Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum là đơn vị điểm trong việc áp dụng các biện pháp trong phun phòng trị bệnh phấn trắng đạt hiệu quả cao, từ đó dẫn đến năng suất vườn cây tăng. Trang Kỹ thuật cao su xin giới thiệu kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng của công ty để các đơn vị tham khảo.
Đặc điểm tình hình vườn cây, điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến diễn biến bệnh phấn trắng gây hại qua các năm
Tổng diện tích cao su thu hoạch mủ của công ty 9.078 ha, giống PB235 chiếm đến 8.486 ha (94%). Vườn cây thường rụng lá tập trung trong tháng 1 và ra lá tập trung trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 (thường trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán). Điều kiện thời tiết trong khoảng thời gian này phù hợp cho bệnh phấn trắng phát sinh, phát triển và gây hại mạnh: Đêm lạnh, sáng âm u, sương mù.
Những năm gần đây do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến tình hình bệnh hại trên vườn cây cao su của công ty, nhất là bệnh phấn trắng. Bệnh gây hại làm rụng lá nhiều lần, làm cho vườn cây trơ trụi, xơ xác, kéo dài thời gian nghỉ cạo dẫn tới năng suất sản lượng thấp.
Số liệu thống kê từ năm 2009 đến nay, hầu như năm nào vườn cây của công ty cũng bị bệnh phấn trắng gây hại với mức độ nặng nhẹ khác nhau, các năm gần đây, diễn biến bệnh hại ngày càng phức tạp và mức độ bệnh hại có xu hướng ngày càng tăng.
Như năm 2012: Diện tích vườn cây công ty bị bệnh hại ở mức độ rất nặng (cấp 4-5) trên 6.000 ha, mức độ trung bình và nhẹ trên 3.000 ha. Bệnh gây rụng lá hàng loạt trên những diện tích bị nặng, lá ra lại đợt 2 vẫn tiếp tục bị nấm bệnh tấn công. Những diện tích bị nhẹ thì trên mặt lá vẫn tồn tại rất nhiều vết đốm bệnh. Bệnh tập trung nhiều ở khu vực phía Nam, gồm các NT: Hòa Bình, Tân Hưng, YaChim và một số diện tích ở khu vực phía Bắc gồm các đơn vị: Đăk Hring, Ngọc Wang, PleiKần, Tân Cảnh. Một số diện tích của NT Hòa Bình, Tân Hưng do di chứng của bệnh phấn trắng các năm trước gây khô ngọn, khô cành, lá không ra được nên người dân đã phải nghỉ cạo, những diện tích được cạo thì năng suất rất thấp. Những diện tích bị bệnh nặng kéo dài qua nhiều năm hiện công ty đã phải tiến hành thanh lý tái canh trước tuổi. Công ty đã phải điều chỉnh giảm sản lượng trên 1.000 tấn cho hầu hết các diện tích bị bệnh phấn trắng gây hại.
Năm 2013, mặc dù đã có kế hoạch phun phòng trị trên những diện tích trọng điểm về sản lượng và những vùng thường xuyên bị nấm bệnh phấn trắng gây hại. Tuy nhiên, chỉ hơn 1.250 ha phun phòng trị bệnh kịp thời nên hiệu quả. Số diện tích còn lại nấm bệnh gây hại rất nặng (cấp 4 -5). Sau thời điểm 20/2/2013 – khi TGĐ công ty chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định tập trung huy động toàn bộ vật tư, nhân lực, con người vào công tác phòng trị phấn trắng thì toàn bộ diện tích vườn cây đã được ngăn chặn dịch phấn trắng gây hại. Vườn cây ra lá đợt 2 với tán lá xanh tốt, năng suất sản lượng đạt cao.
Năm 2014, rút kinh nghiệm của các năm trước, công ty chủ động phun phòng sớm, ngay từ 28/1/2014 những vườn cây rụng lá sớm và lá nhú chân chim đã được phun, diện tích phun tập trung chủ yếu vào đầu tháng 2/2014. Tính đến hết tháng 2 hầu hết các diện tích đã được phun phòng 2 đợt. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết bất thuận, nắng nóng kéo dài, thời tiết có sương mù vào sáng sớm kết hợp với nhiệt độ thấp, vườn cây ra lá không đều nên nhiều vườn cây nấm bệnh phấn trắng vẫn tiếp tục tấn công và gây hại trên toàn bộ diện tích vườn cây (có nhiều vườn bộ lá đã tương đối ổn định nhưng vẫn bị nấm bệnh gây hại). Công ty tiếp tục cho phun phòng đợt 3, có những diện tích phải phun phòng đợt 4. Do đã có sự chủ động trong công tác phòng chống bệnh phấn trắng gây hại nên hầu hết diện tích đã được khống chế, giảm thiểu diện tích bị nấm bệnh phá hoại. Tuy vậy, có những diện tích không phun được do đặc thù địa hình quá dốc, phương tiện phun không di chuyển được hoặc những khu vực sát vườn cao su tư nhân không được phun vẫn bị nấm bệnh gây hại ở mức độ nặng và rất nặng (cấp 3-5). Qua thống kê diện tích phun không kịp thời và diện tích không phun được bị phấn trắng gây hại khoảng 500 ha (trừ diện tích NT Thanh Trung và Sa Sơn không đưa vào kế hoạch phòng trị).
P.V
(Xem tiếp kỳ sau)
Related posts:
- Thử nghiệm bê tông nhựa đường cao su
- Phòng trừ bệnh trên cây cao su mùa mưa
- Cải tiến công nghệ mủ tờ RSS
- Phương pháp tạo tán vườn cây kiến thiết cơ bản
- Cao su Việt Lào: Mô hình kiểu mẫu tại nước ngoài của VRG (Kỳ 2)
- Giảm chi phí, tăng năng suất trong sản xuất bóng thể thao
- Tận tâm, sáng tạo trong công việc
- Hệ thống thu gom mủ tự động: Hữu ích nhưng cần khắc phục các khuyết điểm
- Cải tiến máy thổi lá
- Tăng cường phòng chống cháy mùa khô