CSVN – Nông trường Sông Giêng trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận hiện quản lý tổng diện tích 1.358 ha cao su, trong đó diện tích cao su khai thác là 1.201ha. Năm 2015 cũng là năm thứ 4 liên tiếp đơn vị đạt năng suất trên 1,8 tấn/ha.
Để duy trì và ổn định năng suất vườn cây, đơn vị đã thực hiện một số giải pháp đồng bộ về quản lý, đầu tư và kỹ thuật. Trong đó, công tác quản lý tay nghề công nhân (CN) quyết định đến việc hoàn thành kế hoạch sản lượng, góp phần nâng cao năng suất vườn cây.
Từ đó, đơn vị không ngừng tăng cường công tác quản lý kỹ thuật trên vườn cây khai thác, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho từng CN, cạo đúng kỹ thuật, hạn chế cạo cạn, cạo dày dăm, cạo phạm, cạo đúng độ dốc nhằm tận thu tiềm năng sản lượng vườn cây. Là địa bàn vườn cây có khí hậu khắc nghiệt trong mùa khô, sau khi nghỉ cạo, đơn vị tiến hành bôi thuốc Vaseline một lớp mỏng trên đường cạo nhằm tạo điều kiện cho vỏ tái sinh và bảo vệ mặt cạo.
Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi tình hình và phòng trị kịp thời các loại nấm bệnh như Corynespora, nấm hồng, rụng lá mùa mưa… Ngoài ra công tác phát dọn chồi dại, phát cỏ trên đường luồng, cây lá buông nhằm hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng, hạn chế rửa trôi, xói mòn cho vườn cây và công tác bón phân cũng được chú trọng; hạn chế tình trạng thất thoát do bị rửa trôi để vườn cây hấp thụ tối đa lượng phân bón trong điều kiện giảm số lần và số lượng phân bón theo chủ trương của Tập đoàn.
Cụ thể, đối với diện tích tương đối bằng phẳng hoặc có độ dốc thấp thì cào lá bón rải trên băng rộng khoảng 1m giữa hai hàng cao su, sau đó lấp đất; diện tích có độ dốc cao, xói mòn hoặc mật độ cây thấp thì triển khai cuốc rãnh bón phân, lấp đất. Việc thiết kế bảng cạo, đánh dấu hao dăm đúng theo triển khai của phòng kỹ thuật. Đơn vị cũng chú trọng việc gắn đai chắn mưa và màng che chén đúng kỹ thuật, hạn chế tình trạng mất mủ do mưa và chất lượng mủ nguyên liệu cũng như hạn chế bệnh mặt cạo, bệnh loét sọc mặt cạo.
Bên cạnh đó, sử dụng chế độ cạo đúng quy trình kết hợp với với việc bôi thuốc kích thích đúng quy định ở những ngày đầu mùa cạo khai thác tối ưu năng lực vườn cây. Chú trọng quản lý tốt về giờ cạo mủ từng thời điểm, hạn chế thiệt hại thời tiết để tận thu sản lượng; thực hiện tốt công tác tận thu mủ, tổ chức trút mủ lần 2 vào buổi chiều để tăng tỷ lệ mủ nước, chống mất cắp.
Nguyễn Hồng
Related posts:
- Cao su Kon Tum: Tìm biện pháp hữu hiệu thích ứng với thời tiết
- Cao su Bà Rịa: Ưu tiên đảm bảo thu nhập, giữ chân người lao động
- Kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây kinh doanh
- Thi đua yêu nước góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất
- Phun thuốc phòng phấn trắng tiết giảm chi phí, hiệu quả cao
- Giải thưởng Cao su Việt Nam, Phú Riềng Đỏ: trân trọng những đóng góp to lớn của người lao động
- Cần kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào
- Mô hình đội quản lý là người Campuchia mang lại hiệu quả cao
- A lô, tổ vá xe lưu động đây!
- Giải pháp ứng dụng ghép sớm tăng hiệu quả sản xuất cây giống cao su