CSVN – Anh Nguyễn Văn Quyên ở Nông trường Đăk H’rin – Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum luôn học và làm theo Bác bằng những hành động, việc làm cụ thể của bản thân để nêu gương, tuyên truyền cho đồng nghiệp noi theo.
Tự giác nêu gương
Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại đông anh em ở huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh, anh Nguyễn Văn Quyên đã phải sớm bước chân vào đời, tự lo miếng cơm manh áo cho bản thân. Trải qua nhiều công việc đồng áng, thời vụ rồi đến công nhân chăm sóc cao su, qua muôn vàn khó nhọc nhưng những công việc anh đã làm cũng chỉ đủ ăn.
Năm 2013, anh cùng vợ là chị Trần Thị Uyên đến thôn 10, xã Đăk H’rin – huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum lập nghiệp cùng 2 con nhỏ. Với sự chuẩn bị từ trước, 2 vợ chồng anh nhanh chóng được nhận vào làm công nhân cạo mủ của tổ 9.
Ý thức được trách nhiệm, công việc của mình, cả 2 vợ chồng anh quyết tâm vượt khó, gắn bó lâu dài với vườn cây cao su. Anh Quyên chia sẻ: “Với trách nhiệm là một công nhân, tôi luôn xác định nhiệm vụ của mình là giữ gìn phần cây giao khoán thật tốt, cạo mủ đúng quy trình kỹ thuật và thu hoạch mủ đạt năng suất tốt về cho đơn vị. Vì thế, tôi cùng anh em trong tổ tích cực thi đua lao động sản xuất, tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng các cải tiến kỹ thuật trong chăm sóc, khai thác mủ cao su. Do vậy, năng suất, sản lượng vườn cây của tổ và cá nhân tôi luôn được tăng lên qua các năm, góp phần tích cực cùng đơn vị hoàn thành kế hoạch sản lượng nông trường giao”.
Nhận thấy vẫn còn thời gian nhàn rỗi sau những giờ trên lô, anh Quyên bàn với vợ vay mượn tiền bạc của người thân, anh em bạn bè mua khoảng 2ha đất phát triển kinh tế gia đình với 500 cây cà phê và 500 cây cao su. Thấy gia đình anh Quyên mới vào công nhân, nhưng rất chịu khó, siêng năng trên lô, giỏi giang chuyện kinh tế phụ, nhiều người trong tổ cũng nhìn và học làm theo. Đến nay, tổ 9 không chỉ có gia đình anh có kinh tế gia đình ổn định mà còn nhiều đồng nghiệp cũng khá lên từ làm kinh tế gia đình.
Gắn với thực hiện nhiệm vụ
Trao đổi với chúng tôi, anh Quyên cho hay: “Trong các buổi họp tổ, nông trường đều lồng ghép, triển khai đến mọi người việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ rằng, mình là công nhân cao su thì chỉ cần làm thật tốt phần việc của mình cũng là cách học theo Bác”.
Từ suy nghĩ ấy, anh Quyên đã thường xuyên gần gũi với anh em công nhân trong tổ, nhất là số anh em đồng bào dân tộc thiểu số, lao động mới vào còn nhút nhát, e rè. Nhiều lần anh còn tận tay chỉ từng đường cạo cho anh em công nhân đồng bào dân tộc thiểu số có tay nghề còn yếu. Bên cạnh đó, anh còn chia sẻ với các thợ giỏi khác trong tổ về cách học lý thuyết thế nào để nhanh thuộc, nhớ lâu hay cách mài dao thế nào cho sắc…
Bản thân anh Quyên sau gần 10 năm cạo mủ cũng có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, cụ thể là giải pháp bôi xà phòng lên rây lọc mủ tiết kiệm thời gian và công sức vệ sinh rây lọc mủ; giải pháp quản lý cây cạo bằng việc đánh số trên xốp gắn trên cây cao su đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhân công.
Đồng thời, anh Quyên còn kết hợp với nhiều biện pháp đi cạo mủ đúng giờ, trút mủ đúng giờ, vệ sinh miệng cạo tốt, không cạo phạm, cạo lỗi… Từ cách làm đó, liên tục 2 năm 2019 đến 2020, vườn cây của anh không bị bệnh và năng suất tăng bình quân tăng lên đáng kể, đạt 2,35 tấn/ha vào năm 2021.
GIA LINH
Related posts:
- Nặng lòng với cây cao su trên đất nước triệu voi
- Chặng đường 91 năm báo chí cách mạng ngành cao su Việt Nam
- Trần Duy Dương - thanh niên công nhân giỏi làm kinh tế
- Cuộc đời sang trang nhờ 3 đời gắn bó với cao su
- Một lòng theo nghiệp cao su
- Góc nhìn khác về một con người tận tâm vì công việc
- Công nhân người Campuchia đạt sản lượng gần 17,3 tấn mủ/năm
- Cao su Việt Lào: Thảo Văn Chợt - Giữ vững “ngôi vương”
- Cần giải pháp nâng cao hơn thu nhập người lao động
- “Giải thưởng tạo động lực, khích lệ tinh thần sáng kiến, cải tiến”