CSVN – Thông qua việc phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo, nhiều tập thể, cá nhân Công ty CP Cao su Lai Châu đã phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và được áp dụng rộng rãi góp phần nâng cao hiệu quả SXKD, tăng thu nhập cho người lao động.
Hạn chế mất mủ, tăng thu nhập cho người lao động
Năm 2016, công ty bắt đầu đưa vườn cây vào khai thác mủ. Với cơ cấu sản phẩm Tập đoàn giao là mủ SVR 10, 20 nên công ty chọn phương án thu mủ đông tại lô và 3 – 4 nhát cạo thu một lần. Trong điều kiện thời tiết mưa nhiều và lớn nên việc không để mất mủ do nước mưa chảy tràn, hay mủ không bị tạp chất trong quá trình bảo quản trên lô là rất cần thiết. Công ty đã triển khai biện pháp hứng mủ được che bằng màng PE phủ chén và yếm PE che chén. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng hai phương pháp trên đã lộ ra nhược điểm, thời gian sử dụng ngắn chỉ được 2-3 mùa cạo.
Từ thực tiễn trên, Phòng QLKT công ty nghiên cứu sử dụng “Nắp đậy chén nhựa hứng mủ cao su” để chống thất thoát mủ do nước mưa và bảo quản mủ không bị lẫn côn trùng, tạp chất. Phương pháp này giảm chi phí đầu tư ban đầu, làm giảm giá thành và làm tăng lợi nhuận.
Qua việc áp dụng vào thực tiễn tại các nông trường, phương pháp dùng nắp che chén tiết kiệm 110 triệu đồng/năm so với việc sử dụng màng PE và yếm PE. Nếu áp dụng cho toàn bộ 6.948,18 ha của công ty thì sẽ tiết kiệm được 555 triệu đồng/năm so với việc sử dụng màng PE và yếm PE.
Chị Lò Thị Hươn, công nhân Nông trường Nậm Tăm cho biết: “Phương pháp nắp đậy chén nhựa hứng mủ cao su giảm mùi hôi trong quá trình bảo quản mủ trên vườn cây. Đồng thời giúp giảm thời gian gia cố, thời gian úp ngửa chén, chỉnh yếm che; từ đó có thể tăng cây cạo cho một phần cạo, hạn chế mất mủ khi trời mưa, nhờ tăng thu nhập cho người lao động”.
Sáng kiến dụng cụ thu mủ tăng năng suất lao động
Công ty hiện đang quản lý, chăm sóc 6.948,18ha cao su, diện tích khai thác 5.448,76ha (sản lượng kế hoạch năm 2021 là 6.000 tấn mủ quy khô). Để áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý vườn cây, công ty đã đưa vào sử dụng phần phần mềm Mapinfo, Microsation và Google Earth vào trong quản lý vườn cây. Qua đó, hàng năm hồ sơ kiểm kê của công ty được chuẩn hóa và đồng bộ, toàn bộ bản đồ vườn cây được cán bộ kỹ thuật sử dụng Smatphone vào trong quản lý.
Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ sản xuất, Phòng Quản lý Kỹ thuật đề xuất với công ty sử dụng dụng cụ thu mủ, từ xô chuyển sang dùng gùi giúp tăng năng suất lao động và thuận tiện trong quá trình thu mủ. Nếu việc dùng xô chỉ thu được 10-15 kg thì gùi có thể thu và đựng được 30 kg.
Cùng với đó, sử dụng bao vải thay thế cho xô trong quá trình vận chuyển mủ, giúp tăng năng suất lao động (vận chuyển bằng xô được khoảng 40-50 kg nhưng vận chuyển bằng bao vải lên đến 120 kg). Ngoài ra, còn đưa sáng kiến sử dụng dụng cụ móc thu mủ đông trong chén tăng hiệu quả gấp 2 lần.
Anh Lò Văn Thương – Phó TGĐ công ty chia sẻ: “Hưởng ứng phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công tác nông nghiệp, công ty chỉ đạo thường xuyên đổi mới cách thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai cụ thể hóa với từng công việc bằng những cách làm hay, phù hợp. Kịp thời động viên, khích lệ anh em tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến trong việc chăm sóc, khai thác, vận chuyển, bảo quản mủ cao su. Từ đó, mang lại hiệu quả trong công việc, thúc đẩy hoạt động SXKD của công ty ngày càng phát triển”.
UYÊN LINH
Related posts:
- Yếu tố then chốt quyết định năng suất vườn cây
- Mái ấm Công đoàn: Điểm tựa "an cư lạc nghiệp"
- Thế hệ trẻ phát huy truyền thống
- Tiết kiệm tiền tỷ nhờ đẩy mạnh cải tiến
- MDF VRG Kiên Giang: Tiết kiệm 290 triệu đồng/tháng nhờ sử dụng tràm bông vàng sản xuất ván MDF CARB,...
- Nông trường Ya Chim (Cao su Kon Tum) phấn đấu giữ vững năng suất 2,3 tấn/ha
- Công tác thu mua trên địa bàn Tây Nguyên: Vẫn khởi sắc trong dịch Covid - 19
- Công đoàn Cao su Chư Sê: Tích cực hỗ trợ người lao động phát triển kinh tế gia đình
- Hơn 70 cán bộ kỹ thuật được tập huấn về công tác bảo vệ thực vật cây cao su
- Cao su Tây Ninh khen thưởng “4 tháng nước rút”