Bán độ: “Bệnh nan y” của bóng đá Việt?

Hành vi bán độ của các cầu thủ CLB Ninh Bình trong trận Ninh Bình – Kelantan (Malaysia) tại AFC Cup đang làm rúng động làng bóng đá Việt và dư luận quốc tế. Câu hỏi đặt ra là, trước vụ án tiêu cực của Ninh Bình, bóng đá VN nhiều lần điêu đứng bởi những vụ bán độ lớn, khiến không ít cầu thủ, trọng tài thân bại danh liệt. Và dù đã có những bài học đắt giá trong quá khứ, nhưng tại sao vẫn có không ít cầu thủ vẫn sẵn sàng bán mình cho quỷ dữ. Phải chăng chúng ta chưa có những biện pháp xử lý quyết liệt và mạnh tay nên chuyện “bán độ” đã trở thành căn bệnh nan y của bóng đá Việt?

Cá độ bóng đá tại Ninh Bình
Cá độ bóng đá tại Ninh Bình

Thực tế, chuyện dàn xếp tỉ số, mua bán độ trên thế giới, kể cả các nền bóng đá chuyên nghiệp, không phải không xảy ra. Vấn đề ở chỗ, khi phát hiện các vụ việc tiêu cực, các nước đều xử lý rất mạnh tay.

Trong khu vực Đông Nam Á, những năm 90 thế kỷ trước, bóng đá Malaysia lâm vào một cuộc khủng hoảng trên diện rộng khi nạn bán độ tràn lan từ cấp độ câu lạc bộ cho đến đội tuyển. Cả một nền bóng đá bị “lũng đoạn” bởi tệ nạn này khiến Chính phủ và Hiệp hội bóng đá Malaysia (FAM) chấp nhận loại thẳng một thế hệ cầu thủ tài năng, trắng tay về thành tích để đối phó với nạn bán độ. Suốt một thời gian dài với đầy đủ chứng cứ, Chính phủ Malaysia quyết định hành động mạnh tay dù thời điểm ấy ĐTQG rất cần những cầu thủ chuẩn bị cho SEA Games 1995. Khi đó, 84 cầu thủ bị đưa vào các trại tập trung ở các tỉnh vùng xa, bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Sau khi hết hạn tập trung họ cũng không được quyền mua nhà, mua xe.

Nạn mua bán độ tồn tại một cách âm ỉ tại Malaysia nhưng mỗi khi phanh phui ra, LĐBĐ nước này đều xử lý rất nặng. Năm 2012, FAM đã cấm thi đấu trọn đời với 18 cầu thủ và 1 HLV vì tội dàn xếp tỉ số. Đầu tháng 2 năm nay, FAM đã quyết định phạt tiền với 17 cầu thủ của CLB Kuala Lumpur FA (chơi tại giải hạng nhì Malaysia) mỗi người 5000 ringgit (tương đương 1.500 USD vì dàn xếp tỉ số. Trước đó, vào tháng 12/2013, 5 cầu thủ khác cùng 3 quan chức của đội bóng này còn đã bị cấm thi đấu cũng như hoạt động bóng đá suốt đời.

Hàn Quốc có nền bóng đá phát triển và không bị nạn bán độ hoành hành nhưng chỉ cần phát hiện được vụ nào họ đều xử lý mạnh tay. Vào tháng 6/2011, Ủy ban kỷ luật của giải VĐQG K.League đã ra quyết định cấm thi đấu cả đời, không được tham gia bất cứ hoạt động bóng đá nào đối với 10 cầu thủ (8 của đội Daejeon Citizen) vì hành vi bán độ.

LĐBĐ Trung Quốc từng cũng rất mạnh tay để chấn chỉnh hiện tượng này. Tổng cộng đã có 33 cầu thủ bị cấm tham gia bóng đá suốt đời và 12 CLB bị phạt sau khi dàn xếp tỉ số. CLB Shanghai Shenhua thậm chí còn bị tước chức VĐQG năm 2003 vì dàn xếp tỉ số trong một trận đấu.

Trông người lại ngẫm đến ta. Bóng đá VN thời gian qua phát hiện không ít vụ việc cho thấy cầu thủ bán độ hoặc bị nghi ngờ bán độ. Nhưng những bản án được đưa ra không nghiêm khắc, không đủ sức răn đe để làm triệt tiêu “ung nhọt” bán độ của cả một nền bóng đá.

Trung Phong