“Về hưu mới thấy lương hưu giá trị và ý nghĩa”

CSVN – “Mỗi tháng lương hưu của tôi 6 triệu đồng, cộng thêm khoảng 4 triệu thu nhập từ vườn cây, vợ chồng già sống khỏe. Chúng tôi còn có thêm điều kiện để giúp đỡ con cháu. Anh em CN đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ việc giữa chừng, khi nghỉ hưu mới thấy hết ý nghĩa của các chế độ chính sách quan trọng nhường nào” – chia sẻ của ông Phạm Văn Huấn – Nguyên Chủ tịch CĐ Cao su Tân Biên.
Đã 75 tuổi, mỗi ngày ông Phạm Văn Huấn thức dậy lúc 3 giờ sáng để cạo vườn cây sau nhà
Đã 75 tuổi, mỗi ngày ông Phạm Văn Huấn thức dậy lúc 3 giờ sáng để cạo vườn cây sau nhà

Nghỉ hưu đã 14 năm và bước vào tuổi “xưa nay hiếm” – 75 tuổi nhưng nom ông Huấn vẫn khỏe mạnh, hoạt bát và nhanh nhẹn. Hằng ngày ông vẫn theo dõi thời sự trên tivi, chăm sóc đàn bồ câu và cạo mủ vườn cây sau nhà. “Tôi thường thức dậy lúc 3 giờ sáng để cạo 150 cây cao su trong vườn. Sau đó, đến 8 – 9 giờ quay ra trút mủ và đánh đông, gom khoảng 10 ngày thì bán cho thương lái”, ông Huấn kể về công việc thường ngày sau khi nghỉ hưu.

Khi được hỏi suy nghĩ của ông như thế nào trước thực trạng ngành cao su hiện nay đang gặp khó khăn, nhiều nơi CN cao su xin nghỉ việc nhiều do tiền lương thấp. Ông trăn trở: “Tất cả cũng vì cuộc sống mưu sinh, nơi nào có thu nhập tốt thì họ tìm đến, không thể trách CN được. Nhưng nói đi cũng phải nghĩ lại, làm CN cao su trong công ty Nhà nước thì ngoài lương, anh em còn có nhiều thứ khác.

Bên cạnh chế độ ăn giữa ca, tiền bồi dưỡng độc hại, nặng nhọc, bảo hộ lao động, lúc ốm đau anh có bảo hiểm y tế. Ngoài ra, còn có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, có các tổ chức đoàn thể như CĐ, đoàn thanh niên đứng bên cạnh chăm lo, bảo vệ quyền lợi. Ngày lễ, Tết và dịp đặc biệt còn có tiền thưởng.

Những chế độ chính sách này nếu đi làm cho tư nhân bên ngoài chắc gì đảm bảo được. Tôi muốn nhắn nhủ với những người xin nghỉ hưu non, đừng vì cái lợi trước mắt mà thôi việc, cái này không bền vững. Đến lúc già yếu về hưu, mới thấy hết ý nghĩa tiền lương hưu”.

Nói rồi ông Huấn cho biết thêm, hiện nay con cháu ông có nhiều người đang làm trong ngành cao su. Ông vẫn thường khuyên bảo, dù khó khăn đến mấy cũng không được bỏ việc mà hãy gắn bó với cây cao su. Ngành cao su có lúc thăng, lúc trầm nhưng khi nào cũng nghĩa tình, thủy chung. Cây cao su đã giúp nhiều gia đình có cuộc sống khá giả hơn, nhiều công nhân còn vươn lên làm giàu, không lý gì lại bỏ cao su.

“Tại công ty Tân Biên, nhiều CN “ba lô” trước đây chỉ hai bàn tay trắng, nay nhiều người đã xây được nhà lầu, sắm xe hơi. Trong quá khứ, ngành đã từng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn gấp bội lần hiện nay nhưng đã vượt qua được. Với truyền thống đó, tôi tin rằng ngành cao su sẽ ổn định trong thời gian tới”, ông Huấn bày tỏ.

Theo ông, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, để giúp người lao động có thêm thu nhập, an tâm làm việc, phát triển kinh tế phụ gia đình là giải pháp căn cơ. “Phải hỗ trợ và khuyến khích CN phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Ngoài hỗ trợ về nguồn vốn, giống cây trồng thì tìm đầu ra cho sản phẩm cũng rất quan trọng. Tôi thấy, công ty cho CN phát triển trồng xen canh cây hoa màu ngắn ngày trên vườn cây xây dựng cơ bản là việc làm đúng, có lợi cả đôi bên. CN có thêm thu nhập, gắn bó vườn cây, còn công ty giảm được chi phí đầu tư”, ông Huấn phân tích.

Ngoài ra, lúc khó khăn, chế độ khen thưởng kịp thời khi CN đạt thành tích trong lao động sản xuất rất quan trọng. “Cây cao su chúng ta kích thích để cho mủ nhiều, thì tại sao không kích thích CN gia tăng hiệu quả làm việc. Khen thưởng, động viên kịp thời, là động lực để khuyến khích người lao động phấn đấu hơn, nhất là trong thời điểm khó khăn, càng chú trọng vấn đề này”, ông nêu giải pháp.

Ngày nay, trình độ nhận thức của CNLĐ đã nâng lên rất nhiều. Để công tác tuyên truyền vận động đạt hiệu quả tốt, người lao động tin tưởng vào chủ trương, đường lối phát triển của ngành, của đơn vị, tôi cho rằng phải thay đổi phương thức, nội dung tuyên truyền. Theo đó, vai trò của người cán bộ CĐ làm công tác tuyên truyền cần phải được chú trọng hơn nữa. Ngoài việc, phải thông hiểu pháp luật lao động, các chế độ chính sách cho người lao động, cán bộ CĐ còn phải có cái tâm, nhiệt huyết với nghề, biết lắng nghe và thấu hiểu, động viên chia sẻ CNLĐ trong mọi hoàn cảnh.

Bài, ảnh: Phan Thắng