Về việc người dân chặt cao su: Cần nhìn đúng bản chất sự việc

 

Theo báo cáo của các Sở NN – PTNT, đến tháng 6/2014, diện tích cao su chuyển đổi, thanh lý là 3.856,6 ha trên địa bàn 7 tỉnh.

Trong 3.856,6 ha cao su cưa đốn, có 1.793,2 ha là cây già cỗi đến giai đoạn thanh lý, người dân tranh thủ tái canh bằng giống mới năng suất cao để đón đầu khi giá phục hồi; khoảng 1.030 ha của Cty TNHH Hòa Lâm (Bà Rịa – Vũng Tàu) thanh lý vì gãy đổ do bão năm 2012 không phục hồi được. Còn lại chỉ có 388,2 ha đang ở giai đoạn 3-4 tuổi, chưa thu hoạch mủ, trước đây được trồng trên đất thấp trũng, không phù hợp với cây cao su, chăm sóc kém hoặc trên đất dốc, xấu, cây sinh trưởng kém và không đồng đều, người dân phá bỏ để trồng cây khác phù hợp hơn. Ngoài ra, có 345,2 ha đang trong thời kỳ cạo mủ nhưng là vườn cà phê, hồ tiêu được dân xen cây cao su vào thời kỳ giá cao để bổ sung thu nhập, nay giá cao su thấp, cây trồng chính là cà phê, hồ tiêu lại cần thông thoáng, do vậy người dân cưa đốn cao su.

Tỉnh Quảng Trị có 300 ha sau cơn bão số 10 năm 2013 khó có khả năng phục hồi nên nông dân chuyển sang trồng tiêu. Tại các tỉnh khác, chưa có hiện tượng vườn cao su bị chuyển sang trồng cây khác.

Theo Cục Trồng trọt, đã có một số diện tích cao su bị thanh lý, chuyển đổi tự phát do giá xuống thấp, nhưng hầu hết là vườn cao su già cỗi, không phục hồi được do bão (3.123 ha), còn diện tích cao su kiến thiết cơ bản hoặc đang khai thác không nhiều, chỉ khoảng 733 ha.

Người dân chặt cao su do sản lượng mủ kém – hệ quả của việc phát triển "nóng" thời kỳ giá cao trước đây.
Người dân chặt cao su do sản lượng mủ kém – hệ quả của việc phát triển “nóng” thời kỳ giá cao trước đây.

Như vậy có thể thấy sau cơn “bão dư luận” về việc chặt phá cao su đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta đã thấy được bản chất của vấn đề. Đó là thông tin chặt cao su do giá xuống thấp chỉ là bề nổi mà báo chí đã “nâng tầm” lên quá cao, để rồi quy trách nhiệm cho rằng đây là hệ quả của việc phát triển cao su ồ ạt, vượt quy hoạch. Nếu chỉ nhìn vào diện tích tổng cộng trên 3.800 ha bị chặt so với tổng diện tích cao su của cả nước trên 955.000 ha thì cũng không thể thấy được sự “ồ ạt, chặt phá hàng loạt” như nhìn nhận của dư luận thông qua các phương tiện truyền thông.

Với 1.793,2 ha cao su già cỗi đến giai đoạn thanh lý, đây là quy trình bình thường của việc trồng, khai thác cao su. Cây cao su có chu kỳ dài ngày từ 25-30 năm, sau khi hết vòng đời khai thác thì việc thanh lý bán gỗ, tái canh với giống mới năng suất cao là việc tất yếu. Đối với VRG, những năm gần đây và sắp tới, mỗi năm thanh lý đến hàng ngàn ha cao su để tái canh, nhất là một số đơn vị lớn ở miền Đông, khi cây cao su trồng vào những năm 80 của thế kỷ trước đã hết chu kỳ khai thác. Ngay cả với những diện tích vườn cây khi bước vào giai đoạn thanh lý, có năng suất kém thì với tình hình giá cả như hiện nay người dân, doanh nghiệp giảm đầu tư phân bón hay thanh lý sớm hơn, để tái canh với giống năng suất mới, hiệu quả hơn cho chu kỳ sau. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược của người trồng cao su. Thời kỳ này là giai đoạn của việc tái cơ cấu vườn cây, tập trung vào năng suất, chất lượng cho chiến lược dài hơi, nhất là sau khi cây cao su bị vắt kiệt sức khi giá cả ở đỉnh cao.

Thật ra ngoài diện tích cao su già cỗi, đến thời điểm thanh lý, tái canh thì cũng có một số diện tích vườn cây kém hiệu quả là hệ quả của việc người dân trồng cao su quá “nóng” những năm trước, khi giá mủ cao su đang ở thời kỳ đỉnh điểm. Người dân đã trồng không đúng điều kiện thổ nhưỡng, đất ruộng sình lầy, ngập úng cũng trồng, để rồi khi đưa vào khai thác, năng suất kém và gặp phải tình hình giá cả như hiện nay thì chặt bỏ cũng là điều dễ hiểu. Đây mới thực sự là hậu quả xấu của một bộ phận người dân với tâm lý nóng vội, chạy theo lợi ích trước mắt, không xem xét thấu đáo với một loại cây công nghiệp dài ngày như cao su. Cũng là hệ quả của tâm lý nóng vội là việc người dân khai thác mủ sớm, khi cây chưa đạt yêu cầu về vòng thân. Về kỹ thuật khai thác cao su, mở miệng cạo càng sớm thì càng về sau năng suất càng kém.

Về việc chặt bỏ cao su non, tại tỉnh Tây Ninh, nơi được cho rằng có diện tích cao su bị chặt lớn nhất, chỉ có 218 ha cao su non dưới 5 tuổi là bị chặt để chuyển sang trồng cây khác. Nguyên nhân là trong thời điểm hiện tại, thay vì bỏ vốn, đầu tư chi phí chăm sóc cao su KTCB với 3-4 năm sau mới khai thác, người dân thấy trồng các loại cây trồng ngắn ngày hiệu quả hơn. Nhất là trồng mì hiện nay đang có giá ổn định. Rõ ràng trồng cao su chưa lỗ, nhưng mức lãi thấp hơn nhiều so với việc trồng mì nên người ta thanh lý cao su già, hoặc chặt bỏ bớt cao su non để trồng mì cũng là một kiểu lấy ngắn nuôi dài. Đây cũng là cách làm nông nghiệp nhạy bén theo giá cả thị trường của người nông dân.

Về đầu tư trồng cao su, cũng có một bộ phận người dân vào thời kỳ “nóng” đã vay ngân hàng mở rộng diện tích, đầu tư quy mô. Nay giá thấp cùng với chi phí vật tư, phân bón, thuê mướn nhân công cao thì lợi nhuận thu được không đủ bù chi phí, trả lãi vay ngân hàng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên đây chắc hẳn là những vườn cây có năng suất không cao do không chăm sóc, khai thác đúng quy trình kỹ thuật, trồng không đúng thổ nhưỡng. Bởi với vườn cây năng suất xấp xỉ 2 tấn/ha trở lên như ở các doanh nghiệp Nhà nước với đủ thứ chi phí quản lý, giá thành cao nhiều hơn hẳn cao su tiểu điền, cao su tư nhân nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận từ 3-5 triệu đồng/ tấn trong thời điểm hiện nay. Nếu so sánh việc quản lý một doanh nghiệp Nhà nước quy mô chục ngàn ha, hàng ngàn công nhân với một hộ cao su tiểu điền có diện tích vài ha, tự lấy công khai thác làm lời thì người dân không thể nào không có lợi nhuận. Theo một hộ cao su tiểu điền thì với giá thành sản xuất khoảng 20.000- 25.000 đồng/ kg mủ qui khô và các đại lý thu mua mủ là 27.000- 28.000 đồng/kg như hiện nay thì người trồng cao su vẫn còn lãi bình quân khoảng 5.000 đồng/ kg. Nói vậy để khẳng định trồng cao su không hề lỗ như một số nhận định vừa qua. Chỉ có thể nói lỗ do trồng không đúng, quản lý không hiệu quả, đầu tư không đúng chiến lược.

Còn nói về tâm lý chung của người nông dân, dù có lo lắng khi giá cao su thấp ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập nhưng bởi đã quen việc “sống chung với lũ” của ngành nông nghiệp hiện nay: tất cả phụ thuộc vào giá cả thị trường, họ đã chủ động có những giải pháp đối phó. Bắt đầu từ việc cạo cầm chừng, rồi dừng cạo, tập trung dưỡng cây chờ ngày giá phục hồi. Song song đó là ép tán, rong cành, trồng xen canh cây ngắn ngày, chăn nuôi… kiếm thêm thu nhập.

Cao su không phải là loại cây trồng mới, đây cũng chưa phải là thời điểm giá cao su giảm thấp nhất, người trồng cao su đã có kinh nghiệm đối phó với giá cả thị trường với lợi thế một loại cây công nghiệp dài ngày. Và việc chặt cây cao su vừa qua không thể gọi là “một bài học” trong chiến lược phát triển cây cao su.

Nguyên Khánh