Phun thuốc phòng phấn trắng tiết giảm chi phí, hiệu quả cao

CSVN – Gần 10 năm qua, việc phun thuốc phòng phấn trắng của Cao su Kon Tum đã từng bước khẳng định được tính hiệu quả. Mỗi năm phun là một lần cải tiến và áp dụng những cách khác nhau, năm nào cũng đạt hiệu quả được lãnh đạo VRG ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương. Trong đó, năm 2020 là một điển hình.
Công nhân pha thuốc phun phòng phấn trắng
Công nhân pha thuốc phun phòng phấn trắng
Đánh giá, nhận định là yếu tố then chốt dẫn đến thành công

Năm 2020, công ty xây dựng kế hoạch phun phòng trị bệnh phấn trắng cho hơn 6.658 ha với hình thức phun hàng kép và dự kiến phun 3 đợt và đã phun được 5.652 ha diện tích cần phun. Để thực hiện hiệu quả việc phun phòng phấn trắng, ngay từ những ngày đầu  tiên của năm mới công ty đã thành lập Ban chỉ đạo do Phó TGĐ phụ trách kỹ thuật làm trưởng ban, tại các nông trường công ty cũng cho thành lập các tiểu ban phun phòng phấn trắng. Điều này, theo lãnh đạo công ty là để nắm bắt tình hình dịch bệnh, nhận định và đánh giá mức độ gây hại của phấn trắng, từ đó có những chỉ đạo sâu sát, kịp thời.

Ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ, Trưởng Ban chỉ đạo phun phòng phấn trắng năm 2020 của công ty cho rằng: “Công tác quản lý, kiểm tra giám sát là yếu tố quyết định đến hiệu quả công việc. Quản lý tốt, kiểm tra giám sát chặt chẽ mới giúp thực hiện được nguyên tắc 4 đúng trong công tác phòng trị bệnh”.

Xuất phát từ cách làm này, Ban chỉ đạo đã nhận định tình hình dịch bệnh đầu năm nay là do thời tiết tháng 1 và đầu tháng 2 hầu hết là nắng nóng vào ban ngày, rét lạnh vào ban đêm, biên độ nhiệt ngày đêm từ 17 – 340C, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn là điều kiện thuận lợi cho bệnh phấn trắng phát sinh và gây hại.

Tuy nhiên, trong giai đoạn Tết Nguyên đán và những ngày đầu tháng 2 có một số ngày nhiệt độ ban đêm giảm mạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lên đến 17-180C, sáng sớm sương mù nhiều làm phấn trắng bùng phát trở lại, nhiều diện tích đã được phun 3 đợt kép lá tương đối ổn định cũng phát sinh bệnh. Những diện tích này công ty cho phun thêm đợt 4, đợt 5 để hạn chế lây lan, tổng diện tích phun đợt 4, đợt 5 là trên 1.181 ha.

Trước tình hình đó, Ban  chỉ đạo đã đánh giá thời điểm cao su ra lá ở các nông trường phía bắc sẽ sớm hơn nên cho các đơn vị này triển khai phun sớm, bắt đầu từ ngày 16/1, tiếp đến là các đơn vị ở giữa và cuối cùng là các đơn vị phía nam của công ty. Thời gian phun, được Ban chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm từ 16 giờ 30 ngày hôm trước đến khoảng 8 giờ ngày hôm sau.

Tiết giảm gần 50% chi phí so với năm trước

Theo tính toán của lãnh đạo công ty thì chi phí cho việc phun phòng phấn trắng năm 2020 khoảng trên 3,3 tỷ đồng, tức chi phí trên mỗi ha là hơn 593 ngàn đồng/ha (chi phí phun của năm 2019 là hơn 925 ngàn đồng/ha) và nếu tính trên đầu sản phẩm (chia cho 12.000 tấn dự

kiến của kế hoạch năm 2020) thì hơn 279 ngàn đồng/ tấn. So với năm 2019, mỗi ha giảm được trên 331 ngàn đồng/ha, giảm gần 50%.

Cũng theo ông Mân: “Chi phí phun năm nay giảm hơn so với năm 2019 do số lần phun ít hơn và công ty sử dụng thuốc Hanovil có giá thấp hơn so với Anvil để phun 1 đợt kép xen kẽ với phun Anvil”.

Theo ghi nhận, hiện nay những diện tích được phun phòng trị bệnh phấn trắng có bộ lá sạch bệnh, lá ra đều và có màu xanh đậm, sớm ổn định, vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian mở cạo sớm hơn so với vườn cây không được phun phòng từ 1 – 1,5 tháng.

VĂN VĨNH