CSVN – Việc nắng hạn kéo dài, thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khai thác sản lượng của các đơn vị Tây Nguyên. Tuy nhiên không khí thi đua nước rút cuối năm của người công nhân trên vườn cây vẫn hết sức sôi nổi, nhằm hoàn thành kế hoạch (KH) được giao.
Xác định ngay từ đầu tiếp tục là một năm khó khăn, lãnh đạo các đơn vị đã phát động phong trào thi đua lao động ngay từ những ngày đầu vụ cạo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Luyến – Q. Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh cho biết: “Năm 2015, địa bàn của Tây Nguyên nói chung và đơn vị phải chịu hiện tượng thời tiết hết sức bất lợi đối với công tác khai thác, ngay đầu vụ cạo thì nắng hạn, tiếp đó là phấn trắng. Năm trước công ty đưa vườn cây vào khai thác ngay từ những ngày đầu của tháng 4, nhưng sang năm nay phải đến 20/5 mới đưa vào khai thác được, tức chậm hơn so với năm trước đến 50 ngày”.
Tuy vậy, công tác thi đua trong khai thác sản lượng tại Công ty Chư Păh vẫn hết sức sôi nổi. Trưởng phòng Thi đua Văn thể Nguyễn Thị Thảo cho biết: “Công ty và Công đoàn công ty thường xuyên phát động phong trào thi đua với nhiều nội dung để động viên, khuyến khích người công nhân hoàn thành sản lượng, KH được giao. Năm nay tuy khó khăn nhưng tiền thưởng cho cá nhân và tập thể hoàn thành vượt sản lượng vẫn như năm 2014, con số này lên đến vài trăm triệu đồng”.
Do tình hình bất lợi của thời tiết nên việc hoàn thành KH được giao là hết sức khó khăn, nhiều đơn vị đã phát động để người công nhân hoàn thành KH theo từng tháng.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, ông Lâm Xuân Lịch cho hay: “Năm nay do tình hình khó khăn nên công tác khen thưởng gom về một nội dung và thiên về việc hoàn thành sản lượng, những lĩnh vực khác sẽ xem xét và khen thưởng sau. Đến 10/12/2015 toàn công ty đã có 4 nông trường hoàn thành sản lượng, đối với cá nhân thì có đến vài trăm công nhân. Chúng tôi đang đề xuất với lãnh đạo công ty tiền thưởng sẽ bằng năm trước, nhưng việc này cũng khó do giá bán thấp, lợi nhuận không nhiều”.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, đơn vị đầu tiên của khu vực Tây Nguyên hoàn thành kế hoạch được giao 3.650 tấn, công nhân Nghinh, người dân tộc Bana, Tổ khai thác 12 – Nông trường K’dang hồ hởi: “Tuy giá bán cao su thấp, lương giảm nhưng công nhân trong tổ vẫn quyết tâm, cố gắng phấn đấu khai thác vượt kế hoạch để bù tiền lương thấp và cuối năm có giấy khen”.
Bài, ảnh: Gia Linh
Related posts:
- Các công ty Tây Nguyên nỗ lực "về đích"
- Thống nhất các kiến nghị của Cao su Chư Prông và Chư Prông - Stung Treng
- Cao su Dầu Tiếng sáng tạo vượt khó
- Phát động thi đua "bảo vệ vùng xanh"
- Đoàn Thanh niên Cao su Bà Rịa tặng quà cho con em công nhân Campuchia
- Cao su Sơn La tiêu thụ được 1.382 tấn mủ cao su trong 6 tháng đầu năm
- "Chúng tôi đặt niềm tin, kỳ vọng vào VRG"
- VRG ủng hộ 100 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học Đăk Lăk
- Tổ chức kỷ niệm 88 năm truyền thống ngành cao su tiết kiệm, ý nghĩa
- Cao su Lai Châu phấn đấu thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng