Ngoài Tạp chí Cao su VN là tờ báo chính thống, phát hành rộng rãi trong ngành, tại các đơn vị còn có các bản tin, các đài truyền thanh nội bộ do tổ chức đoàn thể thực hiện, có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền đến người lao động trong đơn vị mình.
Đài truyền thanh Cao su Dầu Tiếng: Nơi tuyên truyền và chuyển tải tiếng nói CNVC – LĐ công ty
“Đài truyền thanh Cao su Dầu Tiếng xin kính chào các đồng chí và các bạn” – câu giới thiệu và nhạc hiệu réo rắt đi kèm, từ lâu đã trở thành âm thanh quen thuộc với người dân và công nhân cao su trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng. Đài trực thuộc sự quản lý của Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Anh Trần Việt Quang – nhân viên Ban Tuyên giáo CĐ công ty, người trực tiếp phụ trách thực hiện các chương trình phát thanh của Đài, cho biết Đài phát thanh mỗi ngày 3 buổi: sáng từ 6h30 đến 7h; trưa lúc 11h30 đến 12h và chiều 16h30 đến 17h. Hiện tại, Đài phát ở 4 cụm với 12 loa, phạm vi đường dây 3km, tập trung chủ yếu ở trung tâm thị trấn Dầu Tiếng.
Để thực hiện chương trình phát thanh mỗi ngày, anh Quang là người có trách nhiệm viết tin bài, tiếp nhận và biên tập tin bài của cộng tác viên (CTV), đồng thời sưu tầm thêm những thông tin cần thiết từ nhiều nguồn khác nhau. “Nội dung phát thanh khá phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt hoạt động của công ty, của ngành, từ hoạt động sản xuất kinh doanh; chăm lo đời sống người lao động; văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; tuyên truyền những chủ trương, chính sách, bộ luật mới. Vào những dịp đặc biệt, có những sự kiện lớn như Đại hội Đảng, Đại hội Công đoàn, Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ… thì tổ chức thực hiện chuyên đề nhằm tuyên truyền sâu rộng hơn”, anh Quang cho biết.
Theo anh Quang, hiện nay Đài truyền thanh công ty có mạng lưới CTV ở 11 nông trường và các nhà máy, xí nghiệp. Mỗi bản tin được sử dụng đều được tính nhuận bút cho CTV. Để bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ này, hằng năm CĐ công ty đều tổ chức những buổi bồi dưỡng nghiệp vụ viết tin bài.
Bên cạnh Đài truyền thanh công ty, CĐ Cao su Dầu Tiếng còn phối hợp với Đài truyền thanh huyện Dầu Tiếng thực hiện chương trình “Tiếng nói công nhân Cao su Dầu Tiếng” phát thanh ở tần số FM 96,5 MHz, thu hút rất đông sự quan tâm theo dõi của công nhân cao su. Trong ê kíp thực hiện chương trình cho Đài, còn có phát thanh viên Nguyễn Thị Diễm Trang – nhân viên Ban Tuyên giáo CĐ công ty. Ngoài ra, chị còn là M.C duyên dáng, một “cây văn nghệ” chủ chốt của Cao su Dầu Tiếng. Chị cho hay, cũng có lúc không kiềm chế được cảm xúc phải bật khóc khi đang thực hiện thu âm. “Đó là lần tôi thực hiện thu âm bài viết từ trang mục “Tâm huyết với ngành” trên Tạp chí Cao su. Tôi nhớ mãi một chi tiết nhắn nhủ trong bài viết rằng trong những lúc khó khăn nhưng đừng bao giờ quay lưng lại với ngành. Đọc đến đây tôi rất xúc động, không kiềm chế cảm xúc và bật khóc. Sau đó, phải thực hiện chương trình thu âm lại từ đầu”, chị Trang chia sẻ.
Bản tin TCT Cao su Đồng Nai: Món ăn tinh thần không thể thiếu của CN cao su
Bản tin nội bộ của TCT CS Đồng Nai xuất bản số đầu tiên vào năm 1982, một tháng ra hai số, in tại Xí nghiệp in Đồng Nai, một số phát hành 2.000 bản tin. Thời điểm đó có Ban Biên tập Bản tin, Ban Tuyên giáo Đảng ủy TCT chịu trách nhiệm về nội dung. Ngoài bốn thành viên chuyên trách làm Bản tin thì lực lượng CTV lên đến 30 – 40 người, CTV chủ yếu là công nhân ở các nông trường.
Anh Nguyễn Tấn Quốc – Phó Ban Tuyên giáo TCT cho biết: “Giống như tờ Tạp chí Cao su Việt Nam, Bản tin TCT Đồng Nai là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với công nhân. Trong giờ giải lao, Bản tin TCT được mọi người chuyền tay nhau đọc. Họ nhìn thấy hình ảnh của đời sống công nhân cao su trong đó và những hoạt động, sự kiện của TCT. Nội dung Bản tin xoay quanh ba chủ đề chính: Phản ánh đời sống và quá trình lao động sản xuất của NLĐ; giới thiệu những thông tin liên quan đến NLĐ; Phản ánh những sự kiện lớn của TCT mà công nhân cần biết”.
Hiện nay, Bản tin không xuất bản định kỳ như trước nữa mà thay vào đó một quý sẽ xuất bản một số. Đồng thời, tùy vào tình hình thực tế của TCT, Bản tin sẽ linh hoạt thời gian xuất bản, ví dụ như trước các sự kiện lớn như Đại hội Công đoàn, Lễ kỷ niệm thành lập TCT và ngày lễ, Tết.
Bình Nguyên – Quỳnh Mai
Related posts:
- Nơi giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ
- 3 trong 1
- “Vang mãi bài ca CN cao su”: Chủ đề Hội thi “Tiếng hát CN cao su” 2015
- Chính quyền thuộc địa và việc trồng cao su ở Đông Dương
- Nhạc sĩ Thế Hiển: Đam mê sáng tác đề tài lính biển
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử - sinh thái (1897 - 1975): CHUYỂN DÒNG
- "Cờ Tổ quốc biên cương" đến với vùng biên giới Bình Phước
- Cao su Sa Thầy: Thăm, động viên giáo viên mầm non
- Độc đáo vườn cây cao su giữa lòng Sài Gòn
- Cao su Chư Sê trao 2.435 suất quà trung thu