“Chữa bệnh” cho sách

CSVN – Hưởng ứng ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ I năm 2022, tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình, Tp. Hồ Chí Minh ngày cuối tuần,  buổi  trò  chuyện  về Kỹ  thuật  phục  chế  sách xưa do các đơn vị Công ty CP Văn hóa Sách Con Mèo Nhỏ và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hán Nôm  Đường  tổ  chức  với sự đồng hành của đơn vị Quán Sách Mùa Thu và Hay Decor.

Một số dụng cụ và thuốc dùng trong việc “chữa bệnh” cho sách
Cải thiện hiện trạng và kéo dài “tuổi thọ” của sách

Được biết, từ thời điểm này tại không  gian  đường  sách  có  thêm gian hàng chuyên sửa chữa, phục chế  và  đóng  sách  nghệ  thuật  – gian hàng Con Mèo Nhỏ. Việc xuất hiện gian hàng đóng sách và phục chế sách xưa là điều thú vị và rất hiếm thấy ở các đường sách, phố sách trong cả nước.

Trong buổi nói chuyện, ông Cao Văn  Hân  –  Người  sáng  lập  Con Mèo Nhỏ cho hay, tại gian hàng phục chế sách xưa khi quý độc giả mang  sách  đến,  các  chuyên  viên ở đây sẽ tìm hiểu tình trạng “sức khỏe”  của  cuốn  sách,  nếu  bị  hư hỏng ít thì sẽ được sửa chữa ngay tại chỗ. Đối với những quyển sách bị  hư  hỏng  nặng  hoặc  cần  đóng sách nghệ thuật sẽ được mang về xưởng tại Nhà Bè để đội ngũ phục chế xử lý chỉnh chu bằng các thiết bị chuyên dụng hơn, cải thiện hiện trạng và kéo dài tuổi thọ của sách hơn.

Ngoài   ra,   với   những   cuốn sách mới, nếu độc giả có nhu cầu thì cuốn sách mới cũng sẽ được khoác lên mình chiếc áo mới đẹp nghệ thuật, tăng thêm phần giá trị và có thể dễ dàng bảo quản lâu dài hơn.

Cũng tại buổi nói chuyện “Kỹ thuật phục chế sách xưa”, anh Bùi Tiến Phúc – Người sáng lập Hán Nôm Đường, cũng là người học chuyên về bảo quản và tu bổ hiện vật chất liệu giấy đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích xoay quanh lĩnh vực này. Anh cho biết, mỗi loại sách cổ, thư tịch Hán Nôm có tuổi đời hàng trăm năm đều có quy trình, cách xử lý khác nhau để có thể “hồi sinh” trở về trạng thái nguyên bản nhất có thể.

Bên cạnh đó, một bộ phận công chúng, đặc biệt là những người có thói quen gìn giữ tủ sách gia đình, những người có tình yêu và sự trân trọng đối với các ấn phẩm xưa và nay, những cuốn sách lâu năm trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử  và dòng thời gian, rơi vào tình trạng hư hỏng, rách nát cần có một nơi có thể an tâm gửi những cuốn sách của họ đến để được chăm sóc, phục chế và đóng bìa kéo dài tuổi thọ cho chúng. Bởi vì sách không chỉ là ấn phẩm đơn thuần cho việc đọc, học hay giải trí mà đôi khi đó còn là kỷ vật chứa đựng giá trị tinh thần quý báu mà không gì so sánh được…

“Viết tiếp” cuộc đời cho những trang sách

Để làm được điều đó, người làm phục chế sách phải có tình yêu và sự trân trọng đối với sách, có sự am hiểu sâu sắc về tài liệu, cuốn sách cần phục chế, các nguyên tắc khoa học về vật lý và hoá học, yêu cầu “điều trị” với những chất liệu chuyên biệt. Những cuốn sách cần được tiếp thêm sinh lực để có một cuộc đời mới nhờ vào bàn tay của những người “bác sĩ” sách lành nghề, đầy tâm huyết.

Xuất phát từ tâm huyết và sự trân trọng đối với những giá trị ẩn chứa trong từng trang giấy đã tồn tại qua hàng thế kỷ, buổi trò chuyện “Kỹ thuật phục chế sách xưa” đã mang đến cho cộng đồng sự hiểu biết sâu sắc hơn về quy trình “viết tiếp” cuộc đời cho những trang giấy trăm tuổi. Đối với những ai có mong muốn tìm hiểu nghệ thuật phục chế sách xưa – công việc ít người làm tại Việt Nam, thì những chia sẻ về kỹ thuật phục chế cũng như một số dụng cụ và thuốc dùng trong việc “chữa bệnh” cho sách: các loại thước, dao, kéo, chỉ may sách, vải bọc bìa, màu bột, màu khoáng… được trưng bày tại đường sách có thể mở ra cho mọi người thêm sự lựa chọn nghiêm túc. Những ngóc ngách đầy thú vị, hấp dẫn của nghề chuyên “chữa bệnh” cho sách đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung tuyệt đối, tinh thần trách nhiệm, khoa học trong từng thao tác – Nghề phục chế sách xưa.

THIÊN BÌNH