Ngành cao su cần sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước để phát triển bền vững

CSVN – Ngành cao su Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách. Điều này gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao su và doanh nghiệp cao su Việt Nam.

Ngành cao su Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn nội tại do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Ảnh: Vũ Phong

Sau đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, những diễn biến khó lường trên thị trường năng lượng cùng áp lực lạm phát cao làm giá hàng hóa tăng phi mã đã và đang làm thay đổi toàn diện bối cảnh kinh doanh, tạo nên những tác động đa chiều đến thị trường cao su thiên nhiên. Ngoài ra, thị trường còn chịu áp lực từ dự báo về nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và việc đồng USD tăng mạnh. Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên cảnh báo rằng nền kinh tế có thể bước vào một cuộc suy thoái vào năm 2023 do tác động từ chính sách tăng lãi suất của các ngân hàng Trung ương, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường cao su thiên nhiên.

Trước những sức ép và thách thức từ thị trường, doanh nghiệp cao su đã có nhiều giải pháp như giảm giá thành để thích ứng với tình hình giá thấp sẽ kéo dài nhiều năm và duy trì sản xuất trong xu hướng giảm sản lượng, giảm số lao động nhưng bảo đảm thu nhập phù hợp, đa dạng hóa nguồn thu, tăng năng suất cây cao su và hiệu quả sử dụng đất, áp dụng kỹ thuật tiến bộ có hiệu quả kinh tế cao. Đảm bảo chất lượng và uy tín thương mại, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và ngành để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, ngành cao su Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do yếu tố nội tại về chính sách, gây hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Một số chính sách thuế, tài chính đối với đất đai, môi trường, phát triển thương hiệu vẫn còn gây vướng mắc và nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cao su.

Vì vậy, ngành cao su rất cần sự chung tay của các Bộ ngành, sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, nâng cao lợi thế cạnh tranh về giá thành, chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại, thực hiện hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.

TUỆ LINH