CSVNO – Để giải quyết bài toán thiếu công nhân, NT Cù Bị, Công ty CPCS Bà Rịa đã thu tuyển lao động tại các địa phương miền núi phía Bắc. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất về nơi ở, sinh hoạt, tiền lương, phúc lợi cho NLĐ để họ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.
Tìm công nhân ở miền núi
Sau Tết Nguyên đán 2023, anh Vàng Xuân Quang và vợ (người đồng bào dân tộc Mông) khăn gói từ vùng cao Hà Giang xuống NT Cù Bị làm công nhân cao su. Anh Quang cho biết, trước khi xuôi Nam, ở quê anh kiếm tiền bằng việc làm thuê, mỗi tháng thu nhập không quá 400.000 đồng. Công việc vùng cao đa phần cực khổ, đòi hỏi nhiều sức lực, phải đi xa, leo núi mới đến chỗ làm, tiền công cũng chỉ ăn vài bữa. Nơi ở của vợ chồng anh giống 33 lao động là đồng bào dân tộc của NT là khu nhà ở được cải tạo rộng rãi, thoáng mát. Mỗi hộ gia đình sẽ bố trí một phòng, có trang bị sẵn bếp nấu ăn, điện, nước và internet, đáp ứng thoải mái nhu cầu ăn ở, nghỉ ngơi. “Vợ chồng tôi không phải tốn tiền nhà, nước mà chỉ đóng phí điện. Nhờ vậy, mỗi tháng hai vợ chồng kiếm hơn 20 triệu, dành dụm gửi về quê hơn 10 triệu đồng. Rời quê vào làm công nhân cao su là một trong những quyết định đúng đắn nhất của tôi. Nhờ đó, gia đình thoát cảnh nghèo, không phải làm thuê rày đây mai đó. Chúng tôi cũng tích góp nhiều tiền để Tết về sửa sang nhà cửa…” – anh Quang tâm sự.
Vào NT Cù Bị gần hai tháng, vợ chồng ông Tẩn Xeo Phừ dần quen với công việc và cuộc sống nơi xứ lạ. Ông Phừ 47 tuổi, là người dân tộc Mông, quê Xín Mần, Hà Giang. Ông kể rằng, ở quê có vài sào đất nhưng làm năng suất thấp, vì vậy đăng ký xuống Bà Rịa làm công nhân cao su. Lo sợ tuổi cao khó theo kịp công việc, dẫu vậy, sau khi được huấn luyện, đào tạo vài tuần, hai vợ chồng ông Phừ đã đáp ứng các yêu cầu, năng suất mủ khai thác tốt.
Sát sao công việc của 33 lao động đồng bào thiểu số của NT Cù Bị, bà Lê Thị Mỹ Nhật – Tổ trưởng Tổ 7 đánh giá tay nghề của công nhân đồng bào dân tộc khá cao. Dù đa số là mới tuyển vào nhưng họ tiếp thu công việc nhanh, chịu khó học hỏi.
Cải thiện phúc lợi người lao động
NT Cù Bị hiện quản lý hơn 3.800 ha diện tích cao su, đang chịu sức ép về thiếu lao động. Bà Lê Thị Nga – Phó GĐ NT cho biết, số lượng công nhân đang thiếu so với kế hoạch là 38%, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác điều hành sản xuất và thực hiện sản lượng được giao.
Để khắc phục hiện trạng khan hiếm lao động, NT xây dựng nhiều giải pháp ổn định sản xuất như vận động công nhân nhận thêm cây cạo, đồng thời ra sức tìm kiếm lao động tại các địa phương lân cận. Năm 2022, NT bước đầu ổn định một tổ sản xuất với 33 lao động là người dân tộc thiểu số ở hai tỉnh Hà Giang và Nghệ An.
Xác định công tác đảm bảo đời sống công nhân đồng bào dân tộc là quan trọng, NT đề ra nhiều chính sách đặc thù để giữ chân NLĐ. Đơn vị bố trí cho mỗi gia đình nơi ở miễn phí, trang bị đủ điện, nước. Đối với công nhân có con nhỏ, NT cũng liên hệ với chính quyền địa phương lập thủ tục nhập học khi đến tuổi. Ngoài ra, lao động được thưởng một phần quà là nhu yếu phẩm, hỗ trợ tiền xe đi lại 1 triệu đồng/người và chi trả lương hàng tháng không thấp hơn 6 triệu đồng. Vì rào cản ngôn ngữ, NT còn bố trí riêng nhân sự để đưa công nhân đau, ốm đến bệnh viện…
“Người đồng bào phải xa quê mưu sinh, vì vậy, họ để tâm rất nhiều vào cách công ty đối xử với mình. Thấu hiểu suy nghĩ đó, ban lãnh đạo NT ra sức chăm sóc, lo lắng, chia sẻ để công nhân an tâm, gắn bó làm việc” – bà Nga chia sẻ.
HOÀNG KHẢI
Related posts:
- Tổng Giám đốc VRG Lê Thanh Hưng thăm và làm việc với các công ty Tây Nguyên
- Cao su Đồng Phú: đơn vị điển hình trong Câu lạc bộ 2 tấn
- Cao su Quasa - Geruco: xanh thẳm tình hữu nghị
- Những "nữ tướng kỹ thuật" trên vùng đất Tây Nguyên
- Khối thi đua số 2 tổ chức học tập mô hình kinh tế hiệu quả tại Cao su Sa Thầy
- Hành trình 40 năm "gà mẹ đẻ gà con"
- Tây Nguyên mùa mưa
- Đón dòng nhựa trắng nơi vùng biên
- Làng công nhân cao su Tân Hưng: Điểm sáng giữa núi rừng
- Người sống trọn đời cho sự nghiệp phát triển cao su