CSVN – Chúng tôi tìm đến nhà anh Đậu Văn Thao, công nhân tổ 1, NT Xa Cam, Cao su Bình Long vào ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5, thấy anh đang cho đàn dê ăn. Được biết anh là một tấm gương trong lao động sản xuất.
Hơn 16 năm làm công nhân trồng mới chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản, một mình anh miệt mài chăm bón 20 ha cao su trồng mới. Những năm đầu anh xen canh lúa mỗi vụ cho từ 3 – 4 tấn. Công việc cứ vậy xoay tròn một vòng khép kín, 2 vợ chồng nuôi 4 đứa con ăn học. Vợ chồng động viên nhau trong lao động sản xuất, trong đời sống hàng ngày.
Công việc hàng ngày của anh là 4 giờ sáng dậy đi cạo phụ với vợ, đến 7 giờ sáng anh mới lên làm trên vườn cây của mình. Như con ong cần mẫn, lúc thì xịt thuốc, lúc thì cắt cành, lúc thì bón phân, anh thường xuyên kiểm tra sự phát triển của từng cây, nếu thấy cây nào có hiện tượng khác thường là anh chăm sóc đặc biệt hơn.
Ngược dòng thời gian để nhìn lại một con người đầy nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Quê anh ở Quảng Bình vào lập nghiệp tại Bình Long, Bình Phước năm 1980, lúc vừa tròn 5 tuổi. 17 tuổi, ai mướn gì làm nấy, làm đủ thứ nhọc nhằn, mệt nhất, nguy hiểm nhất là đi đào giếng, anh kể có lúc đang đứng dưới đào thì bị đất rơi xuống vì dây cột tuột làm nghiêng thùng, cục đất to rơi trúng đầu cũng may là đất mềm.
“Thời gian ấy em khổ lắm, công việc không ổn định. Đến năm 25 tuổi anh lập gia đình. Lúc đó hai vợ chồng chưa có việc làm ổn định, cuộc sống bấp bênh. Năm 2005 em quyết định xin vào làm công nhân vì có lương cơ bản, mọi chế độ có Nhà nước lo, về già còn có lương hưu nữa. Sau khi được vào làm công nhân em rất vui và ổn định cuộc sống”, anh Thao trải lòng.
“Cứ thế, 4 con lần lượt ra đời, gánh nặng gia đình lại càng nặng hơn. Năm 2009, vợ em xin vào làm công nhân cạo mủ tại đội 17, NT Xa Cam. Từ đó 2 vợ chồng động viên nhau công tác, em thường phụ giúp cho vợ em từ việc gia đình đến công việc cạo mủ trên lô. “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, 2 vợ chông em không bao giờ to tiếng với nhau, luôn quan tâm chia sẻ mọi việc trong cuộc sống”, anh Thao cho biết thêm.
2 vợ chồng tằn tiện chi tiêu nuôi con, mỗi năm tiết kiệm được 5 – 6 chục triệu đồng, mua thêm đất xây nhà mới và trồng nhiều loại cây ăn trái hơn 6 sào, và còn nuôi gần 80 con gà thả vườn, và 40 con dê.
Anh tâm sự, nuôi gà là để cải thiện bữa ăn, lúa gạo trồng xen canh nên không phải mua. Vườn trái cây em bán mỗi năm trên 100 triệu đồng. Dê bán thịt thương phẩm khoảng 4-5 triệu đồng/con, đàn dê của gia đình thu về mỗi năm gần 100 triệu đồng. Lương 2 vợ chồng bình quân cũng được 15-17 triệu/tháng, cộng thêm thu nhập từ trồng xen canh hoa màu thu nhập thêm mỗi vụ từ bí đỏ, đậu phụng, lúa… nên cuộc sống ổn định và “dễ thở” hơn.
Anh Trịnh Hữu Dụng – tổ trưởng tổ 1 cho biết, anh Thao là người công nhân mẫu mực, cần cù siêng năng trong lao động sản xuất, luôn đi đầu trong mọi phong trào và hết mình vì mọi người. Luôn sẵn lòng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ bà con lối xóm trong phát triển kinh tế gia đình…
Anh là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhận nhiều bằng khen các cấp. Đặc biệt năm 2022 vinh dự là Công nhân Cao su ưu tú cấp ngành. Bốn con anh nay đã lớn, 3 cháu có công ăn việc làm ổn đình, 1 cháu có gia đình riêng. “Hiện mình còn sức khỏe là còn tiếp tục phấn đấu trong công việc. Làm giàu chính đáng cho gia đình chính là làm giàu cho xã hội; góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh”, anh khẳng định.
NGUYỄN NHI
Related posts:
- “Nghiêm khắc với bản thân sẽ cải thiện được tay nghề”
- Đỗ Minh Thành - Tấm gương trẻ năng động, sáng tạo
- Trịnh Đình Luận – Cao su Chư Prông: Khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn
- “Tôi thương các cháu công nhân lắm”
- Hãy giữ niềm tin với cây cao su
- Lê Đăng Định - Vượt kế hoạch hàng năm từ 20-30%
- Công nhân giỏi mê làm kinh tế
- Cô “Công nhân Cao su Việt Nam ưu tú” tâm huyết với ngành
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su
- Hội thi Bàn tay vàng: Chất xúc tác để thợ giỏi thăng hoa