Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử – sinh thái (1897 – 1975): CHUYỂN DÒNG

(tiếp theo kỳ trước)

CSVN – Đồng Nai là một trong những tỉnh rộng nhất nước và có thổ nhưỡng phù hợp để trồng những cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày trên diện rộng, bao gồm những cây có giá trị chiến lược của nền nông nghiệp nhiệt đới (Tổng Bí thư Lê Duẩn, 1977)

Cao su tự nhiên và cao su tổng hợp

Năm 2001, tướng Trần Tử Bình (1907 – 1967) nổi tiếng vì vai trò của mình trong phong trào công nhân cao su ở đồn điền Phú Riềng năm 1930, được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh vì sự phục vụ của ông cho dân tộc. Sáu năm sau, vào năm 2007, Nhà xuất bản Lao động tái bản quyển hồi ký nổi tiếng của tướng Trần Tử Bình – Phú Riềng Đỏ, cuốn sách được chuyển ngữ sang tiếng Anh với tựa đề The Red Earth. Việc vinh danh tướng Trần Tử Bình đại diện cho cách thức mà những trải nghiệm về đồn điền cao su thời thuộc địa còn lưu giữ trong ký ức của người Việt. Đó là ký ức về nỗi thống khổ mà công nhân cao su phải chịu đựng dưới ách thống trị của người Pháp, ca ngợi cuộc đấu tranh oai hùng của Đảng Cộng sản khi tổ chức các cuộc nổi dậy của công nhân – vốn trực tiếp đưa đến sự trỗi dậy của Việt Nam như một quốc gia xã hội chủ nghĩa, độc lập vào mùa thu năm 1945.

Những năm 2000, Việt Nam trải qua hơn một thập kỷ thực hiện chính sách đổi mới. Các đồn điền cao su nhường bước cho những khu công nghiệp dành cho các công ty đa quốc gia như Fujitsu hay Nike. Tuy vậy, khi các đồn điền cao su nhường bước cho những khu công nghiệp ký ức về đồn điền cao su và những năm tháng thuộc địa vẫn còn đó. Thời điểm sau năm 1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính quốc gia của các cây công nghiệp, trong đó có cao su.

Trong điều kiện khó khăn sau năm 1975, chuyên môn của những nhân công hoạt động dưới thời Pháp và Mỹ bị phí phạm… Như những cựu công nhân ngành cao su đã chỉ ra, nhiều kỹ thuật chăm sóc cây trồng chỉ có thể học được thông qua quan sát và thực hành. Thiếu công nhân có tay nghề, nền công nghiệp này gần như phải gầy dựng lại từ đầu.

Vào thập niên 1980, một loạt sách lịch sử phác họa sự đóng góp anh hùng của công nhân cao su cho phong trào đấu tranh bắt đầu xuất hiện… Sau khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc, ông Lê Sắc Nghi trở thành TGĐ Công ty Cao su Đồng Nai, ông Đặng Văn Vinh làm giám đốc, ông Nguyễn Hữu Chất làm Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam.… Sau năm 1975, ông Đặng Văn Vinh có vai trò quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế, và dưới sự lãnh đạo của ông, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam giúp tái lập quan hệ hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á khác có ngành cao su đang phát triển.

Năm 1980, ông Chất viết thư thuyết phục Nhà nước để Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đóng góp 10.000 USD cho Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế vào thời điểm trao đổi ngoại tệ hiếm khi được chấp thuận. Mặc dù ngành công nghiệp cao su từng bị thực dân chiếm đoạt, nhưng khi bước sang thế kỷ 21, ngành công nghiệp này đã dần hồi phục sau thời kỳ đình trệ sau năm 1975 để trở thành một lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế ở miền Nam Việt Nam nhờ những đổi mới sau năm 1975. Câu chuyện về thành công của đồn điền cao su gần đây nhấn mạnh vào việc cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn nhờ có giai cấp công nhân dẫn dắt cũng như nhờ có vai trò của Đảng trong việc quản lý khéo léo ngành công nghiệp này.

Những năm đầu thế kỷ 21, sự hiện diện của người Pháp đã được đánh giá khách quan hơn đôi chút. Ví dụ như nhà lịch sử kinh tế Đặng Phong lý luận rằng các ngành khoa học, cả tự nhiên lẫn xã hội, đều là những lĩnh vực người Pháp đôi khi thể hiện “tinh thần khách quan” và “tính nhân bản”. Ông cũng bàn luận về hạn chế đều là những lĩnh vực mà người Pháp đôi khi thể hiện “tinh thần các dự án hướng đến việc gia tăng sức ảnh hưởng của nông nghiệp, và cho rằng những dự án này thất bại do: (a) người dân thiếu vốn,

(b) phương thức truyền thống cũng như tính bảo thủ của nông dân, (c) bản thân các nhà khoa học người Pháp, dù có thiện chí và tấm lòng, cũng không thể đem đến lợi ích vì họ vẫn là người ngoài, vẫn có phân tầng thứ bậc, “không hội nhập vào đời sống cộng đồng của nông thôn Việt Nam”. Vì vậy, mặc dù sản lượng tăng trưởng vượt bậc dưới thời Pháp, song điều kiện sống của người nông dân cũng chẳng được cải thiện bao nhiêu.

Vào thời thuộc địa, ở Pháp, các đồn điền thường có hấp lực văn hóa tích cực, quan điểm này vẫn được thúc đẩy trong một số các lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn như công ty Michelin, từng sở hữu các đồn điền lớn, vẫn tiếp tục tài trợ cho những tác phẩm như Des hévéas et des hommes: L’aventure des plantations Michelin, vốn cho rằng đồn điền cao su là nơi để thám hiểm. Thậm chí trong những tiểu thuyết phức tạp hơn như Sud Lointain (tựa đề tiếng Anh: Distant Skies hay The Distant South) của Erwan Bergot hay LExposition coloniale của Erik Orsenna (tựa đề tiếng Anh: Colonial exposition), các đồn điền thường được mô tả là những nơi nguy hiểm nhưng cũng đầy cơ hội cho những thanh niên người Pháp đến đây tìm kiếm vận may.

HÀ KHUÊ

(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)

(Xem tiếp kỳ sau)