“Các công ty cao su tại Lào tăng cường mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào”

CSVN – Từ khi triển khai phát triển cao su ở Lào, các đơn vị thành viên VRG đã tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương. Đồng thời đóng góp lớn cho ngân sách địa phương và đảm bảo các hoạt động an sinh xã hội. Cao su Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Trung – Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse, CHDCND Lào về các dự án phát triển cao su của Tập đoàn tại đây.

Ông Nguyễn Văn Trung – Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse trao tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam cho các cá nhân Cao su Việt Lào, tại hội nghị NLĐ công ty năm 2022

Xin ông đánh giá những dự án của VRG đầu tư tại Lào về kinh tế, an sinh xã hội và ngoại giao?

Ông Nguyễn Văn Trung: Tính đến nay, tổng diện tích cao su các đơn vị thành viên Tập đoàn đang quản lý tại Lào là 26.644,66 ha; trong đó, diện tích kinh doanh gần 22.474 ha. Trong tổng số các dự án được VRG đầu tư trồng cao su tại Lào có 3 dự án đầu tư hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao, đó là: Công ty CPCS Việt Lào, Công ty CPCS Quasa Geruco và Công ty CPCS Dầu Tiếng Việt Lào. Tiêu biểu trong đó là dự án của Cao su Việt Lào tại 2 huyện Ba- chiêng, Sa-na-sổm-bun, tỉnh Chăm-pa-sắc với diện tích 10.031,07 ha; sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 15.000 tấn; tổng doanh thu 5 năm (2018- 2022) đạt 3.236,7 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.600 lao động. Cao su Việt Lào là dự án đầu tiên thuộc VRG đầu tư tại Lào được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Từ khi triển khai phát triển cao su ở Lào từ năm 2005 đến nay, VRG đã đầu tư xây dựng nhiều công trình an sinh xã hội phục vụ cho người dân trong và quanh vùng dự án; luôn quan tâm hỗ trợ địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, từ thiện, các công trình phúc lợi nhằm phục vụ cho sản xuất, đồng thời phục vụ thiết thực cho người công nhân, nhân dân trong vùng dự án. Xây dựng nhà ở cho công nhân; đường bê tông, đường lô, liên lô, đường cấp phối sỏi đỏ; ủng hộ chính quyền địa phương xây dựng nhà, làng kiểu mẫu, trường học, chùa. Ngoài ra, các dự án cao su đã đóng góp hỗ trợ cho địa phương xây hoặc sửa cầu đường, trường học, chợ, trụ sở làm việc của địa phương… Qua đó, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy giữa doanh nghiệp và cộng đồng, mang đến lợi ích về cơ sở hạ tầng cho vùng dự án và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Thu nhập của NLĐ từng bước được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước và đảm bảo các chế độ chính sách, NLĐ an tâm công tác, tin tưởng, gắn bó với các dự án của VRG.

Việc VRG triển khai chương trình đầu tư trồng cao su tại Lào từ năm 2005 là chủ trương và hướng đi đúng đắn góp phần vào việc thành công trên nhiều phương diện: chính trị – ngoại giao, kinh tế – xã hội và vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.

– Thời gian VRG đầu tư tại Lào khá dài, xin ông chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ của các công ty cao su tại Lào?

Ông Nguyễn Văn Trung: Tôi cho rằng, ấn tượng đáng nhớ nhất là dự án trồng mới 10.000 ha cao su của Công ty CPCS Việt Lào. Đây là dự án đầu tiên VRG triển khai trồng cây cao su trên đất bạn Lào năm 2005, vào thời điểm chưa am hiểu phong tục, tập quán của nhân dân nước sở tại, điều kiện địa lý xa xôi, thời tiết bất lợi, ngôn ngữ bất đồng, cơ sở vật chất từ con số không.

Đơn vị phải làm lán trại ở ngay trong rừng để sinh hoạt và chỉ đạo sản xuất. Cán bộ khung lúc ban đầu chỉ có 10 người, vừa tổ chức cuộc sống, vừa phải đi đến từng bản, từng làng để tìm hiểu phong tục tập quán, gây dựng quan hệ với các già làng, trưởng bản và chính quyền địa phương, tổ chức khai phá đất rừng, chia lô chia khoảnh. Sau đó là những nỗ lực đưa những cây giống tốt từ Việt Nam sang trồng trên mảnh đất đất khô cằn sau chiến tranh của Lào.

Vượt qua những khó khăn đó, dự án đã hoàn thành trước 2 năm. Thành quả hôm nay như đã nêu ở trên là sự công nhận hướng đi đúng đắn của VRG khi triển khai chương trình đầu tư trồng cao su tại Lào và cũng là niềm vinh hạnh, sự tự hào cho những nỗ lực đóng góp của toàn thể CB.CNV LĐ thuộc các dự án cao su mà VRG đã đầu tư thành công tại Lào.

– Ông có nhắn nhủ gì với các công ty thuộc VRG tại Lào trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Trung: Nền kinh tế Lào hiện nay dễ bị tổn thương trước các tác động bên ngoài và trong nước gây ra những thách thức như: nợ công, nợ nước ngoài, tỷ giá hối đoái, lạm phát tăng cao làm cho giá nhiên liệu đầu vào tăng cao gây khó khăn cho chuỗi tiêu thụ toàn cầu dẫn đến giá bán mủ cao su giảm sâu, giá cả hàng hóa, xăng dầu tăng cao… Đặc biệt nguồn cung cấp xăng dầu thiếu hụt sẽ tác động không nhỏ đến tình hình SXKD của các doanh nghiệp mà VRG đang đầu tư tại Lào. Ngoài ra, tỷ giá quy đổi Kip sang Việt Nam đồng giảm sâu (trước đây 1.000.000 Kip quy ra được 2.000.000 VNĐ; hiện nay quy ra chỉ được khoảng 1.100.000 VNĐ), tỷ giá Bath Thái/Kip cao nên công nhân Lào có xu hướng qua Thái làm việc dẫn đến thiếu hụt lao động, vì hơn 85% lực lượng lao động của các doanh nghiệp là người dân các bộ tộc Lào (chủ yếu là công nhân khai thác và chế biến mủ).

Đứng trước tình hình khó khăn đó, tôi cho rằng các doanh nghiệp VRG đầu tư tại Lào cần phải tìm ra giải pháp, tập trung tối đa vào việc tiết giảm chi phí, suất đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sản lượng, năng suất chất lượng, có giải pháp đảm bảo thu hút nguồn lao động cho các đơn vị; quan tâm hơn đến các chế độ chính sách đãi ngộ cho CB.CNV LĐ, đặc biệt là NLĐ trực tiếp; tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ với chính quyền sở tại để nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhằm thực hiện tốt hoạt động SXKD được Tập đoàn giao. Từ đó, giúp hạn chế những rủi ro trong thời gian tới, đưa tình hình SXKD của doanh nghiệp ngày càng ổn định phát triển bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ chính trị đối ngoại quan trọng trong việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, các doanh nghiệp FDI Việt Nam tại khu vực Nam Lào nói chung cũng như các công ty cao su thuộc VRG nói riêng cần tích cực phối hợp, hỗ trợ Tổng lãnh sự quán trong việc triển khai nhiệm vụ, qua đó góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đặc biệt giữa 2 bên, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn ngày một phát triển.

– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

ĐÀO PHONG (thực hiện)