CSVN – Ý tưởng này đang được Cục Trồng trọt và Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối thuộc Bộ NN&PTNT xem xét để phát triển mô hình trồng xen canh trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, niên vụ mía đường 2015 – 2016 diện tích trồng mía cả nước là 284.367 hécta, sản lượng mía đạt 18,3 triệu tấn, năng suất bình quân 64,4 tấn/hécta. So với vụ trước, diện tích mía giảm 6,7%, sản lượng mía giảm 8%. Thống kê cũng cho thấy, lượng đường sản xuất năm nay đạt gần 1,24 triệu tấn và là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng đường trong nước giảm.
Và tình hình cũng không khá hơn trong niên vụ 2016 – 2017 khi Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối đưa ra dự báo năng suất và sản lượng mía nguyên liệu vẫn tương đương vụ mía 2015 – 2016. Theo ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Ủy ban Mía đường, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), vụ mía 2015–2016, nhiều tỉnh trồng mía bị ảnh hưởng nặng do hạn hán, biến đổi khí hậu; chỉ tính riêng ĐBSCL đã có hơn 10.000 hécta mía bị nhiễm mặn, tương đương khoảng 20% diện tích trồng mía ở khu vực này.
Tính toán của TTC cho thấy, để tăng khả năng cạnh tranh, các nhà máy phải sản xuất đường với giá thành tối đa khoảng 10.500 đồng/kg. Bài toán giảm giá thành chỉ có thể làm được khi có đủ mía nguyên liệu. Song, với tình trạng biến đổi khí hậu thì diện tích chuyên trồng mía của cả nước sẽ không đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), có hai cách để giải quyết vấn đề nguyên liệu là tăng năng suất trồng mía và mở rộng vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, việc tăng năng suất cần phải có thời gian để tuyển chọn những giống mía có năng suất cao, cơ giới hóa cũng như xây dựng hệ thống thủy lợi cho cây mía. Do đó, giải pháp nhanh nhất là mở rộng diện tích. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam đã không còn quỹ đất để chuyên canh cây mía, vì thế, cách tốt nhất là trồng xen canh cây mía với cây cao su.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hương (tỉnh Bình Phước) trước đây có 5 hécta trồng điều, mấy năm trước, khi giá điều liên tục giảm, còn giá cao su tăng liên tục nên gia đình bà cùng nhiều hộ khác chuyển một phần diện tích trồng điều sang cây cao su. Hiện thu nhập của gia đình bà Hương chỉ trông chờ vào 1 hécta điều do 4 hécta cao su mới trồng gần 3 năm chưa thu hoạch và nếu cho thu hoạch cũng chưa thể có lãi do giá cao su đang ở mức thấp. Vì thế, bà Hương cho biết gia đình bà sẵn sàng trồng mía trong vườn cao su nếu được các nhà máy cam kết hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm.
P.V (theo saigontimes)
Related posts:
- Cao su Mang Yang Rattanakiri phấn đấu thu mua vượt trên 93% kế hoạch 2017
- Cao su Tân Biên về trước kế hoạch 29 ngày
- Phát huy truyền thống 93 năm hào hùng, xây dựng VRG phát triển ổn định và bền vững
- Khẳng định thương hiệu Gỗ Thuận An qua 15 năm
- Tiền lương bình quân Geru Star tăng 12%
- Thay đổi, bổ sung một số nội dung tổ chức Hội thi tim hiểu 85 năm truyền thống ngành cao su
- Kết nạp 6 Đảng viên mới tại Cao su Hoàng Anh - Mang Yang K
- Cao su Quasa Geruco quyết tâm khai thác đạt 7.600 tấn mủ
- Kết nối nông nghiệp Việt Nam - Trung Quốc
- Y tế ngành cao su tích cực phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp