Cần kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào

CSVN – Với sản lượng cao, nhưng đa số các công ty trên địa bàn Tây Nguyên chỉ quan tâm đến chất lượng nguyên liệu sản phẩm khi tiếp nhận tại nhà máy mà chưa quan tâm đến chất lượng và khối lượng mủ nguyên liệu tại vườn cây cao su.

>> Cần quan tâm chất lượng mủ nguyên liệu tại vườn cây

Thu gom mủ tại vườn cây Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum.
Thu gom mủ tại vườn cây Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum.

Đây là một trong các nội dung quan trọng, được Ban Công nghiệp VRG đánh giá về thực trạng và chất lượng mủ cao su của các đơn vị Tây Nguyên tại Hội nghị “Nâng cao năng lực quản lý chế biến, chất lượng và môi trường khu vực Tây Nguyên”, tổ chức tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum ngày 4/11

Chú trọng hơn công tác vệ sinh mủ tại vườn cây và vận chuyển đến nhà máy

Theo báo cáo của Ban Công nghiệp VRG thì trên địa bàn Tây Nguyên, công tác thu gom mủ của một số đơn vị vẫn chưa được thực hiện tốt. Cụ thể như: Sàn chứa mủ đông tạp bằng xi măng, sàn gỗ nhưng không được vệ sinh thường xuyên nên dễ gây tái nhiễm bẩn hay chưa loại bỏ tạp chất mủ đông tạp triệt để tại vườn cây, công tác vệ sinh dụng cụ thu hoạch mủ chưa đạt yêu cầu, chưa tráng thùng sau khi đổ mủ vào tank nên không thu hồi được lượng mủ còn sót lại trong thùng…

Theo thang điểm 30 của Ban Công nghiệp đánh giá việc quản lý chất lượng mủ ngoài vườn cây của các công ty cao su Tây Nguyên thì 4 công ty tại Gia Lai có số điểm cao nhất, dẫn đầu là Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông với 22 điểm, tiếp đến là Công ty Chư Păh 21 điểm, Công ty Chư Sê đạt số điểm 19 và Mang Yang là 18 điểm, đơn vị có số điểm thấp nhất là Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo chỉ có 14 điểm. Là đơn vị có diện tích lớn của Tây Nguyên, Công ty Kon Tum cũng đã cải thiện tốt môi trường làm việc từ vườn cây về đến nhà máy trong những năm gần đây.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Hiện khu vực Tây Nguyên có 10 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất 75.500 tấn/ năm, trong đó mủ cốm tinh chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43.500 tấn/ năm, tiếp đến là mủ đông tạp 22.500 tấn/năm và RSS là 15.000 tấn/năm. Năm 2015 khu vực này đã chế biến được 54.924 tấn, đạt 103% kế hoạch. Cơ cấu sản phẩm của khu vực cũng khá phong phú với SVR 3L, 5 chiếm 43,6%, tỷ lệ mủ 10 và 20 là 40,4%, RSS là 11,6%, CV là sản phẩm có tỷ trọng thấp nhất với 1%, tiếp đến là mủ ly tâm với 2,3% còn lại là sản phẩm khác (Crepe, skim block và ngoại lệ). [/stextbox]

Công tác vệ sinh dụng cụ và khu vực thu nhận mủ tại vườn cây của phần lớn các công ty Tây Nguyên đều do bộ phận kỹ thuật nông trường kiểm tra. Chức năng của Phòng quản lý chất lượng chưa được chú trọng hoặc chưa được giao nhiệm vụ để phát huy vai trò trong quản lý chất lượng nhằm thực hiện quản lý chặt chẽ nguyên liệu từ vườn cây đến nhà máy, điều này đã dẫn đến công tác vệ sinh tại vườn cây và vận chuyển đến nhà máy của các công ty trên địa bàn chưa đạt yêu cầu.

Nhanh chóng củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm

Theo Ban Công nghiệp, nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng mủ nguyên liệu, về khách quan là do đặc tính của giống, các yếu tố về đất, còn về chủ quan đến từ ánh sáng trực tiếp, đất đá, cát hay tro bụi…. Để khắc phục vấn đề này, theo Ban Công nghiệp thì áp dụng các giải pháp trong quản lý, tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ nhân lực của đội ngũ cán bộ làm công tác chất lượng, phát huy hiệu quả của hệ thống quản lý chất lượng ISO.

Trong đó, quan trọng nhất là việc kiểm tra và phân loại thật tốt nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, các đơn vị cần lưu ý đến công tác chống tái nhiễm bẩn cho sản phẩm, tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Cùng với đó là có kế hoạch, chương trình thi đua khen thưởng cho những tập thể và cá nhân thực hiện tốt công tác chất lượng, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

VRG đã có định hướng cho các công ty, nhất là các đơn vị Tây Nguyên cần nhanh chóng củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến hành các thủ tục cần thiết đăng ký được cấp nhãn hiệu “Cao su Việt Nam”. Đến cuối 2016, Hiệp hội Cao su Việt Nam sẽ xem xét một số công ty sản xuất, chế biến cao su đạt các tiêu chí về chất lượng và đảm bảo sự ổn định để cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Cao su Việt Nam”.

Bài, ảnh: Văn Vĩnh