CSVN – Càng về cuối năm, phong trào thi đua nước rút càng sôi nổi hơn bao giờ hết. Đặc biệt hơn trong tháng 10 lịch sử này, tập thể NLĐ ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống ngành Cao su VN (28/10/1929 – 28/10/2020).
NLĐ chạy đua với chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, và chắc chắn rằng đó cũng là việc làm cần thiết, cụ thể và có ý nghĩa nhất trong thời điểm hiện nay.
Nhất quyết không thiếu nhiệt huyết
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thu Hiền – Công nhân tổ 18, Nông trường Tân Lợi, Cao su Đồng Phú khi chị vừa trở về sau khi dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bình Phước. Suốt buổi trò chuyện, người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn nhưng luôn toát lên nhiệt huyết và nụ cười trên môi. Gắn bó với vườn cây cao su từ những ngày còn gian khổ, như anh Trần Minh Sơn – Tổ trưởng Liên tổ 4 đã nói: “Chị Hiền là nhân chứng lịch sử phát triển của nông trường, cũng như chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của ngành cao su”.
23 năm về trước, chị và anh em bạn bè rời vùng quê Hà Tĩnh vào Bình Phước lập nghiệp. Khó khăn chất chồng khi đường sá đi lại, điều kiện sinh hoạt, vui chơi giải trí thời bấy giờ hầu như là không có. Điều duy nhất chị có là “cả nhiệt huyết của tuổi trẻ”. Dù lương thấp, dù thiếu thốn nhưng “tự nhiên sống chung tập thể với anh chị em, được làm việc, được chuyện trò, được sẻ chia niềm vui nỗi buồn, tôi thấy mình yêu nghề cao su này không biết tự bao giờ. Và cũng như biết bao cô chú anh chị thời đó, thiếu gì thì thiếu chứ nhất quyết không thiếu nhiệt huyết”.
Ngần ấy năm cống hiến, nhiệt huyết của chị không vơi đi phần nào. Cứ phấn đấu, say mê với công việc, chị là “tay dao” đáng gờm, luôn đứng trong top đầu hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng hàng năm của nông trường và công ty. Năm 2018, chị là người về đích sớm nhất trong toàn đơn vị, năm 2019 cũng nằm trong top đầu những cá nhân cán đích sản lượng công ty giao. Năm nay, chị dự kiến giữ vững thành tích như những năm trước.
Với những thành tích nổi bật trong công tác, chị nhận được nhiều phần thưởng như Bằng khen của tỉnh Bình Phước, VRG, Kỷ niệm chương của Bộ NN & PTNT; Công nhân ưu tú
ngành cao su. Năm nay, trong toàn công ty chỉ có 2 đại biểu được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bình Phước và chị là một trong 2 đại biểu đó.
Chia sẻ về niềm vui này, chị nói: “Vinh dự, tự hào khi đại diện cho tiếng nói của NLĐ trực tiếp trong toàn công ty tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bình Phước. Đây là niềm vui, hạnh phúc của cá nhân khi sự phấn đấu, nỗ lực của mình được ghi nhận. Bản thân tôi cũng mong rằng sẽ ngày càng nhiều NLĐ trực tiếp trên vườn cây sẽ được nhận nhiều danh hiệu khen thưởng”.
Dù khó khăn đến đâu cũng gắn bó với ngành
Cao su Phú Riềng được biết đến là đơn vị có hai lần liên tiếp đạt giải nhất đồng đội tại Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su năm 2016 và 2018. Trong chuyến công tác thực hiện chuyên đề phóng sự phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi và Thi đua nước rút 3 tháng cuối năm, chúng tôi theo chân anh Phạm Quốc Huy – Phó Chủ tịch Công đoàn công ty đến thăm Nông trường Nghĩa Trung, là nơi công tác của 3 Bàn tay vàng cấp ngành.
Chúng tôi đến Tổ 11 khi anh chị em công nhân chuẩn bị ra lô trút mủ. Tranh thủ thời gian ít ỏi để trao đổi trò chuyện với anh Lê Viết Đoàn, người mà chúng tôi được nghe qua thành tích nổi bật trên đường di chuyển từ công ty vào nông trường. Gặp anh Đoàn, hai bên trao đổi rất thoải mái vì là “người quen” từng gặp nhau trước đó nhiều lần tại Hội thi Bàn tay vàng cấp công ty và cấp ngành.
Anh vào làm công nhân khai thác tại Nông trường Nghĩa Trung từ năm 2009. Từ Thanh Hóa vào đây thời gian đầu anh còn hơi buồn vì xa gia đình, hơn 1 năm làm “thợ phụ” cho người chú, cứ hễ có thời gian là anh mượn dao cạo thử, từ những đường cạo đầu tiên, bước chân di chuyển thế nào anh đều chú tâm để thao tác rành rọt. Sau khóa học cạo 3 tháng, anh phải vượt qua kỳ thi sát hạch của công ty mới được nhận phần cây và chính thức trở thành công nhân khai thác.
Anh chia sẻ: “Ngày đó để được vào làm công nhân chính thức của Cao su Phú Riềng, chúng tôi phải trải qua thời gian học cạo và mấy đợt kiểm tra mới được cấp giấy chứng nhận. Tôi cho đó là điều rất quan trọng vì tay nghề công nhân tốt thì sản lượng, năng suất vườn cây mới tốt được và đó cũng là yếu tố quyết định tiền lương, thu nhập. Chính vì vậy, anh chị em công nhân luôn ý thức được tầm quan trọng của việc tự nâng cao tay nghề, thi đua vượt kế hoạch sản lượng. Tôi nhớ tháng lương đầu tiên khi vào làm công nhân chính thức tại đơn vị là 11 triệu đồng, những năm gần đây dù khó khăn nhưng tiền lương của công ty vẫn nằm trong top cao của ngành, chỉ tiêu công ty đưa ra là tiền lương của công nhân phải đạt mức tối thiểu 8 triệu đồng/người/tháng”.
Là một đảng viên trẻ, anh càng ý thức và có trách nhiệm hơn trong công việc, tuyên truyền vận động anh chị em tích cực tham gia Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không chỉ cần mẫn trên phần cây của mình, anh còn sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp. Là tổ trưởng Công đoàn, ngoài những giờ cạo trên lô, anh cùng với các anh chị em nhiệt tình tham gia các phong trào VHVN – TDTT, vận động ủng hộ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…
Nhìn bảng thành tích của anh, mọi người cho rằng anh có “tất cả” khi đi thi hội thi nào cũng đều “ẵm” giải thưởng. Nhưng ít ai biết đằng sau trái ngọt đó là cả một sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân trong từng đường cạo, từng phút tận thu mủ, từng thời khắc “nước rút” cuối năm. Anh là Bàn tay vàng cấp công ty năm 2016, là thành viên xuất sắc cùng với đồng đội của mình đưa Cao su Phú Riềng giành giải nhất tập thể trong Hội thi Bàn tay vàng cấp ngành năm 2018. Vừa qua anh là đại biểu được tham dự Đại hội thi đua yêu nước huyện Phú Riềng.
Tinh thần thi đua trong phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi và thi đua vượt kế hoạch sản lượng luôn sôi nổi hào hứng không chỉ riêng anh mà với cả tập thể Tổ 11. Anh nói: “Tôi luôn hướng về phía trước để phấn đấu. Những năm gần đây do giá mủ cao su giảm nên có người nghỉ việc ra ngoài làm ở các Khu công nghiệp nhưng tôi thì dù cho có khó khăn đến đâu cũng sẽ gắn bó với nghề. Vì đây chính là nghề đã giúp cho tôi có được như ngày hôm nay. Năm nay tôi tiếp tục phấn đấu để về trước kế hoạch sản lượng 1 tháng, vượt 1 tấn mủ. Đây chính là việc làm thiết thực nhất tôi muốn thực hiện để chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống ngành cao su”.
Chúng tôi chia tay anh với lời hẹn gặp lại trong Hội thi Bàn tay vàng cấp Tập đoàn năm nay. Trên mỗi nơi chúng tôi đến, những gương cá nhân, tập thể tiêu biểu mà chúng tôi may mắn được trò chuyện, gặp gỡ đều hiện hữu lòng yêu ngành, yêu nghề, một tinh thần quyết tâm để hoàn thành tốt nhất kế hoạch năm 2020 qua từng việc làm, hành động cụ thể. Điều đó càng giúp chúng tôi củng cố thêm niềm tin, sức mạnh của tập thể, những giá trị truyền thống ngành neo đậu trong mỗi người sẽ là là động lực để toàn Tập đoàn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng 365.000 tấn được giao.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Cao su Điện Biên phấn đấu doanh thu năm 2024 trên 155,2 tỷ đồng
- Khó không nản
- Tại sao thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng “bị chậm”?
- Tháng công nhân ý nghĩa tại Cao su Sa Thầy
- Nên trang bị ủng đi cạo vào mùa mưa
- MDF VRG Kiên Giang: lợi nhuận trước thuế đạt 104% kế hoạch
- Đảng ủy VRG thực hiện tốt Quy định 69 - QĐ/TW của Ban Bí thư
- "Xây dựng thương hiệu cao su thiên nhiên của Tập đoàn thành thương hiệu mạnh"
- Cao su Quảng Ngãi nỗ lực ổn định sản xuất
- Miệt mài nơi "chiến trường"