CSVN – Trong không khí phấn khởi của mùa xuân mới, Làng CN Cao su Tân Hưng như khoác thêm áo mới với những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của đồng bào H’Mông.
Tết là dịp mọi người mong đợi được đoàn tụ với gia đình và người thân. Cùng chung niềm khát khao ấy, song nhiều công nhân đồng bào dân tộc thiểu số ở Nông trường Tân Hưng, Công ty CPCS Đồng Phú quyết định ở lại đón Tết và chủ động đi cạo mủ sớm để bảo đảm sản lượng năm sau. Bởi vì họ xác định: nông trường đã tạo việc làm và chăm lo tốt đời sống cho gia đình, mình phải có trách nhiệm chung tay cùng đơn vị tháo gỡ khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Điểm sáng” giữa rừng cao su
NT Tân Hưng được thành lập ngày 4/8/2005. Do đặc thù ở vùng sâu vùng xa, lực lượng lao động chủ yếu là người dân tộc thiểu số đến từ các địa phương khác, vì vậy để tạo điều kiện cho NLĐ được “an cư lạc nghiệp”, công ty và NT đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, nhà ở cho CN ngay từ lúc những ngày đầu thành lập. “Hiện tại, đã có 2 khu nội trú với tổng cộng 108 căn nhà xây kiên cố cho 312 CN đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, làm việc. Mỗi khu nội trú có một điểm giữ trẻ, giúp CN yên tâm sản xuất. Đơn vị đã xây dựng đầy đủ hệ thống cấp nước sinh hoạt miễn phí, hoàn thiện mạng lưới điện đấu nối với điện lưới quốc gia và hệ thống đường trải nhựa trên toàn bộ các tuyến đường khu nội trú” – ông Nguyễn Văn Tiến – Bí thư Đảng ủy, GĐ NT Tân Hưng, cho biết.
Ngoài ra, Trạm y tế NT với 2 y bác sĩ túc trực chăm sóc sức khỏe cho NLĐ và con em của họ, phối hợp thường xuyên với bệnh viện công ty và trạm y tế cấp xã trên địa bàn, để kịp thời thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe cho CN. Nhằm nâng cao sức khỏe, thể chất, đời sống tinh thần, đơn vị cũng xây dựng các sân bóng chuyền cho CN chơi thể thao vào mỗi buổi chiều sau những ngày làm việc vất vả và khu nhà sinh hoạt tập thể kiên cố cho việc tổ chức các buổi họp và hội nghị, các hoạt động giao lưu VHVN.
Là người trực tiếp chăm lo cho CNLĐ ở Làng CN, ông Nguyễn Hoa Sơn – Chủ tịch Công đoàn NT Tân Hưng, chia sẻ: Ở 2 khu nội trú, NT đều thành lập các tổ liên gia tự quản kịp thời động viên, trao đổi, giúp đỡ nhau lúc khó khăn; góp vốn hỗ trợ phát triển kinh tế… Công đoàn hỗ trợ cây giống cho CN trồng cây ăn quả, tăng gia sản xuất trồng rau xanh và chăn nuôi thêm các loại gia cầm để một phần tăng thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Tết rộn rã trên lô cao su
Sau những ngày làm việc vất vả giữa những đồi cao su, về tới khu nội trú CN như quên đi mọi mệt nhọc, được về với ngôi nhà thân yêu. Nụ cười rạng rỡ, anh Lầu Bá Cở – công nhân khai thác Tổ 3, Liên tổ 1 tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở xã Mường Lóng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mình luôn mong có công việc ổn định.
Tháng 3/2017, nghe chính quyền địa phương thông báo NT về tuyển lao động, dạy nghề và tạo việc làm, mình và vợ quyết tâm vào Bình Phước lập nghiệp. Vì trình độ hạn chế nên mình luôn ý thức học tập tốt và học hỏi từ các anh chị đi trước, vì thế tay nghề ngày càng nâng cao. “Thu nhập bình quân cả năm của mình đạt trên 8,5 triệu đồng/tháng, chưa tính thưởng. Vợ chồng mình là công nhân, được nông trường hỗ trợ nhà ở trong khu nội trú, con nhỏ 4 tuổi được các cô ở điểm giữ trẻ trông nên chúng mình yên tâm lao động, phấn đấu đạt kết quả cao. Tết năm ngoái, vợ chồng mình ở lại đón Tết cùng các anh chị trong nông trường và chủ động đi cạo mủ sớm để bảo đảm sản lượng năm sau. Năm nay, thời tiết diễn biến bất thường, dự kiến Tết này lá cao su chưa rụng nên vợ chồng mình cũng sẽ ở lại Làng CN đón Tết và đi cạo sớm”.
Cũng sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, biên giới, vùng cao thuộc xã Hội Tụ, huyện Kỳ Sơn nên anh Hờ Bá Giờ (sinh năm 1992) luôn xác định muốn cải thiện đời sống phải có công việc ổn định. Nghe lời giới thiệu của bạn bè, năm 2016, anh đưa vợ con vào NT Tân Hưng xin việc. Đến đây, anh được đào tạo nghề miễn phí và nhận vào làm công nhân, được hỗ trợ về nơi ở tại khu nhà nội trú ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng.
Anh Giờ cho biết: Hiện mình là công nhân khai thác của tổ 2, liên tổ 1. Mỗi tháng vợ chồng mình thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng. Từ khi vào làm việc đến nay, mỗi năm vợ chồng mình đều tiết kiệm từ 80 – 100 triệu đồng, gửi về quê phụ giúp cha mẹ sửa chữa nhà ở, mua trâu, bò mở rộng sản xuất. Dịp Tết, ở các khu nội trú, ngoài phần quà do công ty trao tặng, NT còn hỗ trợ kinh phí để các khu mua sắm Tết và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí trước khi đón giao thừa. Trong ngày ra quân đầu năm, lãnh đạo NT trực tiếp đến các tổ sản xuất phát động và mừng tuổi cho CN, nên tụi mình vui lắm!
Là người trực tiếp chăm sóc và trông trẻ tại điểm trường ở khu nội trú ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng, cô Trần Thị Ly chia sẻ: Hầu hết công nhân người dân tộc ở 2 khu nội trú tuổi đời còn rất trẻ, đều đã có gia đình và con nhỏ. Do công nhân phải lên lô từ rất sớm nên các cô phải đón trẻ từ 4 giờ sáng, nhưng cũng đến 5 giờ chiều các bé mới được về. Các bé mới đến đây đều còi xương, suy dinh dưỡng, không chịu ăn thức ăn do các cô chế biến nên phải mất một thời gian dài các bé mới quen. Mỗi ngày các cháu ăn 3 bữa, với dinh dưỡng bảo đảm từ nguồn kinh phí của NT. Hiện hơn 80 cháu đều ăn tốt và rất ngoan.
Trong không khí phấn khởi của mùa xuân mới, Làng CN Cao su Tân Hưng như khoác thêm áo mới với những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của đồng bào H’Mông. Những em bé H’Mông xúng xính chạy nhảy khắp rừng cao su trong tiếng nhạc xuân rộn rã. Làng CN Cao su Tân Hưng là mái nhà thứ hai ấm áp tiếng cười của CN xa xứ.
TUỆ LINH
Related posts:
- Du Xuân ấm áp, tiết kiệm
- Vững tin vượt khó
- Cao su Quảng Nam phấn đấu khai thác trên 2.480 tấn mủ
- Tết Chôl Chnăm Thmây 2019 vui hơn mọi năm
- Ngán ngẩm truyền hình thực tế!
- Ký ức trường mầm non cao su
- Đan Trường trẻ trung ở tuổi 43
- Thực hiện nhiều giải pháp để ổn định lao động
- 3 nhiệm vụ đột phá nâng cao đời sống công nhân, người lao động
- Mãn nhãn với lễ hội hoa Dã Quỳ trên núi lửa Chư Đăng Ya