CSVNO – Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội”, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh đã có nhiều ý kiến đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, thực hiện quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến ngày 15/11/2018, Ủy ban đã tiếp nhận chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ 5 Bộ.
Tại thời điểm 31/12/2018, vốn và tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty tại thời điểm tiếp nhận như sau: Tổng tài sản hợp nhất là 2.361.418 tỷ đồng (công ty mẹ là 1.737.803 tỷ đồng), chiếm 63,5% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1.042.470 tỷ đồng (công ty mẹ là 911.350 tỷ đồng), tổng nộp ngân sách nhà nước là 210.430 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2018.
Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế (năng lượng, khai khoáng, viễn thông, hạ tầng giao thông, công nghiệp, hóa chất, nông nghiệp…), bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế; đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia; đóng góp trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, giai đoạn 2016-2020 đối với công ty mẹ – 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng doanh thu đạt 3.821.579 tỷ đồng (bình quân đạt 764.315 tỷ đồng/năm). Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 285.608 tỷ đồng (bình quân đạt 57.121 tỷ đồng/năm). Thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt 347.031 tỷ đồng (bình quân đạt 69.406 tỷ đồng/năm).
Tổng nộp ngân sách của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban bình quân năm giai đoạn 2016-2020 duy trì tỉ trọng gần 15% tổng thu ngân sách nhà nước.
Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình hoạt động, nhưng các tập đoàn, tổng công ty đã duy trì liên tục hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của Công ty mẹ – 19 tập đoàn, tổng công ty là: Tổng doanh thu đạt 99% kế hoạch (821.295 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2020). Tổng lợi nhuận trước thuế vượt 70% kế hoạch (34.179 tỷ đồng, bằng 93% so với năm 2020). Tổng nộp ngân sách vượt 27% kế hoạch (62.443 tỷ đồng, bằng 99% so với năm 2020).
Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty là 2.399.149 tỷ đồng (công ty mẹ là 1.649.655 tỷ đồng), chiếm 65,3% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước; tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1.081.078 tỷ đồng (công ty mẹ là 942.435 tỷ đồng), chiếm gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước. Tổng vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty là 1.040.043 tỷ đồng.
Với vai trò là những DNNN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các doanh nghiệp thuộc Ủy ban đã cung cấp nhiều sản phẩm cho kinh tế vĩ mô và có nhiều đóng góp trong việc bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
Ủy ban đã xây dựng phương hướng phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trong năm 2022 và giai đoạn 2022-2025. Trong đó, tập trung đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp, căn cứ Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” để xây dựng Đề án cơ cấu lại từng tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2021-2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện.
Thực hiện quyết liệt Đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng nội dung, kế hoạch, tiến độ và quy định của pháp luật. Xử lý dứt điểm dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả; tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, triệt để tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường.
Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính, công nghệ và quản trị tham gia mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để cơ cấu lại và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Thực hiện nghiêm túc, khẩn trương và minh bạch việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và các quy định có liên quan.
Để tạo điều kiện cho DNNN nói chung và các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và thúc đẩy hoạt động đầu tư giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan xem xét thực hiện triệt để hơn việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước cả về thể chế và tổ chức, bộ máy theo hướng Nhà nước quản lý theo mục tiêu (giao mục tiêu, kế hoạch cho doanh nghiệp), tăng tính chủ động, tự quyết của doanh nghiệp, giảm bớt việc can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, phân cấp mạnh hơn cho doanh nghiệp trong việc quyết định một số công việc thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển để nâng cao tính chủ động, linh hoạt và kịp thời thích ứng với cơ chế thị trường. Đồng thời đề cao trách nhiệm của người đại diện trực tiếp phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Ủy ban – Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tập trung vào định hướng chiến lược; điều phối hợp lý, hiệu quả các nguồn lực nhà nước; chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị-xã hội và thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN; bảo đảm đúng quy định của pháp luật và mục tiêu, định hướng đề ra; hạn chế việc phê duyệt, cho ý kiến, chỉ đạo đối với những công việc sản xuất kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp, vừa làm mất thêm thời gian trong thực hiện các thủ tục hành chính, vừa hạn chế tính chủ động, linh hoạt và trách nhiệm của người quản lý trực tiếp phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hạn chế quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.
Nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách riêng để thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp quy mô lớn trong giai đoạn tới, trong đó có trình tự, thủ tục, tiêu chí nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính, công nghệ và quản trị tham gia để cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp. Nghiên cứu hình thành các DNNN quy mô lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế và khu vực.
Ủy ban cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm tổng hợp ý kiến của các cơ quan, xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; các bộ, ngành có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật còn bất cập hoặc chưa rõ ràng, đồng bộ. Nghiên cứu ban hành cơ chế tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp nhà nước và giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác, tạo ra các chuỗi liên kết, cung ứng ổn định trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài.
Ủy ban cũng đề nghị cần nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách tuyển chọn lãnh đạo quản lý doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh việc tuyển dụng thông qua thi tuyển công khai, minh bạch; cơ chế tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cho phép doanh nghiệp tự quyết định.
Về một số giải pháp, kiến nghị cụ thể thúc đẩy hoạt động đầu tư giai đoạn 2021-2025, phát huy nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty tham gia vào phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, tham gia các dự án lớn của Nhà nước, Uỷ ban cho biết sẽ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty tập trung thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng cao nhất đối với các dự án đầu tư đang được triển khai hoặc có kế hoạch triển khai, đặc biệt là những Dự án trọng điểm như: Xây dựng cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; Nâng cấp, mở rộng cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; Xây dựng Cảng biển nước sâu Lạch Huyện; Chuỗi dự án khí – điện Lô B và Cá Voi Xanh; Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các dự án xây dựng nhà máy điện, lưới điện.
Tại hội nghị, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế cụ thể để có thể nhanh chóng, thuận lợi trong việc sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cho các mục đích chi đầu tư phát triển, hạn chế việc chỉ sử dụng cho chi thường xuyên của ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017.
Nghiên cứu hình thành Quỹ đầu tư phát triển tập trung (thuộc Chính phủ và giao Ủy ban quản lý) phục vụ cho các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Trình tự, thủ tục, nội dung thực hiện các dự án đầu tư từ Quỹ này này theo quy định pháp luật đầu tư, xây dựng, phân công, phân cấp của Chính phủ, không coi là dự án đầu tư công.
Ủy ban cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan sớm ban hành cơ chế chính sách để DNNN tiếp cận được tối đa nguồn vốn vay từ các định chế, tổ chức tài chính quốc tế cho các lĩnh vực dự án ưu tiên (nguồn điện, dầu khí, đường sắt…) do vướng quy định trần hạn mức tín dụng đối với nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại trong nước, quy định về bảo lãnh Chính phủ.
Phân cấp mạnh hơn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quyết định tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp để kịp thời bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, hạn chế tỉ lệ vốn đầu tư vay tín dụng lớn, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Đối với các dự án có quy mô vốn rất lớn, quan trọng, có liên quan đến nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật của nhiều tập đoàn, tổng công ty; nghiên cứu cơ chế hợp vốn, hợp tác đầu tư phù hợp với nguồn lực, kinh nghiệm, thế mạnh của từng tập đoàn, tổng công ty; qua đó, nâng cao tính đồng bộ, thông suốt, tối đa hóa hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư dự án.
Về thủ tục đầu tư, Ủy ban đề nghị thống nhất quy định về thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước tại Luật Đầu tư với thủ tục phê duyệt dự án đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để rút gọn, tránh chồng chéo thù tục đầu tư dự án của DNNN.
theo cmsc.gov.vn
Related posts:
- Thêm công cụ bảo vệ quyền lợi người lao động
- Đầu tư phát triển Tập đoàn kinh tế công nông nghiệp có quy mô lớn
- Cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh và dấu ấn ở đồn điền cao su Lộc Ninh
- Cần cơ chế, chính sách giúp ngành cao su phát triển hiệu quả, bền vững
- Tri ân các "chiến sỹ áo trắng" ngành cao su
- Tự hào 85 năm truyền thống ngành cao su
- Công ty 75 trao 2 nhà “Mái ấm công đoàn”
- Đ/c Hồ Cường tái đắc cử Bí thư Đảng ủy Cao su Đồng Phú
- Xây dựng kịch bản cụ thể, ổn định sản xuất, việc làm, đời sống người lao động
- Cao su Sa Thầy ghi danh vào Câu lạc bộ 2 tấn của VRG