Giải pháp ứng dụng ghép sớm tăng hiệu quả sản xuất cây giống cao su

CSVN – Đề tài “Khảo sát một số giải pháp kỹ thuật ứng dụng trong phương pháp ghép sớm nhằm tăng hiệu quả sản xuất cây giống cao su (Hevea brasiliensis Muell. Agr.)” đã được tiến hành tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cao su Tiểu Điền, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định được tuổi gốc ghép và cường độ che sáng thích hợp cho phương pháp ghép sớm cao su; đồng thời xác định được công thức giá thể và lượng phân bón thích hợp đối với cây cao su được sản xuất bằng phương pháp ghép sớm.
Ba loại tuổi gốc ghép 30, 60 và 90 ngày tại thời điểm ghép.
Ba loại tuổi gốc ghép 30, 60 và 90 ngày tại thời điểm ghép.

Đề tài được thực hiện trên bốn dòng vô tính PB 260, RRIM 600, RRIC 121, RRIV 124 và trong 3 thí nghiệm:

Thí nghiệm 1: Đánh giá ảnh hưởng của tuổi gốc ghép và độ che sáng đến tỷ lệ sống của cây cao su ghép sớm trong vườn ươm là thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu lô phụ (Split plot Design) với lô chính là ba mức độ che sáng (che sáng bằng lưới che 25%, che sáng bằng lưới che 50% và không che sáng); lô phụ là ba loại tuổi gốc ghép (30 ngày tuổi, 60 ngày tuổi và 90 ngày tuổi). Kết quả đạt được: Không che sáng và gốc ghép ở 90 ngày tuổi thích hợp cho phương pháp ghép sớm để sản xuất cây con có từ hai tầng lá trở lên.

Thí nghiệm 2: Đánh giá ảnh hưởng của phân bón và giá thể đến sự sinh trưởng của cây cao su ghép sớm trong giai đoạn vườn ươm là thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu lô phụ (Split plot Design). Lô chính là ba mức phân bón (mức 1: 8,1g Urê + 13,6 g DAP + 4,9 g KCl/cây, mức 2: 9,65 g Urê + 16,15 g DAP +5,58 g KCl/cây và mức 3: 10,1 g Urê + 16,9 g DAP + 6,1 g KCl/cây); lô phụ là bốn loại giá thể, được trộn theo thể tích của túi bầu (giá thể 1 có 25% mụn xơ dừa + 75% đất, giá thể 2 có 50% mụn xơ dừa + 50% đất, giá thể 3 có 75% mụn xơ dừa + 25% và giá thể 4 100% đất).

Kết quả cho thấy cây cao su ghép nêm trên gốc ghép 90 ngày tuổi, được sản xuất bằng công thức giá thể: 50% mụn xơ dừa + 50% đất kết hợp với mức phân bón có hàm lượng: 10,1 g Urê + 16,9 g DAP + 6,1 g KCl/cây giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt đồng thời cho tỷ lệ cây xuất vườn cao (86,8%).

Ba loại tuổi gốc ghép 30, 60 và 90 ngày sau khi ghép xong
Ba loại tuổi gốc ghép 30, 60 và 90 ngày sau khi ghép xong

Thí nghiệm 3: Đánh giá khả năng sinh trưởng của cây giống cao su hai tầng lá được sản xuất bằng phương pháp ghép sớm khi trồng ngoài đồng là thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu lô phụ (Split plot Design); lô chính là bốn DVT cao su (RRIV 124, RRIC121, RRIM 600 và PB 260) và lô phụ là loại cây giống (cây giống cao su hai tầng lá được sản xuất theo quy trình bình thường và cây giống cao su hai tầng lá được sản xuất bằng phương pháp ghép sớm). Kết quả cho thấy các chỉ tiêu sinh trưởng trên các DVT được sản suất theo phương pháp ghép sớm cho kết quả tốt hơn.

 Kết luận: – Tuổi gốc ghép 90 ngày tuổi và không che sáng thích hợp trong phương pháp ghép sớm để sản xuất cây giống cao su có từ hai tầng lá trở lên.

– Công thức giá thể: 50% mụn xơ dừa + 50% đất kết hợp với mức phân bón có hàm lượng: 10,1 g Urê + 16,9 g DAP + 6,1 g KCl/cây giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt đồng thời cho tỷ lệ cây xuất vườn cao (86,8%) làm giảm giá thành xuất vườn cây giống cao su (7.430 đồng/cây).

– Quy trình sản xuất cây giống hai tầng lá áp dụng kỹ thuật ghép sớm được tiến hành trong thời gian ngắn hơn (6-7 tháng) so với quy trình sản xuất cây giống hai tầng lá bằng phương pháp bình thường (10 – 12 tháng).

– Khảo sát sự sinh trưởng và phát triển của cây con hai tầng lá khi trồng ra ngoài đồng cho thấy các dòng vô tính PB 260, RRIM 600, RRIC 121, RRIV 124 được sản suất theo phương pháp ghép sớm cho kết quả tương đồng hoặc tốt hơn cây giống được sản suất theo quy trình sản xuất giống hiện nay.

 KS Đặng Quốc Thông (Viện Nghiên cứu Cao su VN)