CSVN – Bộ Thông tin và Truyền thông vừa yêu cầu các đài và đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền trong nước cần phối hợp cùng nhau để đàm phán mua bản quyền Ngoại hạng Anh, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh hoặc bị ép giá.
Giá bản quyền giải Ngoại hạng Anh luôn là vấn đề nhức nhối qua mỗi lần đấu giá. Từ 900.000 USD cho 2 mùa 2002-2003 và 2003-2004, cho đến 2 triệu USD trong 3 mùa từ 2004 đến 2007, giá bản quyền tiếp tục tăng phi mã lên mức 4 triệu USD từ mùa 2007 – 2010, 13 triệu USD từ mùa 2010 – 2013 và mới nhất là 35 triệu USD cho 3 mùa từ 2013 – 2016.
Điều đáng nói là giá bản quyền giải đấu số một nước Anh không tăng theo bất cứ một quy luật nào. Nó có thể tăng gấp đôi từ năm 2004 đến năm 2007, cũng có thể gấp ba nếu so sánh năm 2007 với 2010 hay 2010 và 2013. Nếu giữ nguyên đà tăng như vậy, giá bản quyền Ngoại hạng Anh ba mùa kế tiếp từ 2016 – 2019 hoàn toàn có thể gấp từ 2 – 3 lần giá trị cách đây hai năm. Nghĩa là để có thể sở hữu quyền phát sóng trực tiếp giải đấu này vào mỗi cuối tuần, các nhà đài VN sẽ phải chi từ 70 – 90 triệu USD.
Ngay cả ở mức tăng thấp nhất là 70 triệu USD – tương đương hơn 1.500 tỷ đồng, đó vẫn là một con số khổng lồ. 1.500 tỷ hoàn toàn đủ sức làm biến đổi bộ mặt của một đô thị, làm nhiều người dân lao động có công ăn việc làm. Số tiền lớn như vậy, nếu sử dụng, cần phải hết sức hợp lý.
Đặt câu hỏi, cả nghìn tỷ ấy chi cho giải Ngoại hạng Anh trong 3 năm có hợp lý không? Rất khó để trả lời thỏa đáng, bởi giải bóng đá số một xứ sương mù từ lâu đã là món ăn tinh thần quen thuộc của người VN. Kể từ năm 1995, người dân nước ta đã bắt đầu quen với việc xem những sân cỏ náo nhiệt ở nước Anh vào mỗi dịp thứ bảy, chủ nhật, sống và hít thở bầu không khí cuồng nhiệt của Premier League.
Nhưng kể từ khi giá bản quyền Ngoại hạng Anh tăng chóng mặt, món ăn tinh thần này không còn phục vụ cho đại bộ phận dân chúng nữa. Chỉ khoảng 1-2 triệu người VN có đủ khả năng theo dõi trực tiếp tất cả các trận bóng đá Anh thông qua các dịch vụ truyền hình trả tiền tại nhà. Nghĩa là 1.500 tỷ đồng đầu tư chỉ đổi lại lợi ích cho 2% dân số. Liệu như thế có xứng đáng?
Cây cầu nghìn tỷ có giá trị tương đương, sau khi xây xong có thể phục vụ lợi ích cho hàng chục triệu người tham gia giao thông, nghĩa là nó đem lại niềm vui đến cho 10-20% dân số. Dĩ nhiên khó có thể so sánh hoàn chỉnh một cây cầu có giá nghìn tỷ với bản quyền một giải bóng đá có giá tương đương về mặt lợi ích. Nhưng nên nhớ rằng, cây cầu sau khi xây xong, tiền duy tu bảo dưỡng ít hơn rất nhiều so với số tiền bỏ ra xây dựng. Còn bản quyền giải Ngoại hạng Anh sau khi mua xong 3 mùa tới, sẽ tiếp tục bị đẩy giá lên cao 2-3 lần nữa trong cuộc đấu giá sau đây 3 năm. Nghĩa là sẽ không còn là 1.500 tỷ đồng nữa, mà người Việt có thể mất 3.000 tỷ hoặc 5.000 tỷ vào năm 2019.
Giữa tình hình kinh tế chẳng lấy gì làm sáng sủa, Ngân sách Nhà nước đang eo hẹp và tính đến chuyện phải vay hàng tỷ USD để chi tiêu, thì việc bỏ ra vài chục triệu USD để mua sóng phục vụ thiểu số người xem bóng đá, là điều cần phải cân nhắc.
T.P
Related posts:
- 18 đội tham gia giải bóng chuyền Cao su Ea H'Leo
- "Tuổi trẻ ai chẳng có chút ngông cuồng"
- Tăng tốc cuối năm
- Vào mùa – quyết tâm
- Khoảnh khắc nông trường
- Y tế Cao su Chư Păh: Đảm bảo tất cả người lao động được chăm sóc y tế
- Lễ khai mạc Hội thao Khu vực III
- VRG cảnh báo về việc các website, facebook giả mạo thông tin Tập đoàn
- Có một “Mùa cao su rụng lá”
- Anh công nhân