CSVN – Do đặc thù ngành nghề nên số lượng lao động của VRG phải sử dụng khá lớn, năm 2020 tổng số lao động ở các đơn vị thành viên VRG là 83.584 người, trong đó lao động nữ là 34.071 người (chiếm 40,8%), lao động đồng bào dân tộc thiểu số là 30.060 người (chiếm 35,9%).
Do có sự cạnh tranh về thị trường lao động giữa các ngành nghề (công nghiệp, dịch vụ) trong khu vực nên ít nhiều tác động đến lao động của ngành, đặc biệt là những đơn vị đứng chân ở địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh. Tuy nhiên, trong năm qua Tập đoàn vẫn cân đối được số lượng lao động đảm bảo cho hoạt động SXKD hiệu quả. Theo các báo cáo tổng kết năm 2020, số lượng lao động thôi việc trong năm của các đơn vị là 19.495 người và cũng tuyển mới con số đến 19.760 người.
Từ thực tế những năm qua cho thấy, ngành cao su đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là giá mủ cao su giảm sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình SXKD của toàn VRG và thu nhập của NLĐ. Có những thời điểm, các đơn vị loay hoay tìm cách giải bài toán về lao động, nhất là những lao động trực tiếp trên vườn cây. Bởi trong thời buổi khó khăn, giá mủ giảm thì thu nhập không còn là con số “trong mơ” như những năm hoàng kim thì việc thu hút và giữ chân NLĐ chẳng khác nào là đánh đố các nhà quản lý, điều hành.
Bài toán đó tưởng chừng như kéo dài nhiều năm với các đơn vị, nhất là những đơn vị có diện tích đưa vườn cây vào khai thác ngày càng lớn thì nay được “hóa giải” bởi những nỗ lực đáng ghi nhận của các đơn vị trong việc tìm giải pháp. Một mặt, các đơn vị linh hoạt trong điều hành sản xuất bằng cách chuyển đổi chế độ cạo từ D3 sang D4, D5; sắp xếp bố trí lao động hợp lý, có nhiều chính sách khuyến khích NLĐ nhận thêm vườn cây cạo. Mặt khác, tích cực, chủ động tìm kiếm lao động bằng nhiều cách như thu tuyển lao động ở các tỉnh, thành khác đến làm việc; bố trí nơi ăn chốn ở ổn định, quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để NLĐ xem đơn vị là nhà, là quê hương thứ 2 để “kìm chân” NLĐ ở lại.
Năm 2020 khi dịch bệnh Covid – 19 ồ ạt tấn công các nước trên thế giới, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều lao đao, có doanh nghiệp không cầm cự được vài tháng đã phải tuyên bố giải thể, NLĐ vô tình thất nghiệp. Có doanh nghiệp để tồn tại được qua “bão táp phong ba” phải cắt giảm lao động xuống mức thấp nhất, cho lao động nghỉ việc hoặc nghỉ luân phiên để giảm bớt việc chi trả tiền lương cho NLĐ.
Câu chuyện trên đâu đó thấy không hề xa lạ với mỗi người trong một năm đầy biến động vừa qua, tuy nhiên đối với các đơn vị trực thuộc VRG, không những NLĐ có việc làm ổn định mà mặt bằng tiền lương, thu nhập năm 2020 còn cao hơn so với năm 2019.
Thu nhập bình quân toàn VRG năm 2020 đạt hơn 7,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2019. Có những đơn vị thu nhập vượt cao hơn nhiều so với mặt bằng chung thu nhập của toàn VRG như: TCT Cao su Đồng Nai hơn 10,2 triệu đồng/ người/tháng, Cao su Dầu Tiếng hơn 9,3 triệu đồng/ người/tháng, Cao su Bình Long 9,7 triệu đồng/người/ tháng, Cao su Phú Riềng 9,6 triệu đồng, Gỗ Thuận An 9,1 triệu đồng/người/tháng…
Không chỉ lương, thưởng cuối năm của NLĐ được đảm bảo mà các chế độ chính sách khác được các đơn vị trực thuộc VRG vẫn duy trì như những năm trước cho NLĐ. Những yếu tố đó một lần nữa khẳng định truyền thống ngành cao su, dù khó khăn đến đâu thì lãnh đạo VRG, Công đoàn CSVN và các đơn vị vẫn luôn đặt NLĐ ở vị trí trung tâm, do đó mọi điều kiện tốt nhất đều hướng về cơ sở, hướng về NLĐ.
Chắc hẳn hình ảnh thành công của VRG trong một năm đầy sóng gió sẽ khiến nhiều người phải trầm trồ bởi đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ kép vừa SXKD vừa phòng chống dịch, đặc biệt nhất là đảm bảo việc làm và nâng cao thu nhập cho NLĐ. Và cũng sẽ có nhiều NLĐ đã nghỉ việc trăn trở về việc quay trở lại với nghề, ngoài ra cũng tiếp thêm niềm tin cho những người còn đang chần chừ có ý định xin vào làm công nhân trước mùa cạo mới 2021.
Trong khó khăn có ân tình và có những giải pháp khắc phục để vượt qua, gặt hái những thắng lợi. Chính những con số thực tiễn, những NLĐ trực tiếp trên vườn cây là nhân vật truyền cảm hứng mạnh mẽ góp phần hữu ích cho các đơn vị thu tuyển lao động trước mùa cạo mới.
Không còn là những loay hoay, trăn trở khi vườn cây mở cạo mà vẫn thiếu lao động, không còn những cái lắc đầu của người quản lý khi được hỏi về tình trạng lao động đầu mùa cạo mới, mà thời điểm này, bài toán lao động đã không còn là vấn đề nan giải nữa. Thay vào đó là hình ảnh của NLĐ chủ động đến nộp đơn vào làm công nhân, là không khí thu tuyển đầu mùa cạo rất khí thế, sôi sổi. Là những tất bật trên vườn cây chuẩn bị cho mùa cạo mới, là niềm tin năm 2021 VRG sẽ có những bước tăng trưởng hơn so với năm 2020, dù khó khăn, thách thức vẫn còn chờ trước mắt. Nhưng bằng niềm tin, ý chí, kinh nghiệm, bản lĩnh vượt khó, rồi đây những khó khăn trên các lĩnh vực SXKD sẽ được “giải” bằng kết quả tốt đẹp như bài toán về lao động trước mùa cạo mới.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Ăn giữa ca: nét đẹp của công nhân cao su
- Vợ tuổi Dần
- Những tháng ngày không quên
- VRG và Báo Người Lao Động đồng hành tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa
- Nông trường Cồn Tiên đạt giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Quảng Trị
- Hội thao là sân chơi thực chất của người lao động VRG
- “Chân cứng đá mềm”
- Phát huy sức mạnh đoàn kết và truyền thống, gắn bó nghĩa tình, chung sức, chung lòng vượt qua mọi kh...
- Triển vọng năng suất vườn cây khu vực Lào, Campuchia
- Tổ chức Cuộc thi ảnh báo chí – nghệ thuật “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần thứ VI năm 2024