Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ thực vật

CSVN – Để vườn cây có năng suất cao, chất lượng tốt, bên cạnh công tác giống, chăm sóc và khai thác đúng quy trình kỹ thuật thì các đơn vị cần đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ thực vật.

Kiểm tra bệnh phấn trắng ở vườn cây Cao su Kon Tum. Ảnh: Văn Vĩnh

Cây cao su có nhiều loại bệnh hại gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, năng suất. Bảo vệ thực vật là bảo vệ sức khỏe cây trồng, cây khỏe thì mới có thể sinh trưởng và cho năng suất cao. Từ thực tế phòng trị bệnh phấn trắng của các đơn vị trong ngành cho thấy, vườn cây có bộ lá tốt giúp cây tăng khả năng chống chịu với điều kiện môi trường bất lợi và các loại bệnh lá khác. Những vườn cây được phòng trị bệnh đạt hiệu quả cao có bộ lá tốt, ổn định từ sớm và duy trì suốt cả năm, đặc biệt là thời điểm rụng lá qua đông chậm hơn so với không phòng trị từ 20 – 30 ngày, điều này rất có ý nghĩa trong thu hoạch mủ ở thời điểm cuối năm và quý I hàng năm. Bộ lá tốt đồng nghĩa với tuổi sinh lý của lá được kéo dài, hoạt động biến dưỡng tốt giúp duy trì chất lượng vườn cây.

Trong những năm gầy đây, VRG đã có những hướng dẫn và hỗ trợ tích cực cho các đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công tác bảo vệ thực vật. So với trước đây, công tác bảo vệ thực vật hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về mặt chủ trương, chính sách, giải pháp và nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác này đã đem lại hiệu quả tích cực.

TS. Nguyễn Đôn Hiệu – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cho biết: “Nghiên cứu, cải tiến khoa học kỹ thuật giữ vai trò then chốt thúc đẩy phát triển trong tất cả các lĩnh vực. Trong nông nghiệp nói chung, trong công tác bảo vệ thực vật nói riêng việc nghiên cứu, cải tiến khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng vườn cây, giải phóng sức lao động thủ công, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Riêng đối với công tác phòng trị bệnh phấn trắng, nhờ nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã giúp hoàn thiện dần quy trình phòng trị bệnh, tăng hiệu quả kỹ thuật và giảm thiểu chi phí đầu tư. Do đó, các đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ thực vật”.

MINH NHIÊN