CSVN – Gần đây, bỗng dưng hàng loạt đại gia bất động sản đổ xô vào lĩnh vực nông nghiệp. Người trồng mía, kẻ nuôi bò, người hô hào trồng cây mắc-ca…
Đây là hiện tượng khá lạ, bởi lâu nay nông nghiệp được xem kém hấp dẫn so với các lĩnh vực thời thượng như tài chính, chứng khoán, bất động sản… Nguyên nhân vì đây là mảng rất “khó ăn”, luôn chịu rủi ro bởi thiên tai thời tiết, dịch bệnh phổ biến, thị trường bấp bênh, giá cả thất thường. Ngay bản thân các đại gia đang nhảy sang “sân” nông nghiệp như hiện nay, cũng không ai giàu lên từ nông nghiệp.
Phải chăng câu tục ngữ “phi thương bất phú” nay đang chuyển thành “phi nông bất phú”? Hay là các đại gia tự ái dân tộc, khi nước ta xuất khẩu gạo, tiêu, điều, cao su, cà phê… thuộc tốp đầu thế giới nhưng giá trị thu về chẳng bao nhiêu, còn nông dân vẫn cứ nghèo?
Thời gian sẽ cho câu trả lời. Nhưng trước mắt dư luận không khỏi nghi hoặc về sự tâm huyết với nghề nông của các đại gia.
Khi lấn sân sang nông nghiệp, đại gia nào cũng tuyên bố không thiếu tiền, không lo đầu ra sản phẩm, không sợ lỗ, mà chỉ lo thiếu đất diện tích lớn! Cũng phải. Đại gia làm nông không thể tư duy theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ mà phải có đại điền, phải có “cánh đồng lớn” để đưa công nghệ vào sản xuất và làm chủ thị trường.
Ví như mới đây, dư luận khô ng khỏi choáng khi một ngân hàng thương mại và một công ty bất động sản bỗng nảy ra ý định làm dự án trồng cây mắc-ca lớn nhất thế giới, với quỹ đất cần có lên tới 200.000 ha. Chưa biết nguồn gốc đất được cấp, đất liên kết với dân thế nào, nhưng chỉ riêng doanh nghiệp được cấp một phần trong tổng diện tích của dự án 200.000 ha, cũng đã rất “màu mỡ” rồi. Một doanh nghiệp bình thường giờ xin vài chục ha đất nông nghiệp rất khó ,vậy mà họ xin cả chục ngàn, cả trăm ngàn ha, thấy dễ quá !
Suy cho cùng, nuôi con gì, trồng cây gì cũng đều cần đất. Mà đại gia làm nông nghiệp thì càng cần đại điền. Với tầm nhìn chiến lược và sự lọc lõi thương trường, trước mắt có thể đó là đất nông nghiệp, đất liên kết, nhưng về lâu dài chúng có thể được “chuyển hóa” thành đất thương mại, đất của doanh nghiệp và giá trị tăng lên nhiều lần. Ngẫm kỹ thì họ đâu từ bỏ đất đai mà đang tích tụ tài nguyên-tài sản đấy chứ!
Một số ý kiến khác lại cho rằng, đại gia làm nông nghiệp chẳng qua là vỏ bọc thôi. Chính phủ đang tập trung cho vay phát triển nông nghiệp với rất nhiều ưu đãi, từ quỹ đất đến vốn vay, hỗ trợ lãi suất… Một số doanh nghiệp làm đơn xin vay vốn đầu tư nông nghiệp, nhưng chạy lòng vòng cuối cùng sẽ quay lại bất động sản – lĩnh vực rất khó vay vốn vì nợ xấu bất động sản tại các ngân hàng vẫn còn khá lớn. Việc thị trường bất động sản đang nóng lên với dòng tín dụng đổ vào rất lớn, không loại trừ một phần được “chảy” từ kênh đầu vào thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Doanh nghiệp làm giàu từ nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển là rất đáng hoan nghênh, rất cần ủng hộ. Nếu họ tâm huyết, mong muốn làm giàu nghiêm túc từ ngành nông nghiệp, thì ngành kinh tế này sẽ có sức bật để cất cánh. Còn ngược lại, nếu họ coi nông nghiệp chỉ là bàn đạp tạm thời, là “đất lành” để trục lợi thì doanh nghiệp sẽ giàu thêm, nhưng nông dân sẽ vẫn nghèo và nông nghiệp nước ta vẫn ì ạch.
Phi Long
Related posts:
- Vững tin vượt khó
- Người lao động VRG cần được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid - 19
- Tinh thần đoàn kết hóa giải khó khăn và thách thức
- Xa nhưng luôn nồng ấm
- "Nếu còn gắn bó, hãy cùng chúng tôi cố gắng"
- Nông nghiệp tăng trưởng âm: Nhiều nỗi lo
- Mùa thi đua nước rút đặc biệt
- “Chân cứng đá mềm”
- Nụ cười tháng 5!
- Trân trọng quá khứ - vững tin hiện tại - mạnh mẽ tương lai!