CSVN – Với giọng nói chậm rãi, cân nhắc và một trí nhớ minh mẫn về một thời làm cao su, ông Nguyễn Hộ – Nguyên Giám đốc Công ty Cao su Chư Păh (nay là Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh) bộc bạch: “Hiện nay ngành cao su vẫn chưa phải là khủng hoảng, người công nhân cao su vẫn sống được bằng chính đồng lương của mình”.
Ông Nguyễn Hộ năm nay đã 93 tuổi, cái tuổi hiếm người có thể nhớ từng sự kiện, mốc thời gian về cuộc đời và sự nghiệp của mình, nhưng hàng ngày ông vẫn đi lại khỏe khoắn, xem thời sự, theo dõi từng bước đi của ngành cao su qua Tạp chí Cao su VN và Bản tin Công đoàn CSVN.
Ông làm Giám đốc Công ty Cao su Chư Păh từ năm 1976 cho đến ngày nghỉ hưu, vừa tròn 10 năm. Đây cũng chính là thời kỳ Công ty Cao su Chư Păh đang trong lúc sơ khai, từng bước định hình vườn cây, quy mô đơn vị. Cho nên, những gian lao vất vả của thời kỳ xây dựng đơn vị ông đều trải qua. Ông nhớ lại trong nỗi đượm buồn: “Thời kỳ chúng tôi làm cao su vất vả lắm, đâu đâu cũng là rừng núi, lúc ấy Fulrô còn nhiều lắm. Điển hình là cái đêm định mệnh 20/7/1980 đã cướp đi sinh mạng của nhiều anh em, đồng nghiệp và bạn bè tôi”.
Đã 30 năm từ ngày nghỉ hưu, trăn trở và mơ ước của ông là một sản phẩm từ cao su do chính ngành cao su mình sản xuất được. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông nhắc đi nhắc lại về một ngành công nghiệp chế biến cao su theo chiều sâu. Ông giãi bày: “Ít ra ngành cao su chúng ta cũng có khoảng 1/3 sản lượng khai thác ra dùng cho chế biến ở trong nước và VRG phải là người đi tiên phong, bởi đây chỉ là ngành công nghiệp nhẹ. Tôi nghĩ VRG có thể làm được, thậm chí là làm tốt”.
Nhìn vào cách ông nói chuyện và chủ đề câu chuyện về sự khó khăn của ngành cao su, chúng tôi cảm nhận rõ nét về một con người thật sự nặng lòng với ngành cao su, đặc biệt là lĩnh vực chuyên sâu. “Các công ty cao su Tây Nguyên nói chung và Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh nói riêng cần tích cực hơn nữa trong việc cử cán bộ trẻ, kỹ sư có trình độ và năng lực đi học tập và nghiên cứu sâu hơn như một số đơn vị miền Đông Nam bộ để từng bước thay đổi cách thức quản lý, điều hành, chứ không thể để mãi một “trường ca” khai thác rồi bán sản phẩm thô”, ông Hộ cho biết thêm.
Trăn trở với những khó khăn hiện nay của ngành cao su nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng, ông Nguyễn Hộ cho rằng: “Lối ra cho tình trạng khó khăn hiện nay của ngành cao su là tập trung vào nghiên cứu chuyên sâu về các sản phẩm công nghệ cao cũng như đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm tiêu dùng từ cao su, có như vậy ngành cao su mới phần nào tự tiêu thụ chính sản lượng của mình khai thác ra và cũng là cách để thoát ra tình trạng khó khăn hiện nay”.
“Còn đối với việc trồng xen canh như một số công ty đang trồng nghệ, gừng rồi làm cà phê cũng như cây hoa màu khác…. cũng chỉ là giải pháp tạm thời, nó không thể là cứu cánh cho một giải pháp dài hạn. Về vấn đề này, theo tôi các đơn vị có trồng nên nghiên cứu kỹ lưỡng là trồng cây gì cho phù hợp với thổ nhưỡng từng tiểu vùng, không nên trồng rải rác khắp nơi vì có nơi điều kiện và khí hậu phù hợp cũng có nơi thì không”, ông chia sẻ về vấn đề trồng xen nhằm giải quyết khó khăn trước mắt của các công ty cao su hiện nay.
Bài, ảnh: Văn Vĩnh
Related posts:
- "Con người là nhân tố quan trọng và then chốt"
- Đem tài năng, sức trẻ để cống hiến
- Lớp thợ giỏi đầu tiên
- Công nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của ngành cao su
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su
- Vinh quang cho nghị lực vượt khó của một "Bàn tay vàng"
- "Về hưu mới thấy lương hưu giá trị và ý nghĩa"
- "Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"
- Yêu nghề và trách nhiệm
- Họ đã làm gì?