Vật kỷ niệm của Mẹ

CSVN – Nếu ai đi ngang qua rừng cao su, thì không khỏi bắt gặp những hình ảnh người công nhân nằm nghỉ trên chiếc võng mắc tòng teng nơi phần cây của mình là rất đỗi bình thường.
Ảnh: Trần Tình
Ảnh: Trần Tình

Bởi thời gian cạo mủ từ khi trời còn chìm trong màn đêm, khi cạo xong là mệt lả thì chiếc võng là nơi ngả lưng của người công nhân, vừa nghỉ mệt vừa trong thời gian chờ trút mủ, bà con công nhân tranh thủ ngủ một giấc bù cho những lúc dậy sớm đi cạo.

Ngoài những dụng cụ quan trọng hàng ngày của người công nhân như dao cạo, thùng đựng mủ, nhang muỗi thì chiếc võng không thể thiếu, bởi nó còn là phương tiện, là người bạn thân nâng đỡ cho họ khi mệt, ru họ đi vào giấc ngủ ngon lành.

Hôm nay tôi đi ngang qua vườn cây khai thác của NT Minh Hưng (Cao su Bình Long). Đi tới phần cây của chị Phạm Thị Oanh, thấy chị ngủ rất ngon, có vài con muỗi căng tròn bụng máu, đang đậu trên mặt chị, ấy vậy mà chị không hay biết, bởi vì mệt lại thiếu ngủ nên nằm xuống là chìm vào giấc ngủ dễ dàng, dưới ngọn gió vi vu của rừng cây là nơi lý tưởng để họ ngon giấc.

Sợ làm chị thức giấc, tôi đập nhẹ chú muỗi trên má của chị, máu dính vào tay tôi, chị tỉnh giấc mở mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi chào chị, chị cười “em ngủ quên, chắc chị lại đi viết bài”. “Hôm nay tôi đi về cơ sở ghé thăm chị em công nhân mình, thấy chị ngủ ngon, thấy mấy con muỗi no tròn bụng máu, tính đập nhẹ sợ chị tỉnh giấc, nhưng lại làm chị tỉnh giấc rồi”, tôi nói vậy. “Dạ cạo xong là mệt rồi mắc võng nằm nghỉ nhưng nằm xuống là ngủ ngay thôi chị ạ. Muỗi đốt hàng ngày là chuyện bình thường với tụi em chị ơi”, chị thỏ thẻ như thế.

“Có khi nào đi cạo chị quên đem theo chiếc võng không chị”, tôi hỏi. “Làm sao mà quên được, tối đến là chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho ngày mai, trong đó chiếc võng là vật không thể quên. Bởi nó là vật bất  ly thân của người công nhân cạo mủ. Riêng em thì chiếc võng lại là vật rất đổi quan trọng, bởi nó còn là vật kỷ niệm của mẹ em, chiếc võng này nó gắn chặt với đời mẹ một thời làm công nhân cạo mủ hơn 28 năm. Mẹ em rất cẩn thận giữ và chăm chút nó từng tý, luôn giặt giũ sạch sẽ. Nay mẹ đã nghỉ hưu. Em vào làm công nhân, mẹ bảo mua cái mới nhưng em lại muốn sử dụng nó bởi nó còn rất bền, nhìn rất đẹp và lại là vật kỷ niệm của mẹ, con muốn nối tiếp sự nghiệp của đời mẹ vào sâu thẳm đời con bằng chiếc võng mà nó đã từng ủ hơi ấm của mẹ một thời nắng gió gian nan mà mẹ đã từng vượt qua. Nay con muốn nằm vào nó, bởi trong nó có cả tình mẹ và sức mạnh của mẹ”, chị bộc bạch tâm sự.

Chiếc võng đối với chị không chỉ đơn thuần là để ngả lưng sau những lúc mệt nhọc, mà còn mang hình bóng người mẹ già tần tảo sớm hôm suốt một đời gắn bó với nghề cao su, nuôi đàn con khôn lớn.Chiếc võng còn là minh chứng cho truyền thống kề thừa xây dựng và bồi đắp cho ngành phát triển lớn mạnh.

Được biết, chị Phạm Thị Oanh còn là người công nhân tiêu biểu luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch trên giao. 9 năm làm công nhân cạo mủ không năm nào chị không nhận thêm kế hoạch. Có những năm kế hoạch nhận thêm của chị đạt tới 1.600 ký mủ. Bất chợt, tôi nhìn chiếc võng, thấy trong lòng tràn đầy xúc cảm thiêng liêng.

NGUYỄN THỊ NHỊ