CSVN – Theo ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT Cao su Đồng Nai, khi xây dựng phương án cổ phần hóa (CPH), TCT đã đề ra những mục tiêu, chiến lược phát triển trên mọi lĩnh vực như đầu tư, thị trường, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực… đồng bộ, nâng cao và đảm bảo phù hợp với hướng đi của đơn vị. Ông cho biết:
CPH là xu thế tất yếu, là chủ trương của Chính phủ, lãnh đạo VRG trong chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Để NLĐ hiểu về quyền lợi, chế độ của NLĐ khi CPH Công ty mẹ – Tập đoàn, TCT đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn triển khai phổ biến chế độ chính sách cho NLĐ khi CPH doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để NLĐ hiểu rõ, hiểu đúng CPH không phải là tư nhân hóa.
Sau CPH thì nhà nước vẫn nắm quyền chi phối, tránh tư tưởng hoang mang về việc làm, đời sống của NLĐ… do đó đã được đông đảo NLĐ hưởng ứng. Cụ thể: TCT đã thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên về việc công khai, tổ chức lấy ý kiến của 5.696 NLĐ có mặt trong toàn TCT về phương án CPH Công ty mẹ – Tập đoàn. Và kết quả, 100% NLĐ thống nhất về phương án sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi của TCT; Thống nhất phương án sử dụng lao động, tính chế độ chính sách cho NLĐ dôi dư; Thống nhất phương án và số lượng đăng ký mua cổ phần ưu đãi và thống nhất phương án CPH Công ty mẹ – Tập đoàn.
– Xin ông cho biết vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện phương án CPH của đơn vị? Theo ông, điều gì là quan trọng nhất để giữ chân NLĐ gắn bó với doanh nghiệp?
TCT có phát triển bền vững hay không là phải dựa vào nền tảng phát triển nguồn nhân lực, thu hút lao động và phải để NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với đơn vị. Do vậy, chúng tôi tập trung quan tâm đến điều kiện ăn, ở, đi lại, làm việc và chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Đây là nhu cầu chính đáng và cũng là động lực để NLĐ gắn bó với TCT.
Trong quá trình thực hiện phương án CPH, các tổ chức đoàn thể TCT đã nhận rõ vai trò, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là tổ chức Công đoàn. Công đoàn TCT đã phối hợp với Ban Tổng giám đốc triển khai, chỉ đạo chủ trương CPH. Các cấp Công đoàn tích cực đồng bộ thực hiện công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến về nội dung CPH đến với NLĐ. Các cấp CĐ tham gia phương án sắp xếp lao động trước, trong và sau CPH.
Cụ thể như: thống kê chính xác số lượng lao động để xác định số lao động được mua cổ phần (CP) ưu đãi. Thống kê số lao động trong diện dôi dư; Tham gia cùng chính quyền giải quyết các chế độ chính sách cho NLĐ đúng với quy định của pháp luật. Kịp thời giải thích những vấn đề NLĐ hiểu chưa rõ về CPH nhằm tạo sự đồng thuận trong NLĐ. Một nhiệm vụ quan trọng khác là vận động CNLĐ mua và giữ CP ưu đãi (có 2967 công nhân mua 5.259.100 cổ phiếu) để đảm bảo lợi ích ổn định, quyền lợi lâu dài. Đồng thời, tham gia cùng chính quyền xây dựng phương án tổ chức SXKD, chăm lo đời sống CNLĐ sau khi CPH.
– Trong phương án CPH, TCT đã xây dựng chiến lược, những mục tiêu chính cho đơn vị mình như thế nào, thưa ông? Định hướng phát triển của TCT nhằm đảm bảo phát triển năng lực chính là ngành nghề các sản phẩm cao su thiên nhiên và đồng thời phát huy các ngành phụ trợ, tận dụng nguồn lực lao động, đất đai… nhằm mở rộng, phát triển TCT theo hướng bền vững, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống cho NLĐ. Vì vậy khi xây dựng phương án CPH, TCT đã đề ra những mục tiêu, chiến lược phát triển trên mọi lĩnh vực như đầu tư, thị trường, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực… đồng bộ, nâng cao và đảm bảo phù hợp với hướng đi của đơn vị. Cụ thể, về thị trường và sản phẩm: Rà soát củng cố thương hiệu các loại sản phẩm nhất là sản phẩm mủ cao su, trong đó chú trọng đến phát triển sản phẩm mủ Latex, vì đây là thế mạnh của TCT. Ưu tiên chế biến chủng loại sản phẩm có giá bán cao và thị trường cần để tăng doanh thu và khối lượng tiêu thụ. Ổn định chất lượng để giữ uy tín và phát triển thương hiệu, tiếp tục xây dựng và áp dụng chứng chỉ ISO 9001, ISO 14001. Giữ vững các khách hàng và thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới và sản phẩm mới như SVR 5S. Tiếp tục mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Tăng cường tổ chức thu mua mủ tiểu điền ở các vùng lân cận và các tỉnh như Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu để tận dụng tối đa công suất chế biến tại các nhà máy. Rà soát đầu tư để nâng công suất ở các công ty con, công ty liên kết có sản xuất hàng hóa từ nguồn nguyên liệu mủ, gỗ củi cao su … để đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm cạnh tranh trên thị trường.
Về đầu tư: Kêu gọi hợp tác đầu tư ở các lĩnh vực như chế biến gỗ, các sản phẩm công nghiệp từ nguyên liệu mủ cao su, các sản phẩm nông nghiệp khác thu hoạch được trong quá trình trồng xen cây ngắn, dài ngày trong vườn cây cao su kiến thiết cơ bản nhằm tăng thêm hiệu quả sử dụng đất.
Thực hiện chương trình đầu tư đổi mới vườn cây, đẩy nhanh tiến độ thanh lý tái canh trồng mới vườn cây già cỗi năng suất thấp để có vườn cây trẻ, giống mới phù hợp thổ nhưỡng. Điều chỉnh giảm suất đầu tư trồng mới và chăm sóc kiến thiết cơ bản bằng các biện pháp: tăng cường cơ giới hóa và hóa học để giảm nhân công, giảm phân bón, kết hợp trồng xen trong vườn cây cao su kiến thiết cơ bản với giống cây phù hợp để cây cao su phát triển theo qui trình và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và hiệu quả của các công ty con, công ty liên kết trong ngành chính: chế biến gỗ cao su, chỉ sợi từ nguyên liệu cao su, đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên đất cao su.
Thực hiện thoái vốn với lộ trình và thời gian thích hợp. Về danh mục đầu tư với lộ trình thoái vốn: giảm 13 đầu mối đầu tư gồm 5 công ty liên kết và 8 danh mục đầu tư dài hạn; còn lại 8 công ty con, 4 công ty liên kết và 1 danh mục đầu tư dài hạn tập trung ngành nghề chính.
Về quản trị doanh nghiệp: Tăng cường quản trị doanh nghiệp về chiến lược kinh doanh và phát triển để sát với thị trường. Khẳng định uy tín thương hiệu doanh nghiệp thông qua chất lượng sản phẩm, phong cách làm việc..
.để người dùng tin tưởng lựa chọn sản phẩm tiêu thụ. Tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động, nâng cao sản lượng vườn cây và chất lượng sản phẩm.
Về nguồn nhân lực: Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị cho đội ngũ CBCNV. Tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ tay nghề cho nhân viên nghiệp vụ và NLĐ. Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của đơn vị, vì vậy TCT rất quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất và thực hiện đúng chế độ chính sách cho NLĐ để thu nhập của NLĐ ngày càng cao, đáp ứng đời sống, yên tâm gắn bó với đơn vị.
Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Mai (thực hiện)
Related posts:
- TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận được vinh danh trong chương trình "Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi m...
- Công nhân phải xem trọng cây cao su
- Cao su Bà Rịa - Kampong Thom trao thưởng danh hiệu kiện tướng cho người lao động
- Hơn 500 CN Cao su Sơn La tham gia lớp học khai thác mủ
- Cao su Chư Prông: Lần đầu tiên về đích sớm 20 ngày
- Nghệ An tháo gỡ khó khăn cho cây cao su
- Hội thi Bàn tay vàng Cao su Chư Mom Ray: Hấp dẫn giải thưởng bằng hiện vật
- Chăm sóc tốt vườn cây, hoàn thành kế hoạch khai thác mủ
- Kết nối nông nghiệp Việt Nam - Trung Quốc
- Khắc phục khó khăn, tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm vượt kế hoạch