Những ai có mặt tại Hội nghị sơ kết SXKD 6 tháng đầu năm 2014 của VRG vừa rồi đều giật mình trước phát biểu kết luận hội nghị của TGĐ Trần Ngọc Thuận. Có thể chúng ta đã biết, đã lường trước được những cảnh báo này trong một thời gian khá dài nhưng trong hội nghị này chúng ta đều phải giật mình nhìn lại.
Khó khăn, khiến chúng ta nỗ lực, đoàn kết vượt qua với truyền thống của ngành cao su. Và cũng khó khăn, khiến chúng ta phải nhìn lại, rà soát lại mình, vá lại những lỗ hổng mà bấy lâu nay trong thời kỳ thịnh vượng đã bị che lấp. Từ những vấn đề vĩ mô như hiệu quả sử dụng đất của ngành cao su, trong quản lý điều hành như suất đầu tư dự án quá cao tại một số đơn vị đến việc phô trương hình thức, lãng phí của công, công tác cán bộ…- Tất cả, đem đến một vết cắt nhói lòng cho những người có tâm huyết.
Có thể, với những người thường xuyên nghe các phát biểu chỉ đạo điều hành theo phong cách thẳng thắn cá tính của TGĐ, đó là việc bình thường. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn hiện nay, với những vấn đề quy mô tại một hội nghị toàn ngành, với gần 400 đại biểu đứng đầu các đơn vị trong toàn ngành từ Nam ra Bắc thì không bình thường chút nào. Bởi đây không phải là cuộc họp giải quyết từng sự vụ, từng nhóm ngành. Mà là hàng loạt những vấn đề cần phải chấn chỉnh ngay, theo kiểu “nói là sẽ làm”.
Ngành cao su đã qua rồi thời thịnh vượng với giá bán gần 100 triệu đồng/tấn. Và cũng qua rồi giai đoạn liên tục mở rộng diện tích, nhất là với những vùng phi truyền thống. Không phải ngẫu nhiên mà bắt đầu từ giữa năm rồi, chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn là trồng chú trọng vào chất lượng, không chạy theo số lượng. Hệ quả của tốc độ mở rộng diện tích đã được nhìn thấy, từ những vùng phi truyền thống, không những về chất lượng vườn cây mà còn trong công tác quản lý, về suất đầu tư và cả con người-công tác cán bộ.
Khi giá mủ cao, công nhân giàu, công ty mạnh, xã hội ngước nhìn ngành cao su. Nhưng khi chúng ta gặp khó khăn do giá cả thị trường, hiệu quả kinh doanh giảm thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Đó là cơ sở để TGĐ lo lắng về việc ngành cao su quản lý gần 400.000 ha đất sẽ ra sao nếu mai đây không đạt hiệu quả.
Bởi vậy vấn đề đặt ra phải “tăng năng suất, chất lượng vườn cây” tại Hội nghị nông nghiệp lần V vừa diễn ra trước đó 1 ngày. Hiện tại là giai đoạn phải “củng cố chất lượng vườn cây” và “rà soát dự án đầu tư” – 2 việc tiên quyết. Chúng ta phải xốc lại mình, bởi đã không còn “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Sự phô trương hình thức, sang trọng, nguy nga đã không còn ý nghĩa. Giờ là thời của “thắt lưng buộc bụng” – tiết giảm chi phí, hạ giá thành.
Và từ những lời thẳng thắn nhưng rất chân tình của người đứng đầu ngành, chúng ta phải tự nhắc lại mình, chấn chỉnh, rà soát để khắc phục. Cần phải nhìn nhận khó khăn là cơ hội để ta “tái cơ cấu” những việc chưa hoàn thiện. Để mai đây khi giá cao su hồi phục, ta sẽ có cơ sở vững chắc để phát triển vững bền.
P.V
Related posts:
- Vượt sản lượng khai thác để chăm lo tốt nhất cho người lao động
- Thu yêu thương
- Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ và cảm ơn người lao động
- Vững tin vượt khó
- Sẵn sàng cho một năm bội thu
- Tin tưởng một vụ mùa bội thu
- 10 sự kiện nổi bật ngành cao su năm 2014
- Giải pháp tiêu thụ ngành gỗ năm 2024: Những dấu hiệu lạc quan
- Phát huy truyền thống, viết tiếp trang sử hào hùng
- Chủ tịch HĐQT VRG gởi thư thăm hỏi, động viên sinh viên con người lao động