Đôi giày người thợ cạo

CSVN – Ông bà nội tôi làm công nhân trồng mới, ba mẹ tôi làm công nhân khai thác mủ. Cũng đôi giày đó, mỗi khi đi làm về, là cởi ra bỏ vào góc nhà. Tôi nhìn thấy đôi giày dính đầy mủ cao su, bám đầy bụi đất trông thật gớm ghiếc.
Ảnh: Bùi Thái Dũng
Ảnh: Bùi Thái Dũng

Hồi đó nhà còn rất nghèo. Là trẻ con nhưng tôi và chị gái chẳng có gì chơi như bọn trẻ con bây giờ. Nên thi thoảng tôi lại khều chiếc giày ra chơi đá banh, hai chị em đá qua, đá lại. Thấy vậy, nội tôi la toáng lên…

Tối đến tôi sợ sệt lại ngồi bên ông thỏ thẻ: “Ông ơi sao những đôi giày đó bám đầy bụi đất cả mủ cao su mà ông bà, ba mẹ vẫn đi vậy ông?”. Ông liền xoa đầu tôi bảo: “Cháu còn nhỏ chưa hiểu được đâu. Đôi giày của người thợ cao su là như vậy đó cháu ạ. Nó không như những đôi giày khác luôn được đánh bóng sáng loáng, không được lau chùi hàng ngày nhưng nó lại rất quan trọng đối với người thợ. Khi lớn lên cháu sẽ hiểu”.

Thế rồi ngày tháng trôi qua, ông, bà nội tôi đã nghỉ hưu. Ba mẹ tôi vẫn tiếp tục làm người thợ cạo và đôi giày vẫn là người bạn đồng hành. Lúc đó tôi đã lớn, tiếp nối truyền thống của gia đình và lại làm bạn với đôi giày trên khắp các nẻo đường người thợ cạo.

Nhìn bề ngoài tuy đôi giày xấu xí, nhưng nó quan trọng biết nhường nào đối với công nhân cao su. Nó nâng niu đôi bàn chân, bảo vệ từng bước đi của người thợ trong đêm tối mập mờ, trên lớp đá sỏi nhấp nhô, đường lầy lội, trơn trợt. Và đặc biệt là bảo vệ an toàn đôi chân khi gặp phải rắn, rít, bò cạp…

Đôi giày trở thành người bạn luôn đồng hành cùng với đôi bàn tay rám nắng, và những giọt mồ hôi chát mặn của người lao động. Nó đóng góp một phần không nhỏ vào năng suất lao động, làm ra nhiều sản phẩm cho đất nước, tô đẹp cuộc sống ấm no hạnh phúc của công nhân cao su, hôm qua, hôm nay và mai sau.

NGUYỄN THỊ NHỊ (CAO SU BÌNH LONG)