CSVN – Có lần ông Phan Sỹ Bình – Nguyên TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông nói với chúng tôi rằng: “Ở địa bàn chiến lược như Chư Prông, việc đưa đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào ở vùng biên giới vào làm CN là hết sức cần thiết và đúng đắn”.
Lao động đồng bào dân tộc chiếm gần 50%
Trong lịch sử phát triển của công ty 40 năm qua, việc tuyển dụng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được công ty chú trọng. Ngay từ năm 1984, công ty đã tuyển hàng trăm lao động là người dân tộc Jrai ở các xã Ia Boòng, Ia Me, Ia Tô, Ia Băng. Lực lượng lao động này cứ tăng dần theo diện tích trồng mới cao su, theo sự lớn mạnh của công ty, nhất là vào năm 2009 khi công ty phát triển cây cao su trên vùng biên giới tại xã Ia Mơr, thành lập 2 NT An Biên và An Phú, tiếp giáp với biên giới Campuchia.
Đến nay, lao động người dân tộc thiểu số ở Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông đã lên trên 1.200 người trên tổng số 2.556 lao động, chiếm gần 50%. Để công tác phát triển cây cao su trên vùng biên giới được thuận lợi, công ty và CĐCS Chư Prông đã nhiều lần vào tận các bản làng xa xôi, hẻo lánh của xã Ia Mơr để vận động bà con đi làm CN cao su. Việc thay đổi tập quán sinh hoạt của bà con hết sức khó khăn, do đồng bào nơi biên giới vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu, chưa quen với cách làm việc theo tác phong công nghiệp và tính cộng đồng còn rất cao, văn hóa và ngôn ngữ khác lạ.
Chủ tịch CĐ công ty Lương Văn Quý cho hay, để thay đổi nhận thức, tư tưởng của bà con là cả một quá trình dài chứ không chỉ ngày một ngày hai. Chính vì thế, CĐ công ty thường xuyên vào các buôn làng cùng với già làng vận động bà con bằng nhiều hình thức, trong đó có việc tổ chức giao lưu văn nghệ – TDTT, tổ chức lễ hội cồng chiêng hay hỗ trợ hạt giống cho bà con khi mùa giáp hạt đến, tặng gạo, quần áo, chăn màn và các nhu yếu phẩm khác từ đó từng bước làm thay đổi nhận thức để bà con vào làm CN cao su.
Đời sống công nhân ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững
Ở địa bàn chiến lược và đặc thù lại là đơn vị sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, Ban TGĐ, CĐ công ty cũng như các tổ chức đoàn thể khác hết sức chú trọng đến đời sống của bà con, người CN nơi biên giới. Vì thế, công ty luôn xác định phát triển cây cao su, phát triển kinh tế gắn liền với việc giữ vững an ninh quốc phòng, đảm bảo đời sống cho người lao động nhất là CN người dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới.
Công ty đề ra phương châm “Công ty gắn với huyện, nông trường gắn với xã, đội sản xuất gắn với bản làng” để có sự hỗ trợ qua lại nhằm giúp đỡ lẫn nhau trong việc giải quyết công ăn việc làm, tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn, nhất là việc cùng với địa phương từng bước đưa đời sống của người dân trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo.
Từ phương châm ấy, CĐ thường xuyên tham mưu để công ty đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ an sinh xã hội cho nhân dân trong vùng, cho người CN được thuận tiện trong công việc và sinh hoạt. Thời gian qua, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm đường giao thông, hệ thống điện lưới, trường học, nhà trẻ – mẫu giáo, trạm xá, làm nhà ở cho CN, giúp bà con và CN nghèo từng bước ngói hóa về nhà ở, ưu tiên hơn về việc làm, đơn giá tiền lương…
Chính vì thế, đến nay không chỉ đời sống người CN dân tộc thiểu số nơi vùng biên từng bước được cải thiện mà an ninh quốc phòng cũng được củng cố vững chắc với thế trận quốc phòng toàn dân.
Gia Linh
Related posts:
- Hội thao khu vực II: Giao lưu học hỏi và đoàn kết
- Khen thưởng phụ nữ "hai giỏi" Cao su Chư Păh
- Bầu bổ sung 2 Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Cao su VN
- Hoạt động chỉ đạo, điều hành hiệu quả từ hệ thống hội nghị trực tuyến
- Không để người lao động nào không có Tết
- Công đoàn Cao su Sa Thầy thăm hỏi và trao thưởng người lao động
- Công đoàn Cao su Lộc Ninh: Nhiều hoạt động ý nghĩa mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
- Công đoàn Cao su Việt Nam tập huấn chính sách, pháp luật
- Cao su Quảng Nam vô địch giải bóng đá nam Khối Doanh nghiệp 1 tỉnh Quảng Nam
- Công đoàn Cao su Việt Nam khen thưởng các tập thể xuất sắc của Cao su Phú Riềng