Nguyễn Thế Sỹ: Người bí thư đi đầu trong công tác dân vận

CSVN – “Đi dân nhớ, ở dân thương”, đó là phương châm của anh Nguyễn Thế Sỹ – Bí thư chi bộ, kiêm Giám đốc Nông trường Hà Tây, Cao su Chư Păh khi thực hiện công tác dân vận.

Bí thư Nguyễn Thế Sỹ (bìa phải) gặp gỡ, trò chuyện với anh em công nhân cao su của làng Kon Sơ Năl
Gần dân và bám sát địa bàn

Biết anh từ những ngày trồng mới cao su ở Nông trường Thanh niên Ia Mơr của Cao su Chư Păh, đến nay cũng được chục năm. Ấn tượng đầu tiên là chiếc mũ cối trên đầu, giữa trời nắng chang chang anh đến động viên bà con vừa được tuyển làm công nhân (CN) trồng mới, tặng quà hỗ trợ những CN dựng lán, làm nhà tập thể.

Đến ngày chăm sóc cao su, vẫn hình ảnh ấy, anh vào các buôn làng xã Ia Mơr, đến từng nhà thuyết phục bà con vào làm CN cao su. Nay, khi anh là Bí thư chi bộ – Giám đốc Nông trường Hà Tây, phong cách ấy cũng không khác xưa. Anh đưa chúng tôi đi thăm các thôn làng, đi đến đâu, cũng được bà con chào hỏi, chuyện trò vui vẻ. Mỗi khi gặp một ai đó, anh đều cho chúng tôi biết về gia cảnh con người ấy, làm CN ở đâu, gia đình có mấy con, anh chị em tên gì, con cháu nhà ai…

Rồi anh dừng lại tại nhà ông Khyơn – Thôn trưởng Kon Sơ Năl, qua cái bắt tay của anh với thôn trưởng đủ để biết mức độ thân thiết, tình cảm gắn bó giữa 2 người nói riêng cũng như giữa Nông trường Hà Tây với làng Kon Sơ Năl.

Trong câu chuyện, Thôn trưởng Khyơn nhận xét về đ/c Bí thư Nguyễn Thế Sỹ: “Bí thư Sỹ thương bà con mình lắm, có việc gì cũng hỗ trợ dân làng. Nhất là mỗi khi họp làng Bí thư Sỹ đều có mặt, anh vận động bà con mình đi làm CN cao su. Nhiều người nghe lời xin đi làm, nay cuộc sống khá hơn nhiều rồi”.

Thay đổi nếp nghĩ của bà con

Tại đại hội Đảng bộ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh lần thứ XII, anh đại diện cho Chi bộ Nông trường Hà Tây trình bày tham luận về công tác dân vận. Sau khi nêu ra 4 khó khăn và giải pháp tháo gỡ, anh được các đ/c của các cấp ủy Đảng đến dự đánh giá cao và được các báo đài lấy thông tin viết bài.

Trao đổi với anh về chủ đề này, anh chia sẻ: “Nhiều năm làm công tác dân vận, tôi tâm đắc nhất vẫn là việc đã thay đổi được nếp nghĩ cho bà con, nhất là bà con người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Khi bà con thay đổi suy nghĩ sẽ bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu, biết cách thâm canh nương rẫy thay vì quảng canh, phát đốt chọc tỉa”.

Từ sự vận động, tuyên truyền của anh nhiều gia đình CN đã có cuộc sống khá hơn do biết cách làm nương rẫy, trồng lúa nước, thâm canh các loại cây hoa màu, chăn nuôi…từ đó năng suất lao động được nâng cao, thu nhập từ kinh tế gia đình dần đóng vai trò quan trọng trong thời điểm thu nhập từ lương của CN cao su đang thấp.

Ông Vơch ở Thôn Kon Sơ Năl cho biết: “Từ ngày cán bộ Sỹ về làm giám đốc ở đây đời sống bà con trong làng thay đổi nhiều. Bà con tin vào việc làm CN cao su sẽ dần thay đổi cuộc sống, cán bộ Sỹ đã giúp bà con dân làng nhiều thứ, chỉ cho biết cách làm kinh tế gia đình, động viên bà con cho con em đến trường đầy đủ, đúng tuổi…”.

Từ những cuộc gặp gỡ, trao đổi với bà con làng Kon Sơ Năl chúng tôi cảm nhận được sự giác ngộ của bà con là rất tốt, thể hiện qua việc chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, nội quy của nông trường, tổ đội đã đặt ra, tác phong lao động nhanh nhẹn, nhất là chịu khó lắng nghe ý kiến góp ý của đ/c Bí thư chi bộ Nguyễn Thế Sỹ.

VĂN VĨNH