Phát huy thế mạnh của một lĩnh vực then chốt

CSVN – 5 năm vừa qua là giai đoạn hết sức khó khăn đối với ngành cao su Việt Nam nói chung và VRG nói riêng. Cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt, năng lực của các công ty ngoài Tập đoàn ngày càng lớn mạnh.

Sản xuất cao su. Ảnh: Phan Thắng

Nguồn mủ nguyên liệu giá rẻ từ các nước Châu Phi đã hạ thấp giá thành chế biến của các nhà máy tư nhân. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đến các nước lân cận để tận dụng tối đa những chính sách ưu đãi từ nước sở tại, nguồn nguyên liệu tại chỗ với giá “mềm”. Đặc biệt, các khách hàng tiêu thụ đã không ngừng đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng tăng cao, riêng biệt… đặt ra cho Tập đoàn những thách thức lớn.

Vượt khó, các đơn vị thành viên VRG đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu riêng. Trong đó, nhiều công ty đã có thương hiệu mạnh và uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, các thương hiệu riêng của các công ty không đủ thế mạnh để cạnh tranh trên thị trường và chất lượng sản phẩm, dù đạt tiêu chuẩn quốc gia nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách hàng tiêu thụ, nhất là các hãng vỏ xe danh tiếng.

Linh động nhiều giải pháp, VRG đã có những chiến lược quan trọng không những đưa Tập đoàn vượt khó thành công mà còn khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Nổi bật là xây dựng, phát triển sản phẩm cao su thiên nhiên (CSTN) thương hiệu VRG với tiêu chuẩn TCCS 112.

Nếu như trước năm 2018, Tập đoàn từ vị trí chưa có sản phẩm CSTN thương hiệu VRG. Khách hàng khó phân biệt được đâu là sản phẩm của đơn vị thành viên Tập đoàn, đâu là của các đơn vị không thuộc Tập đoàn, nhận diện thương hiệu sản phẩm của các thành viên gặp rất nhiều khó khăn. Thì đến năm 2022, Tập đoàn đã có 1,22 triệu tấn sản phẩm CSTN thương hiệu VRG cung cấp ra thị trường, trong vòng 5 năm. Kết quả tiêu thụ sản phẩm CSTN thương hiệu VRG tăng trưởng hết sức ấn tượng, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó.

Sản phẩm CSTN thương hiệu VRG đã đáp ứng sự mong đợi của các nhà tiêu thụ “khó tính”, bởi chất lượng vượt trội, đồng đều và ổn định. Chính thương hiệu VRG mà Tập đoàn xây dựng đã nâng cao vị thế, tăng năng lực cạnh tranh, tăng cơ hội mở rộng thị trường, tăng khả năng tiêu thụ ổn định, tăng lợi nhuận của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Đồng thời, hỗ trợ tích cực cho các công ty thành viên chưa có thương hiệu mạnh thừa hưởng giá trị thương hiệu mà Tập đoàn mang lại.

Cao su là một lĩnh vực quan trọng và then chốt, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Định hướng trong tương lai gần, Tập đoàn chỉ tồn tại sản phẩm CSTN thương hiệu VRG là chiến lược quan trọng, góp phần khắc phục những khó khăn của ngành, đóng góp vào hiệu quả SXKD của toàn Tập đoàn.

TUỆ LINH