CSVN – Xuất thân là dân kế toán, chưa một ngày học qua cơ khí chế tạo máy, nhưng với lòng say mê công việc, anh là tác giả của 3 đề tài sáng kiến. Mỗi sáng kiến áp dụng vào thực tế sản xuất đều giải phóng sức lao động cho công nhân, làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng mỗi năm. Anh là Vương Đình Điệt – Giám đốc NTCS An Bình (Công ty CPCS Đồng Phú), người gắn bó ngành cao su gần 32 năm và đã từng được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo.
Chúng tôi hỏi “Cơ duyên nào khiến một người “ngoại đạo” về kỹ thuật như anh, trở thành một “cây sáng kiến”, mang lại giá trị làm lợi cho doanh nghiệp tiền tỷ mỗi năm”. Anh cười xuề xòa: “Xuất phát từ công việc thôi, hơn 30 năm gắn bó với ngành cao su, chứng kiến và thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân trong công việc. Điều này đã thôi thúc mình cần phải sáng kiến, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, để giảm sức nặng lao động thủ công cho người lao động”. Sáng kiến gần đây nhất, thời điểm cuối năm 2015, anh bắt đầu đưa vào sử dụng sáng kiến “Áp dụng cơ giới trong công tác thổi lá trên vườn cây kinh doanh” tại NT An Bình.
Với sáng kiến này, anh đã giúp đơn vị tiết kiệm chi phí trên 400 triệu đồng/mùa thổi lá. Còn áp dụng ở tất cả các nông trường trong toàn Công ty Đồng Phú, góp phần tiết giảm chi phí khoảng 1 tỷ đồng/năm. Anh Điệt chia sẻ, “sáng kiến này được ấp ủ và thực hiện trong vòng 40 ngày. Lúc đầu tôi có ý tưởng chế một máy hút lá cao su, làm sạch vườn cây để phòng chống cháy trong mùa khô. Khi trình bày ý tưởng này, lãnh đạo công ty hướng tôi nên sáng chế máy thổi lá cao su thay vì hút lá”.
Chiếc máy thổi lá do anh Điệt chế tạo có điểm đặc biệt là có đến hai vòi hai bên thổi lá cùng lúc. Hai chiếc vòi này có thể linh động điều chỉnh độ xa gần, lưu lượng gió và tốc độ gió khi thổi lá trên vườn cây. Nhờ có hai vòi hai bên nên máy di chuyển hàng cách hàng, giảm được thời gian thổi lá rất nhiều. “Cấu tạo của máy dựa trên sức máy kéo sẵn có của nông trường. Mỗi ngày máy có thể thổi được 60 ha cao su, chi phí nhiên liệu 1,5 lít dầu/ha, tiền công trả cho người lái máy 8.000 đồng/công.
Nếu so với phương pháp thổi thủ công như trước đây, bình quân 4 công mới thổi được 1 ha, một mùa thổi 4 đợt. Tính ra, áp dụng cơ giới, NT An Bình chỉ tốn khoảng 200 triệu đồng/năm cho công tác thổi lá, tiết kiệm được 400 triệu đồng so với cách thổi thủ công”, anh Điệt cho hay. Ngoài sáng kiến trên, từ ngày 15/10/2015, Giám đốc Vương Đình Điệt cũng đã đưa sáng kiến “Áp dụng cơ giới trong công tác xới ván, tủ bồn hàng năm trên vườn cây cao su tái canh, trồng mới”, vào thực tiễn sản xuất tại nông trường. Đề tài này đã được Hội đồng sáng kiến Công ty CPCS Đồng Phú đánh giá cao và nhân rộng áp dụng ở nhiều đơn vị.
Anh Điệt mô tả sáng kiến: “Đề tài áp dụng sức của máy kéo MTZ 80 – 82 vào công việc xới ván, tủ bồn giữ ẩm cho cây cao su tái canh vào mùa nắng. Máy kéo này, hầu như nông trường nào cũng có, với các tính năng như cày, phát cỏ, vận chuyển… phục vụ công việc sản xuất trên vườn cây. Sáng kiến của tôi là điều chỉnh giàn cày 3 chảo thành 2 chảo và các điều chỉnh khác, như tháo một chảo cày ở giữa chừa lại 2 chảo cày, trong đó có 1 chảo kèm bánh lái.
Điều chỉnh 2 chảo (sau khi đã tháo 1 chảo cày) còn lại theo lĩnh vực đề tài áp dụng. Mục đích điều chỉnh chảo cày nhằm để 2 chảo còn lại cày đất sát hàng cao su (thay thế cho công việc thủ công) sao cho chảo cày ở trong (chảo không có bánh lái) xới ván dọc hàng cao su, cách gốc cao su từ 25 cm đến 30cm. Chảo cày còn lại (chảo có bánh lái) làm công việc tủ bồn dọc hàng cao su”.
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Luyện – Phó TGĐ Công ty CPCS Đồng Phú, – người phụ trách mảng kỹ thuật nông nghiệp, sáng kiến áp dụng cơ giới, cày xới ván, tủ bồn của anh Điệt giúp công ty tiết kiệm được chi phí trong việc giảm suất đầu tư vườn cây KTCB hiện nay khoảng gần 750 triệu đồng/ năm. Đồng thời giải quyết được tình hình khó khăn khi thiếu lao động. Ngoài hai sáng kiến kể trên, trước đó năm 2006, anh Vương Đình Điệt đã có sáng kiến và cho ra đời chiếc máy cắt cỏ trên vườn cây cao su, giải phóng sức lao động cho hàng trăm công nhân. Sáng kiến này đã giúp anh được Trung ương Đoàn TNCS HCM trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” vào năm 2008.
Bài, ảnh: Phan Thắng
Related posts:
- Người “truyền lửa” cho thanh niên làng Kluh đi trồng cao su
- Không dứt tình với cây cao su
- "Mô hình trồng hàng kép cần phải thể chế hóa bằng quy trình kỹ thuật"
- Người nữ đội trưởng “đi đường Cồi” (*)
- Đón nhận công việc bằng niềm say mê
- Làm cao su kết hợp kinh tế gia đình để bền vững
- Nguyễn Văn Quyên - Gương sáng trong học tập và làm theo Bác
- Góp sức cho con đường lên đồi cao su
- Nàng Vi quyết tâm gắn bó với nghề
- Tô thắm màu xanh tình hữu nghị vững bền
Đất nước cần có nhiếu giám đốc như thế chứ không phải vì chiếc ghế
Đồng ý với bạn. Những con người say mê, hết lòng vì công việc như ông Điệt rất đáng quý trọng. GĐ nào cũng nghĩ được như ông, công nhân đỡ vất vả hơn, hiệu quả công việc cũng tăng lên