CSVN – Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế và Nông lâm Thế giới (CIFOR-ICRAF) đã hợp tác với hai tổ chức phi Chính phủ để tiến hành nghiên cứu phát triển ngành cao su thiên nhiên tại Nepal.
CIFOR-ICRAF đã ký một biên bản ghi nhớ với Viện Nghiên cứu Cao su Nepal (IRRN) và Công ty Trang trại Cao su WorldStar Pvt Ltd vào ngày 23/8.
IRRN là tổ chức phi Chính phủ và WorldStar là công ty tư nhân hoạt động với mục tiêu hỗ trợ phát triển các chính sách và chương trình, thực hiện các hoạt động liên quan đến cao su, sản xuất các sản phẩm cao su, thương mại cao su, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn môi trường ở Nepal.
“Mục đích chính của sự hợp tác này là tạo ra kiến thức khoa học và công nghệ phù hợp, mở rộng các hoạt động liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên và nông lâm kết hợp cao su, và chuyển giao chúng cho các cơ quan chính phủ, công ty tư nhân, cộng đồng, các nhà thực hành, nhà nghiên cứu và các đối tác phát triển để ứng dụng thực tế” Javed Rizvi, giám đốc khu vực châu Á của CIFOR-ICRAF cho biết.
Để đạt được các mục tiêu của mình, các đối tác sẽ hợp tác gây quỹ cho nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là liên quan đến quản lý bền vững trong canh tác cao su, thiết lập “cảnh quan gắn kết” nông trại-rừng, hỗ trợ cho lâm nghiệp xã hội và cộng đồng, khám phá vai trò của rừng và cảnh quan sản xuất trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, kiểm tra và phát triển chuỗi giá trị lâm nghiệp và nông lâm kết hợp, đào tạo và phát triển năng lực và khám phá các vấn đề về giới và thanh niên liên quan đến phát triển nông – lâm kết hợp.
Keshab Adhikari, cán bộ liên lạc của Nepal với CIFOR-ICRAF cho biết: “Đây là một mối quan hệ hợp tác rất kịp thời. Sản lượng cao su ở Nepal vào khoảng 450 tấn mỗi năm trong khi mức tiêu thụ cao su và các sản phẩm liên quan đến cao su hàng năm là 12.000 tấn. Ước tính đến năm 2025, nhu cầu về cao su tự nhiên dự kiến sẽ vượt quá 20.000 tấn/năm, trị giá 150 triệu USD. Để đáp ứng nhu cầu này và giải quyết những thách thức về môi trường và xã hội mà đất nước phải đối mặt, chúng tôi thấy rằng sự hợp tác này là một bước tiến quan trọng”.
Tilak B. Bhandari, giám đốc điều hành của IRRN, người đã cống hiến hơn ba thập kỷ để tiên phong sản xuất cao su ở Nepal nói: “Biên bản ghi nhớ này là một cơ hội tuyệt vời và dựa trên nhu cầu để hợp tác và làm việc chung. “Thương mại hóa cao su đã trở thành một trong những hạng mục chương trình nghị sự quốc gia hàng đầu của Nepal đối với công chúng và Chính phủ, được ưu tiên thảo luận trong Nghị viện để nhanh chóng khai thác các tiềm năng khác nhau của nó”.
Cây cao su Hevea brasiliensis được trồng lần đầu tiên ở Nepal vào những năm 1970 nhưng đã mở rộng rất ít so với diện tích ban đầu. Tổng diện tích đất trồng cao su chỉ khoảng 555 ha, sản lượng bình quân hàng năm 1,1 tấn/ha. Do đó, Nepal nhập khẩu hơn 98% cao su tự nhiên, chủ yếu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên, khu vực phía đông của Nepal rất thích hợp để trồng cao su với lượng mưa phân bố tốt (2000–3000 mm), độ ẩm tương đối cao (80%) và nhiệt độ dao động 20 – 35 độ C.
Navin Joshi, chủ tịch của WorldStar Rubber người có chuyên môn trong quản lý chất lượng cao su thiên nhiên, chế biến và tiếp thị cho biết: “Phía đông của Nepal là một khu vực rất có tiềm năng đối với các loại cây trồng có giá trị cao như cao su. Loại cây này chưa được tận dụng hết để mang lại thu nhập đáng kể ở cấp hộ gia đình và quốc gia”. “Sự hiểu biết này giữa các tổ chức chuyên môn là cơ hội để thúc đẩy sự tham gia của thanh niên và phụ nữ thông qua các đoàn thể kinh tế xã hội đa dạng”.
Mối quan hệ đối tác mới sẽ trao đổi kiến thức, thực hiện nghiên cứu và tham gia với Chính phủ, đặc biệt, để hỗ trợ việc thành lập lại cơ quan có nhiệm vụ phát triển ngành cao su. Trọng tâm của một cơ quan như vậy sẽ tạo điều kiện cho một môi trường chính sách thuận lợi và cung cấp các cơ chế hỗ trợ khác nhau.
Các mục tiêu chung sẽ bao gồm tăng số lượng các nhóm nông dân trồng cao su và nông dân riêng lẻ, đào tạo và nâng cao năng lực, mở rộng diện tích trồng cao su và chứng minh lợi thế kinh tế của việc kết hợp cao su với sản xuất cây ăn quả, cây hàng năm và vật liệu sinh học, nghĩa là các hình thức “nông lâm kết hợp cao su”.
Himlal Baral, nghiên cứu viên cao cấp của CIFOR- ICRAF về phục hồi cảnh quan và rừng cho biết: “Bất kỳ việc trồng cây quy mô lớn nào như quan hệ đối tác này đề xuất đều phải tuân theo phương châm của CIFOR-ICRAF là xác định đúng cây ở đúng nơi, đúng mục đích đồng thời tôn trọng quyền của địa phương. Bằng chứng cho thấy rằng hệ thống nông lâm kết hợp cao su với các loài cây khác bao gồm cây ăn quả, cây lấy gỗ và cây cho sản phẩm không phải gỗ hoặc với các loại cây trồng xen canh khác mang lại nhiều lợi ích cho sinh kế và môi trường là có hiệu quả và hiệu quả nhất”.
NGUYỄN ANH NGHĨA
(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam) lược dịch
(Theo www.cifor-icraf.org)
Related posts:
- Khảo nghiệm tuyển chọn giống mới
- Cao su Bình Thuận phấn đấu hoàn thành vượt mức các kế hoạch năm 2023
- Điều chỉnh quy định quản lý suất đầu tư nông nghiệp
- Hội thao là sân chơi thực chất của người lao động VRG
- Người lao động kỳ vọng gì trước đại hội?
- Sáng kiến hữu ích trong thiết kế bảng cạo
- Đa dạng các mô hình xen canh hiệu quả
- IRRDB thảo luận về COP28
- Thái Lan: Khuyến khích nông dân trồng cao su sử dụng tín dụng carbon để tạo thu nhập
- Ước vọng năm mới 2021: Thành công, sung túc, phát triển