hợp với Ban chỉ huy thống nhất các địa phương
- Nông trường Minh Hưng, Cao su Bình Long: Đơn vị xuất sắc toàn diện