CSVN – Tạp chí Cao su VN đang thực hiện phóng sự “Trở lại với nghề”, phản ánh hiện tượng: Một bộ phận công nhân (CN) cao su sau khi nghỉ việc, nay đang tìm cách trở lại với nghề, bởi lý do: Không xa được vườn cây.
Hiện tượng này nói lên điều gì?
Đối với những CN cao su chuyển qua làm CN tại các khu công nghiệp (KCN), đã “vỡ mộng”. Tính chất công việc khác hẳn, kỷ luật lao động gắt gao, cường độ và áp lực công việc nặng nề. Trong khi đó, thu nhập và các chế độ chính sách khác không như mong tưởng và chưa hẳn tốt hơn CN cao su, đã khiến nhiều “cựu” CN cao su thất vọng, chán nản… Đó là bộc bạch rất chân tình của những người trong cuộc với PV Tạp chí Cao su VN.
Đối với một số người nghỉ làm CN để về làm nghề tự do, số tiền trợ cấp nghỉ việc nhận được sau một thời gian dùng vào làm kinh tế gia đình hoặc buôn bán không hiệu quả, cũng đã vơi dần và cạn kiệt. Không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, không ít người rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn. Thế là, không ít người thấy hối tiếc khi đã bỏ nghề, bỏ ngành. Họ nhớ vườn cây, nhớ nhà máy, nhớ đồng nghiệp, nhớ những buổi sinh hoạt tập thể quyện tình gia đình; Nhớ những hoạt động văn thể mà họ không thể tìm thấy khi làm việc tại các KCN…
Ngành cao su là vậy. Không hào nhoáng mà rất thực chất. CN cao su là thế. Không ồn ào nhưng sâu nặng nghĩa tình. Bởi vậy mà trong dòng chảy 88 năm truyền thống của ngành, dẫu trải qua biết bao thăng trầm thì ngành cao su vẫn vững vàng đi lên và có rất nhiều gia đình có 4 – 5 thế hệ gắn bó với ngành, thủy chung với nghề. Giá trị truyền thống đó không phải ngành nào, nghề nào cũng có được.
Với những người đã xa ngành, có thể nói họ thôi việc chứ chưa thể bỏ nghề. Tiếc và nhớ. Lý trí mách bảo và con tim thôi thúc, một bộ phận đã tìm cách trở lại với nghề.
Những năm qua, hiện tượng CN nghỉ việc do giá cao su xuống thấp khiến doanh nghiệp cao su gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả các chế độ chính sách và bố trí lao động. Nhưng khi những CN này muốn trở lại, họ không bị quay lưng mà được công ty, đồng nghiệp giang tay đón nhận. Bởi với những người đang trong độ tuổi lao động, có kinh nghiệm, trình độ tay nghề cao… là nguồn lực rất quý giá để tiếp nhận và sử dụng. Trong việc này, ngoài cái lý, hẳn cũng có cái tình.
Đối với những người vừa xin trở lại với nghề, rõ ràng họ đã trải qua kỳ “sát hạch” đáng giá về tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”. Họ cần được cảm thông và tạo điều kiện để trở lại với công việc, yên tâm gắn bó với nghề, với ngành.
Về phía các công ty, cũng rút ra kinh nghiệm sâu sắc về công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, động viên tinh thần CNLĐ. Khi hiểu rõ về môi trường và điều kiện làm việc, về các chế độ chính sách, về thu nhập, đời sống… của CN cao su, của ngành cao su so với các ngành nghề khác (cụ thể là với các KCN), NLĐ sẽ có sự nhìn nhận, đánh giá một cách chính xác công việc mình đang làm để không còn tư tưởng “nhảy việc”.
Phú Vinh
Related posts:
- "Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp sản xuất"
- Đổ xô trồng chanh dây: Nông dân đang "đu dây"
- 95 năm tỏa sáng cùng non sông đất nước
- Tinh thần Phú Riềng Đỏ là động lực để vượt qua khó khăn
- Nâng cao ý thức phòng chống để bình an trước đại dịch
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ thực vật
- Nông nghiệp và 3 thách thức lớn
- Cần quyết tâm và nỗ lực vượt lên chính mình
- Cần những phương án, kịch bản chủ động
- Trong gian khó, có niềm tin!