Đi tìm vườn cây di tích cho Tây Nguyên

CSVN – Tây Nguyên là vùng cao su lớn thứ 2 sau Đông Nam bộ, với hàng trăm ngàn ha và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn của vùng này. Cây cao su đã có mặt ở đây vài chục năm, tuy vậy để tìm một vườn cây để bảo tồn thì chỉ còn lại khoảng 2ha ở Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông.
Một cây cao su cổ thụ trong vườn truyền thống của Đội 10 – NT Thống Nhất
Một cây cao su cổ thụ trong vườn truyền thống của Đội 10 – NT Thống Nhất

Vườn cây truyền thống 2 ha ở Cao su Chư Prông

Hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên có 9 đơn vị trồng, chăm sóc và chế biến cao su trực thuộc VRG. Trong đó, đơn vị có tuổi đời nhiều nhất là Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh được thành lập vào năm 1976 trên cơ sở tiếp quản 220 ha của chế độ cũ và thuộc Ty Nông nghiệp Gia Lai – Kon Tum. Tiếp đến là Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, được thành lập năm 1977 và đây là đơn vị kinh tế mới với bộ khung của Nông trường (NT) Đồng Giao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. 5 đơn vị được thành lập vào năm 1984 gồm các đơn vị Cao su Krông Buk, Ea H’leo, Chư Sê, Mang Yang và Kon Tum. Những đơn vị này đều có gốc là các công ty mẹ ở Đông Nam bộ sinh ra với hình thức “gà mẹ đẻ gà con” theo chủ trương đưa cây cao su lên Tây Nguyên của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Hơn 40 năm đã qua đi, nhìn lại cây cao su đã bước sang chu kỳ khai thác thứ 2. Ấy vậy, cần tìm lại những cây cao su ngày đầu để bảo tồn và làm khu di tích cho một thời phát triển cây cao su hào hùng trên Tây Nguyên, lưu giữ cho thế hệ sau thì vô cùng khó khăn. Năm 2007, khi chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công ty Cao su Chư Prông, cũng là lúc những cây cao su đầu tiên trồng năm 1979 phải thanh lý để tái canh chu kỳ mới. Giám đốc công ty lúc đó là ông Phan Sỹ Bình đã quyết định giữ lại khoảng 2ha để làm vườn cao su truyền thống của công ty. Đến nay sau 12 năm vườn cao su truyền thống này vẫn tiếp tục được khai thác tận thu. Theo tìm hiểu, hiện ngoài 2ha của Cao su Chư Prông thì hầu như không có công ty nào quy hoạch hay dành một phần diện tích để làm khu di tích hay vườn truyền thống.

Cây cao su 40 tuổi vẫn đang được khai thác.
Cây cao su 40 tuổi vẫn đang được khai thác.

Sẽ đầu tư, tôn tạo khi có điều kiện

Chứng kiến những cây cao su ở vườn truyền thống (Lô 9C) thuộc Đội 10 – NT Thống Nhất – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông với vòng thân lên đến 3m bị khai thác tận thu, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, lo lắng cho tuổi thọ của cây.

Trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao  su Chư Prông, ông Trần Trung Căn – Phó TGĐ cho hay: “Chúng tôi cũng đã cân nhắc đến kế hoạch, kinh phí để đầu tư và tôn tạo vườn cao su truyền thống trở thành một khu vườn di tích nhằm lưu giữ và giáo dục cho thế hệ sau những giá trị truyền thống mang tính lịch sử của thời kỳ đầu đi khai hoang trồng cao su. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay điều kiện để xây dựng, tu bổ và tôn tạo khu vườn này là hết sức khó khăn với đơn vị, chúng tôi cần có thời gian, có thể là dịp công ty kỷ niệm 45 năm hay 50 năm ngày thành lập…”.

Cán bộ công ty Chư Prông và NT Thống Nhất thăm vườn cây truyền thống.
Cán bộ công ty Chư Prông và NT Thống Nhất thăm vườn cây truyền thống.

Nhiều ý kiến cho rằng: Do quá trình đô thị hóa, sự tăng dân số cơ học đã làm cho việc thu hẹp diện tích cao su của các doanh nghiệp theo hướng mất dần những lô cao su ban đầu, do vậy khó mà giữ lại được vườn cây thời kỳ đầu. Cũng có ý kiến khác rằng: Nhiều công ty đã quá chú tâm vào việc sản xuất kinh doanh, hiệu quả kinh tế, mở rộng diện tích…mà quên đi công tác bảo tồn lịch sử của đơn vị. Cho nên, đến giờ khi tìm lại những kỷ niệm xưa, nhưng kỷ vật cũ hay 1 tấm hình, thước phim cũng vô cùng khó khăn.

Việc tái hiện những hình ảnh làm khu di tích chính là ý thức coi trọng và giữ gìn truyền thống cách mạng của giai cấp CN cao su. Với ý nghĩa giáo dục truyền thống cao đẹp, khu trưng bày di tích lịch sử làng CN cao su thời kỳ đầu được xây dựng sẽ giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang cho thế hệ mai sau, thế hệ trẻ hôm nay lấy những hình ảnh đó để tự giáo dục cho mình truyền thống của người CN cao su. Đồng thời, nhắc nhở lớp trẻ, có cách nghĩ, cách làm, xứng đáng để tiếp bước truyền thống của cha anh.

VĂN VĨNH