Mình là người may mắn!

CSVN – Một kỷ niệm thời trai trẻ còn theo tôi mãi cho đến ngày hôm nay. anh minh hoa

Tôi sinh ra ở Nghệ An. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1989 được công ty nhận vào làm công nhân. Về nông trường, tôi được lãnh đạo giao làm công tác bảo vệ, cùng với một đồng nghiệp khác, cũng từ bộ đội chuyển sang. Chúng tôi được giao trông coi 100 hec ta cao su trồng mới. Quả thật, nếu thời nay hai người bảo vệ số diện tích này thì quá dễ, nhưng thời ấy, đối với chúng tôi quả là gian nan và vất vả.

Khi mới về nhận công việc, tôi nghe các đồng nghiệp kể lại: Hai năm trước đây, trên mảnh đất này, cao su trồng xuống thì bị trâu bò của 1 số gia đình đồng bào dân tộc phá hỏng, phải phá đi trồng lại đến lần thứ ba. Bởi ở đây, trâu bò thả rông, chúng cứ ngang nhiên tìm cách vào lô để ăn cỏ và ngọn cây cao su non. Mặc dù lô cao su đã được đào hào bảo vệ, trên bờ hào là hàng rào bằng cây tre vững chắc do công nhân dựng lên, nhưng chúng tôi cũng phải vất vả trông coi cả ngày lẫn đêm.

Trước đây, rừng tái sinh, cỏ dại mọc um tùm. Những bãi cỏ cao ngút đầu người, bạt ngàn, đổ rạp xuống rồi chuyển sang màu vàng khi mùa khô đến. Lại thêm cái nắng cháy da cháy thịt của vùng đất Tây Nguyên, càng làm cho công tác phòng chống cháy của chúng tôi thêm phần khó nhọc và gian truân.

Hôm đó, cũng như những ngày khác. Hết giờ làm việc, chúng tôi lại về khu nhà tập thể, cơm nước, tắm rửa vừa xong, anh bạn đồng nghiệp của tôi dắt chiếc xe đạp ra, lau lại lần nữa, tém thùng (xơ vin) và đi đến nhà bạn gái. Hai chúng tôi cùng tuổi nhưng anh bạn của tôi nổi tiếng “sát gái”, còn tôi thì nổi tiếng “nhát gái” nên vẫn chưa có người yêu. Trước khi đi, anh bạn còn ngoái lại dặn tôi: Nếu làm siêng, ông đi tuần lô một vòng nữa cho chắc. Tôi không buồn mà vui vẻ gật đầu.

Đứng tựa cửa nhìn theo anh bạn đạp xe đi khuất, tôi mỉm cười một mình và cũng dắt xe đạp của mình ra, lấy con rựa (dao), đạp đi lô, ra tới đầu lô, tôi ngửi thấy mùi khói. Chắc là có cháy – suy nghĩ bất chợt thoáng qua trong đầu. Bởi nghề dạy nghề, chúng tôi rất nhạy trong công việc. Tôi liền đạp xe một mạch ra đến cuối lô thì cháy thật. Bà con đốt dưới ruộng lúa, lửa men theo con dốc và cháy lên, lại thêm gió thổi mạnh. Đã cháy tới lô rồi! Tôi vội dựng xe ở lô bên cạnh, vượt qua con suối cạn, chặt cành cây rừng vội vàng dập lửa. Với sức trẻ, tôi cũng không thấy mệt, làm một lúc lửa cũng được dập tắt. Ngồi nghỉ mệt bên bờ suối, lòng lại miên man nghĩ về tương lai…

Khi vượt suối cạn tới lấy chiếc xe đạp của mình, mới đạp đi khoảng 100m thì lửa bên kia lại bùng cháy. Vội vàng, quay xe lại, chạy qua suối chặt cành cây và lại dập lửa…

Hoàng hôn cũng đã buông xuống, ánh lửa chuyển sang màu đỏ chập chờn, tôi dừng lại và tính toán… Lửa lại bùng cháy ở đám lá khô dày, xung quanh cháy nham nhở. Ồ, chắc là không cháy lan được đâu – Tôi tự nhủ và quay lên nơi để chiếc xe đạp.

Tôi không tị nạnh với anh bạn của mình, bởi nếu thế tôi đã không nhận lời nhưng cũng thoáng chút buồn.Thấm mệt, bụng đói, tôi đạp xe về khu nhà tập thể. Mới đi được một đoạn, bỗng nhiên phía bên kia phát ra tiếng nổ lớn, tro bụi và cành cây văng lên cao, đám lửa đã tắt hết. Tiếng nổ của bom đạn Mỹ còn sót lại sau chiến tranh.

Kỷ niệm thời trai trẻ còn theo tôi mãi cho đến ngày hôm nay. Cầm cuốn sổ hưu trí trên tay, tôi thầm nghĩ: Mình là người may mắn.

ĐẬU CAO TRIỀU

(NÔNG TRƯỜNG HÒA PHÚ – CAO SU CHƯ PĂH)